Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: "Bài toán" đội ngũ và cơ sở vật chất

XUÂN PHÚ 16/01/2019 02:46

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Nhưng ngay từ bây giờ, công việc chuẩn bị đang được ngành GD-ĐT chạy đua với thời gian để kịp triển khai với mục tiêu đạt hiệu quả tốt nhất.

Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định đến sự thành bại của chương trình GDPT mới. Ảnh: X.P
Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định đến sự thành bại của chương trình GDPT mới. Ảnh: X.P

Đội ngũ và cơ sở vật chất đều thiếu

Sau gần nửa tháng ban hành Thông tư 32 (26.12.2018) về chương trình GDPT, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trên cả nước để triển khai. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đội ngũ giáo viên (GV) sẽ quyết định đến sự thành - bại trong triển khai chương trình GDPT mới. Do đó, chuẩn bị đội ngũ, công tác đào tạo, bồi dưỡng GV đóng vai trò rất quan trọng. Cũng theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, thời gian tới, ngành sẽ triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp GV, hiệu trưởng, ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để dạy học các môn mới, dạy tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, hiện cả nước có hơn 1,161 triệu GV và 103.000 cán bộ quản lý. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, so với định mức quy định, hiện thiếu gần 76.000 GV; nhiều nhất là bậc học mầm non thiếu hơn 43.700 GV, tiểu học gần 19.000, THCS hơn 10.000. Thiếu GV thật sự đang là bài toán nan giải đối với ngành GD-ĐT khi triển khai chương trình GDPT mới với nhiều môn mới, nhiều hoạt động mới. Trong khi đó, các địa phương hiện nay lại đang chịu áp lực rất lớn khi tính toán việc sắp xếp, tinh giản đội ngũ theo chủ trương của Trung ương.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng là vấn đề nan giải. Theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có hơn 567.000 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng kiên cố chưa đến 75%, trong đó so sánh các bậc học, bậc mầm non thấp nhất với gần 65%. Đối với phòng học bộ môn, trung bình mỗi trường có 4 - 5 phòng nhưng không phải phòng nào cũng đáp ứng quy định chung. Ở bậc THCS tỷ lệ phòng đáp ứng quy định chưa đến 70%, còn THPT nhỉnh hơn 76%. Điều đáng lo ngại là, dù với chương trình hiện hành song thiết bị dạy học quy định tối thiểu phải có cũng thiếu khá nhiều, cao nhất là bậc TPHT xấp xỉ 59% còn thấp nhất là mầm non với chưa đến 48%. Với thực trạng cơ sở vật chất như vậy, rõ ràng việc triển khai thực hiện chương trình mới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1436 (29.10.2018) phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025.

Khó khăn của Quảng Nam

Tương tự thực trạng chung cả nước, Quảng Nam cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới. Theo ông Võ Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT), điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành chưa thể đáp ứng yêu cầu tổ chức học 2 buổi/ngày. Cả tỉnh còn có 218 phòng học tạm, 42 phòng mượn. Tỷ lệ phòng bộ môn cấp THCS là 2 phòng/trường, thiếu 218 phòng; cấp THPT 2,3 phòng/trường, thiếu 42 phòng. Trang thiết bị mới đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu, nhiều thư viện chỉ là “nơi chứa sách” chứ chưa đúng nghĩa thư viện. Đội ngũ GV cũng còn thiếu, nhất là GV tiểu học, GV Tiếng Anh, Tin học; cấp THCS đang trong tình trạng thừa thiếu cục bộ GV.
Lãnh đạo phòng GD-ĐT các địa phương cũng cho biết gặp nhiều trở ngại khi thực hiện chương trình mới như thiếu nguồn kinh phí, phải đào tạo lại GV. Theo chủ trương hiện nay, các điểm trường lẻ phải sáp nhập lại, nhưng với điều kiện địa hình miền núi khó khăn sẽ nảy sinh khi học sinh đi học xa, nên cần có chế độ ăn ở nhằm tạo điều kiện cho các em đến trường. Ông Lê Văn Hà - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn cho rằng, nhận thức trong hệ thống chính trị, xã hội về chương trình GDPT mới chưa cao và cũng chưa đồng bộ, ngay cả người trong ngành cũng chưa hình dung được hoạt động trải nghiệm ở tiểu học là như thế nào. Do đó, tỉnh nên tổ chức hội nghị để cho lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nắm rõ chương trình GDPT mới và cùng vào cuộc mới giải quyết được những khó khăn.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, ngành sẽ xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh, huyện, thành phố đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình. Trước mắt, toàn ngành tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ để xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng đề án đảm bảo cơ sở vật chất mỗi địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực. Ưu tiên đầu tư xây dựng thay thế các phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp nặng, bổ sung các phòng học, phòng bộ môn còn thiếu, mua sắm thiết bị dạy học.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: "Bài toán" đội ngũ và cơ sở vật chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO