Thực tiễn triển khai Tiểu dự án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” gặp nhiều vướng mắc, nên các hạng mục trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và tiến tới trợ cấp gạo đạt khối lượng thấp so với đăng ký, khiến tỷ lệ giải ngân thấp…
Tỷ lệ giải ngân thấp
Giai đoạn 2022 - 2024, trên cơ sở đăng ký khối lượng của các địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, nguồn vốn đã phân bổ hơn 189 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” (Tiểu dự án 1, thuộc dự án 3 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Về kết quả giải ngân, theo Sở NN&PTNT, năm 2022 đạt 10,43% kế hoạch vốn giao. Trong khi đó, năm 2023, các địa phương giải ngân được hơn 22 tỷ đồng (vốn năm 2022 chuyển sang đạt 28,53%, vốn phân bổ năm 2023 đạt 14,59%). Còn năm 2024 ước giải ngân hơn 33,6 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn giao.
Ngoài vướng mắc do cơ chế, việc phân bổ vốn chậm, vào thời điểm không thuận lợi, thì trong thực tiễn triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 cũng gặp những khó khăn, khối lượng không đạt như đăng ký ban đầu khiến vỡ kế hoạch giải ngân vốn được giao.
Theo phân tích của ngành chuyên môn và địa phương, chỉ có hai hạng mục của Tiểu dự án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” là khoán bảo vệ rừng và bảo vệ rừng được thực hiện cơ bản suôn sẻ.
Đối với 4 hạng mục còn lại không vướng quy định thì không có đối tượng tham gia, người dân không mặn mà do rắc rối về thủ tục hồ sơ, quen với trồng cây keo, nên vận động đổi sang trồng loại cây khác rất khó…
Ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, năm 2023, huyện thực hiện được 400ha trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, việc vận động người dân đăng ký lập được hồ sơ, phê duyệt thiết kế, tổ chức đấu thầu hết sức khó khăn. Nghị quyết Huyện ủy Đông Giang đề ra hằng năm trồng 800ha rừng gỗ lớn, với định hướng cây quế, trồng từ 10 - 15 năm. Khi người dân đăng ký, diện tích phân tán nhỏ lẻ, không đáp ứng tối thiểu 3ha, hay nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng nên không thực hiện được.
Theo ông Bảo, huyện quy hoạch rừng sản xuất 19 nghìn héc ta, đăng ký một năm trồng 800ha; khi triển khai theo kế hoạch trồng rừng thì nhiều diện tích đang trồng keo từ 3 - 5 tuổi, không thể tham gia ngay.
Có trường hợp người dân đăng ký tham gia năm 2023, xác định trúng vào diện tích quy hoạch rừng phòng hộ; theo đó, năm 2024, huyện đưa vào chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, nhưng người dân cũng nảy sinh tư tưởng sợ mất đất, chu kỳ khai thác chỉ được 20% theo từng năm… Người dân còn e dè dù theo quy định được hỗ trợ cao gấp đôi.
Ở góc độ chuyên môn, theo ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các địa phương chưa rà soát kỹ việc đăng ký khối lượng thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phòng hộ. Qua làm việc với các địa phương, khối lượng đăng ký nhiều (cụ thể năm 2022 và 2023 là hơn 2.447,3ha).
Định mức hỗ trợ bảo vệ rừng (400 nghìn đồng/ha) và phát triển rừng (10 triệu đồng/ha) còn thấp, chưa khuyến khích người dân tham gia các hạng mục phát triển rừng.
Các hạng mục hỗ trợ thực hiện phần lớn giao cho UBND xã, song trên địa bàn tỉnh hiện nay, hầu hết cán bộ lâm nghiệp xã là bán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm nên thiếu chuyên môn. Do đó, việc triển khai tham mưu thực hiện tiểu dự án này còn chậm và hạn chế.
Quyết tâm làm khi còn dư địa
Theo Ban Dân tộc tỉnh, số vốn còn lại chưa phân bổ cho các huyện hơn 104,5 tỷ đồng, để giải ngân hết nguồn vốn này là điều không dễ. Để không bị mất vốn, trong trường hợp bất khả kháng, các địa phương cần tính toán linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn từ Tiểu dự án 1 sang các dự án cùng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thống nhất với đề xuất này, song ông A Lăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cũng lưu ý, miền núi có thế mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ đều vì mục tiêu này.
Vậy nên, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương rà soát lại khối lượng, kiểm tra lại con số đã giải ngân trong số vốn đã phân bổ được bao nhiêu, xác định rõ nhu cầu để đăng ký sử dụng đối với số vốn còn lại.
Cho biết dư địa thực hiện Tiểu dự án 1 tại các địa phương còn lớn, theo ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đối với kế hoạch năm 2024, khả năng các địa phương đăng ký hạng mục khoán bảo vệ rừng và bảo vệ rừng giải ngân 100%. Còn các hạng mục khác giải ngân đạt khoảng 50%.
Để thực hiện đạt cam kết giải ngân 50% vào cuối năm 2024, các địa phương cấp huyện chỉ đạo UBND các xã làm chủ đầu tư đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thấy được lợi ích trồng rừng, phục hồi rừng, từ đó đăng ký tham gia.
“Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đến năm 2025, Quảng Nam phải đạt độ che phủ rừng 61%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 mới đạt được 58,88% (nhiều diện tích rừng bị mất do bão lũ, sạt lở năm 2020).
Với tiến độ thực hiện như hiện nay, đến năm 2025 tỷ lệ che phủ dự kiến mới đạt 59,5%. Muốn đạt được độ che phủ rừng theo kế hoạch, mỗi năm chúng ta phải trồng 3.000ha rừng. Chúng ta thực hiện đạt được chỉ tiêu của Tiểu dự án 1 hơn 3.300ha sẽ góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu che phủ rừng như nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra” - ông Khánh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, đánh giá lại kết quả và dư địa thực hiện với các hạng mục khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng rừng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, rừng sản suất.
Nguồn vốn đã giao, có địa chỉ, đang thực hiện thì đôn đốc khẩn trương hoàn thành để đảm bảo giải ngân, với tinh thần không để mất vốn. Đối với nguồn vốn chưa phân bổ hơn 104,5 tỷ đồng, cần làm rõ nguyên nhân, đề xuất cách thức, giải pháp để xử lý.
Sở NN&PTNT và Ban Dân tộc tỉnh làm việc với các địa phương xác định lại tinh thần quyết tâm làm khi còn dư địa, điều kiện, đối tượng, chỉ khi không thể thực hiện được thì mới điều chỉnh nguồn vốn.