Thời gian qua, các chương trình vay vốn ưu đãi thông qua ngân hàng hầu như chưa đến được với ngư dân Hội An. Không ít ngư dân dù rất muốn đóng tàu lớn vươn khơi bám biển nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay.
Tàu vỏ gỗ của ông Nguyễn Văn Em mới đóng được phần long cốt đã bị tháo ra vì ông không đủ vốn đối ứng. |
Khó đối ứng
Bao năm gắn bó với nghề biển, ông Huỳnh Nhớ (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) ao ước sắm được tàu to, máy lớn để vươn khơi, đánh bắt dài ngày. Thế nhưng từ khi được UBND tỉnh quyết định cho vay đóng tàu, gần hai năm đeo đuổi làm thủ tục vay vốn theo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (Nghị định 89), giờ đây, thứ mà ông nhận được chỉ là một thùng hồ sơ với đủ loại giấy tờ và một cục nợ lên đến 40 triệu đồng do vay mượn để trang trải đi lại, thuê người làm thiết kế. Mất của, tốn công mà không được việc, ông Huỳnh Nhớ cho biết: “Nói chung ngư dân như tôi rất là khó. Ngân hàng chừ khó cho vay, nếu bán tàu cũ rồi chúng tôi lấy chi mà đi làm, thành ra sợ nên không dám bán tàu trước. Ngân hàng nào chấp nhận cho vay chúng tôi mới bán”.
Trên thực tế, việc phải bỏ ra 30% vốn đối ứng trong tổng kinh phí đóng tàu vỏ gỗ đã thực sự làm khó ngư dân, trở thành rào cản lớn, khiến họ khó tiếp cận vốn vay ưu đãi. Cả đời đi biển, tài sản mà nhiều ngư dân có được thường chỉ là những chiếc tàu công suất nhỏ, trị giá một vài trăm triệu đồng. Để có khoảng 3 tỷ đồng vốn đối ứng khi đóng con tàu vỏ gỗ trị giá 10 tỷ đồng, ngoài mượn anh em bạn bè, nhiều ngư dân thậm chí bán cả nhà và tàu cũ cũng không đủ nên sẽ liều đi vay nóng bên ngoài, chấp nhận lãi suất cao ngất ngưởng. Nhưng trong quá trình thẩm định, phía ngân hàng cũng không thể chấp nhận cách huy động nguồn vốn vay đối ứng này. Đứng ngay tại triền đà, nhìn con tàu của mình mới đóng được phần long cốt, giờ đang bị chủ cơ sở đóng tàu tháo tung ra, lấy gỗ làm cho người khác, ngư dân Nguyễn Văn Em (thôn Vạn Lăng) không giấu được vẻ ngậm ngùi. Ông cho biết, sau khi làm hồ sơ thủ tục và thiết kế hết 40 triệu đồng, những tưởng ngân hàng chấp thuận cho vay nên đã mượn thêm 60 triệu đồng cho chủ đóng tàu tạm ứng, mua gỗ về đóng. Giờ đây, khi ông không đủ 2,7 tỷ đồng vốn đối ứng, ngân hàng không giải ngân nên đành phải bỏ cuộc, tháo gỡ long cốt tàu. Ông Em buồn bã nói: “Lên ngân hàng họ hối nên chúng tôi về làm. Làm xong giấy tờ thủ tục đầy đủ rồi thì hợp đồng đóng, ngân hàng đưa giấy cho xuống triền đà đặt cọc, đặt cọc tiền máy tiền đồ tùm lum hết. Chừ lưng chừng họ tháo ra hết rồi. Bỏ ra hết 100 triệu đồng, bởi dân nghèo quá, không có lấy chi mà làm. Mất hai năm trời theo đuổi miết, chừ nửa chừng không có, thôi tháo ra lại rồi”.
“Cũng ưng làm lắm chứ, nhưng mà vốn liếng của Nhà nước, họ đưa cho mình, mình có cỡ 30% để đối ứng mà chừ đâu có. Kinh tế chừ khó. Dân ở đây đông, anh em ưng làm mà đâu có vốn liếng. Rứa cuối cùng chịu khó làm thúng để sống qua ngày nuôi vợ, nuôi con thôi, đâu có thể vươn khơi đánh bắt được”. (Anh Hồ Công Vĩnh, khối Tân Thịnh, phường Cẩm An, TP.Hội An) |
Câu chuyện vay vốn không thành của 6/7 ngư dân đóng tàu theo Nghị định 89 ở Hội An đã nhanh chóng lan truyền đến các ngư dân khác trên địa bàn. Vì vậy, dù rất muốn tiếp tục làm nghề, anh Hồ Công Vĩnh (khối Tân Thịnh, phường Cẩm An) cũng như hàng trăm ngư dân khác chỉ sắm mỗi một chiếc thúng chai vài ba triệu đồng. Thi thoảng trời yên biển lặng họ mới ra đánh bắt gần bờ. Biển khơi mênh mông ngoài kia, giờ dễ gì ra đánh bắt, nhất là khi tàu thuyền lớn một thời đã bán đứt cho ngư dân vùng khác. Đứng cạnh những chiếc thúng chai của anh em bạn bè bên bờ biển Tân Thịnh, anh Vĩnh chia sẻ: “Cũng ưng làm lắm chứ, nhưng mà vốn liếng của Nhà nước, họ đưa cho mình, mình có cỡ 30% để đối ứng mà chừ đâu có. Kinh tế chừ khó. Dân ở đây đông, anh em ưng làm mà đâu có vốn liếng. Rứa cuối cùng chịu khó làm thúng để sống qua ngày nuôi vợ, nuôi con thôi, đâu có thể vươn khơi đánh bắt được”.
Ít ngư dân hưởng lợi
Không vay được vốn ngân hàng, nhiều ngư dân đã chọn cách vay của các đầu nậu để đóng tàu nhỏ rồi trả dần bằng cách bán hải sản cho họ sau mỗi chuyến biển. Cách làm này không rườm rà thủ tục, không phải thế chấp nhưng giá bán sản phẩm thường thấp hơn thị trường và quan trọng là ngư dân không thể đánh bắt tại các vùng biển xa như chủ trương của Nhà nước. Ông Cao Văn Nhất (ngư dân ở khối Phước Hòa, phường Cửa Đại) nói: “Gia đình tôi sắm con tàu 700 triệu đồng mà đâu có vay ngân hàng được đồng mô. Bây giờ đầu nậu họ đưa 300 triệu đồng rồi. Ngân hàng thì không cho ngư dân vay, chỉ cho vay làm du lịch. Chừ không lẽ ngồi đó chờ ngân hàng cho vay thì kinh tế làm sao đi lên? Cho nên phải vay thế này thế nọ. Còn thủ tục thì Nhà nước quá rườm rà rồi, nên từ đó người ta cũng chán lần, không tiếp cận nữa”.
Các ngư dân thôn Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh) cho biết đang gặp ách tắc khi vay vốn theo Nghị định 89. |
Theo Phòng Kinh tế TP.Hội An, dù không còn ở vị thế chủ lực như vài chục năm trước nhưng ngành ngư nghiệp vẫn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Tuy nhiên thời gian qua, hầu hết chương trình hỗ trợ ngư dân theo các quyết định của Chính phủ và UBND tỉnh có rất ít hộ được hưởng lợi. Cá biệt, có chương trình toàn thành phố chỉ được 1 hộ hoặc thậm chí chưa có ngư dân nào mặn mà đăng ký tham gia. Điển hình như chương trình vay vốn theo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, có 7 ngư dân được UBND tỉnh quyết định cho đóng tàu nhưng đến nay mới chỉ có 1 ngư dân Nguyễn Đình Châu (ở khối Châu Trung, phường Cẩm Nam) đóng được tàu vỏ thép trị giá 15 tỷ đồng. Còn lại 6 ngư dân đều khó khăn về vốn đối ứng nên chưa đóng được tàu vỏ gỗ. Các chương trình khác như Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về “Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ khai thác nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa” hay “Cơ chế đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ” theo Quyết định 20 của UBND tỉnh, kể cả Quyết định 3809 của UBND tỉnh “Hỗ trợ cho vay để đóng mới, cải hoán tàu cá đủ điều kiện hoạt động tại vùng biển xa”… đều rất ít ngư dân địa phương tham gia hoặc không có ngư dân nào. Vì vậy, dễ thấy số lượng tàu thuyền công suất lớn ở Hội An ít tăng. Toàn thành phố chỉ có 50 tàu công suất từ 90CV trở lên. Song, nhờ chủ trương mở rộng không gian phát triển du lịch dịch vụ của địa phương, nhiều ngư dân cũng từng bước chuyển dần ngành nghề, làm thúng, ghe, đánh bắt hải sản nước lợ, nước ngọt hoặc đưa đón du khách tham quan trên các nhánh sông quanh địa bàn, phục vụ ẩm thực tại chỗ, cơ bản ổn định đời sống. Ông Lê Đình Tường - Phó phòng Kinh tế TP.Hội An nhận định: “Đã có nhiều chính sách của Nhà nước từ trung ương tới địa phương nhằm hỗ trợ, đánh bắt khai thác hải sản ở vùng xa bờ, tuy nhiên, bà con ngư dân ở Hội An tham gia vẫn còn ít. Thứ nhất, các chính sách của Nhà nước tuy đúng đắn nhưng nhìn chung thủ tục còn khá nhiều phức tạp. Một số chương trình yêu cầu ngư dân phải có vốn đối ứng, rồi thế chấp tài sản nhưng tài sản của ngư dân chưa đảm bảo. Ngư dân Hội An không mặn mà tham gia, chủ yếu đi vay đầu nậu dù lãi suất cao hơn. Từ đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề cá ở địa phương”.
Như vậy có thể thấy, việc tháo nút thắt về vốn vay cho ngư dân Hội An là việc rất cần thiết. Có như vậy mới khuyến khích phát triển và huy động tàu đánh bắt tại các vùng biển xa, vừa khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn lợi hải sản, vừa tăng dày số lượng tàu thuyền của ngư dân trên biển, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
LÊ HIỀN