Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển miền núi: Lập biểu đồ giải ngân vốn

ALĂNG NGƯỚC 25/05/2023 05:54

Để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, bên cạnh tổng rà soát nhu cầu vốn theo tỷ lệ phân bổ, các địa phương, đơn vị thụ hưởng chương trình cần thúc đẩy và cam kết tiến độ giải ngân; đồng thời bóc tách từng nguồn vốn cụ thể, xác lập biểu đồ chi tiết trong kế hoạch dự kiến giải ngân cho từng danh mục, nội dung dự án…

Chậm giải ngân vốn khiến tiến độ triển khai các dự án chương trình tại miền núi trong tỉnh gặp khó khăn, trở ngại. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chậm giải ngân vốn khiến tiến độ triển khai các dự án chương trình tại miền núi trong tỉnh gặp khó khăn, trở ngại. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị như vậy tại cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh để nghe báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi mới đây.

Khó giải ngân vốn

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, năm 2023, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 416 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và gần 365 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Trong đó, vốn sự nghiệp gần 157 tỷ đồng trung ương chưa phân bổ, Quảng Nam đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính cho chuyển từ tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 3) sang thực hiện tiểu dự án 2 (Dự án 3) nhưng đến nay Bộ Tài chính chưa có văn bản phúc đáp, trả lời.

Theo ông Mai, tính đến 30/4/2023, tổng vốn giải ngân toàn tỉnh chỉ đạt hơn 95,5 tỷ đồng. Nhiều địa phương, đơn vị giải ngân rất thấp khiến quá trình triển khai dự án chậm so với kế hoạch. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh và Sở GD-ĐT nhận triển khai 9 dự án, nhưng cũng chỉ dừng ở mức thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

“Đối với các huyện thụ hưởng, đến nay 100% vốn đầu tư phát triển đã được phân bổ cho các phòng, ban chức năng huyện và UBND các xã. Riêng vốn sự nghiệp mới chỉ có 4/10 huyện đã phân bổ, còn lại 6/10 huyện đang xây dựng phương án, lấy ý kiến từ các xã, dự kiến đến đầu tháng 6/2023 mới có thể hoàn thành việc phân bổ vốn” - ông Mai cho biết thêm.

Theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, việc chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục từ các địa phương, đơn vị là nguyên nhân khiến việc phân bổ vốn, giao vốn bị chậm.

Tại một số địa phương, mặc dù tỉnh đã phân bổ vốn của năm 2022 nhưng huyện chưa đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, gây ảnh hưởng đến mục tiêu chương trình. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ vốn đối ứng của các địa phương nhằm đảm bảo tiến độ triển khai, tránh gây tồn đọng nợ, dẫn đến hiệu quả dự án không cao.

Khẩn trương xác lập nhu cầu

Cho rằng việc chậm giải ngân vốn đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn gợi mở cần “đặt lên vai” gánh nặng “trả nợ” tiến độ thực hiện chương trình.

Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, trong đó lưu ý đến việc phân bổ vốn theo nhu cầu thực tiễn tại các địa phương, đơn vị thụ hưởng.

Tranh thủ những ngày nắng nóng, khẩn trương xác lập nhu cầu vốn, tạo điều kiện hoàn tất hồ sơ, thủ tục liên quan giải ngân vốn và triển khai các tiểu dự án theo nhu cầu.

Riêng nguồn vốn sự nghiệp gần 160 tỷ đồng trung ương chưa phân bổ, ông Trần Anh Tuấn chỉ đạo cơ quan tham mưu có văn bản trình UBND tỉnh gửi ra trung ương đề nghị sớm trả lời, hướng dẫn cụ thể để triển khai các hạng mục theo đúng kế hoạch.

Trong trường hợp trung ương không có văn bản trả lời và giải quyết điều chuyển, Quảng Nam sẽ đề xuất hoàn trả lại nguồn vốn, đảm bảo không để ảnh hưởng đến các dự án khác.

Trước mắt, cần tiếp tục rà soát vốn đối ứng của địa phương theo từng năm, đồng thời tập trung báo cáo nhu cầu vốn theo tỷ lệ vốn mà trung ương đã phân bổ.

Các địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc trong việc xây dựng phương án phân bổ vốn, cần nêu đích danh cụ thể, cam kết có phương án phân bổ vốn chậm nhất cuối tháng 5/2023.

Liên quan đến tiến độ giải ngân, ông Trần Anh Tuấn đề nghị bóc tách cụ thể nguồn vốn tiểu dự án, dự án thuộc chương trình năm 2022 và 2023.

“Xác định cụ thể vấn đề này, yêu cầu các địa phương lập biểu đồ chi tiết trong kế hoạch dự kiến giải ngân cho từng danh mục, nội dung cụ thể của từng tiểu dự án, dự án mà địa phương thụ hưởng. Phải cam kết triển khai một cách hiệu quả trong thời gian đến.

Riêng đối với các cơ quan của tỉnh được giao làm chủ đầu tư, trừ Ban Dân tộc ra, phải tham mưu ngay văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo báo cáo cụ thể tình hình triển khai dự án. Yêu cầu các đơn vị nói rõ mốc thời gian, biểu đồ kế hoạch giải ngân chương trình” - ông Trần Anh Tuấn chỉ đạo.

Ngoài ra, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc trong việc phân bổ, xử lý và thẩm định nguồn vốn thực hiện chương trình. Đồng thời đôn đốc các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục, lập dự toán nhu cầu vốn và nhanh chóng giải ngân để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

“Ban Dân tộc tăng cường kiểm tra, làm việc với các địa phương, cố gắng bóc tách cụ thể chi tiết nội dung, từng vấn đề, để có cơ sở tham mưu chỉ đạo một cách sát sao. Tính toán nội dung phiên họp giao ban thường xuyên với các địa phương và sở, ngành liên quan được giao thụ hưởng chương trình để kiểm soát toàn bộ tiến độ, khối lượng công việc, cùng nhau có tháo gỡ vướng mắc” - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển miền núi: Lập biểu đồ giải ngân vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO