Làm gì, làm như thế nào để có thể giải ngân hết vốn đầu tư đã phân bổ cho 2 dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ, không để chuyển trả vốn về trung ương là chuyện được luận bàn trong nhiều ngày qua. Thời hạn cuối cùng để điều chuyển hay bị rút vốn phải báo cáo trước 22/8/2023.
Quyết định cuối cùng
Sau hai cuộc khảo sát ngày 5&7/8/2023, thêm 5/15 trạm y tế thuộc diện xây mới: Bình An (Thăng Bình), Quế Xuân 2 (Quế Sơn), Điện Phong, Điện Trung & Điện Thọ (Điện Bàn) chuyển sang nâng cấp, cải tạo.
Ngày 15/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ký trình Thường trực HĐND tỉnh xin điều chỉnh chủ trương đầu tư 8/15 trạm y tế xây mới thuộc dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã (gần 197 tỷ đồng) sang nâng cấp, cải tạo (3 trạm y tế: Bình Nguyên, Bình Minh, Bình Hải đã được HĐND tỉnh thống nhất điều chỉnh theo thông báo ngày 9/8/2023). Giá trị đầu tư từ xây mới sang nâng cấp, cải tạo của 8 trạm y tế này chỉ còn hơn 19,9 tỷ đồng (giảm khoảng 9,5 tỷ đồng theo dự án được duyệt).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) công bố ngày 31/8/2023 sẽ mở thầu dự án “đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế tuyến huyện” (92 tỷ đồng) và thi công từ tháng 9/2023; đến giữa tháng 10/2023 sẽ thi công 76 trạm y tế tuyến xã.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, không thể thi công hoàn thành, giải ngân 100% vốn đã bố trí cho 2 dự án này. Theo tính toán của chủ đầu tư, hết năm 2023 chỉ có thể giải ngân 2 dự án khoảng 77 tỷ đồng.
Ông Thành đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định tăng tỷ lệ tạm ứng hợp đồng xây lắp, kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư sang năm 2024.
Kiến nghị của chủ đầu tư xem ra khó thành thực hiện. Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói, Trung ương không có ý kiến gì về việc cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân.
Hai dự án vẫn buộc phải hoàn thành và giải ngân đến cuối 2023. Chỉ có thể chuyển nguồn được bao nhiêu hay bấy nhiêu để thanh toán khối lượng cho các dự án khác vốn trung ương, nhưng liệu có được chấp nhận và xử lý vốn sau này như thế nào. Không còn cách nào khác là phải nỗ lực hết mức để đẩy nhanh tiến trình thực hiện dự án, nhất là có thể giải ngân tốt 2 gói mua sắm thiết bị y tế (khoảng gần 30 tỷ đồng).
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho hay, nếu bây giờ tất cả dự án bắt đầu thi công thì có thể sẽ đạt 80 - 90% vào cuối năm. Nhưng hiện giờ vẫn đang loay hoay thủ tục thì không thể nào sử dụng hết vốn. Sẽ điều chuyển vốn được, nhưng phải theo đúng nghị quyết của Quốc hội.
Chờ hồi kết của sự hợp tác
Kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án quá nhiều sai sót, đã khiến không thể giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao trong năm 2023 của 2 dự án y tế, theo thông báo ngày 9/8/2023 của Thường trực HĐND tỉnh là chuyện không bàn cãi. “Kinh nghiệm” này có thể giúp cho việc thực hiện các dự án khác trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyện quan trọng hơn hết lúc này là cần sự hợp tác giữa các sở, ban, ngành, cơ quan thẩm định, địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, thiết kế, dự toán... từ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh để có thể hấp thụ hết số vốn đã phân bổ.
Thường trực HĐND, UBND tỉnh yêu cầu xác định rõ tiến độ, thời gian thực hiện, khả năng hoàn thành của từng trung tâm và trạm y tế, bảo đảm giải ngân vốn. Không sử dụng hết kinh phí đã phân bổ thì điều chuyển vốn qua các công trình khác theo đúng quy định (theo Nghị quyết 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội) hoặc hoàn trả vốn ngân sách trung ương.
Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, sẽ bảo đảm thời gian, chỉ 1 hay 2 ngày là thẩm định xong dự án. Tuy nhiên, khó có thể giải ngân theo hướng điều chuyển vốn vì hiện nay rất nhiều dự án không thiếu vốn, mặt khác không có mặt bằng thi công, không có khối lượng thì làm sao điều chuyển. Chỉ có thể đẩy nhanh tiến độ dự án dựa vào các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, không bị ảnh hưởng gì đến việc điều chỉnh của dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, cho dù điều chuyển được vốn, nhưng phải biết chuyển về đâu, danh mục nào (hơn 210 tỷ đồng dự kiến không thể giải ngân hết), phải có địa chủ cụ thể trên cơ sở đồng thuận giữa các sở, ban, ngành, chủ đầu tư. Không thể để Trung ương “tuýt còi”, rút vốn thì ngân sách địa phương không đủ nguồn bù đắp.
Cuộc chạy đua nước rút cuối cùng đầy khó khăn. Không sở, ban, ngành liên quan nào đến hai dự án này đứng ngoài cuộc. UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư” (thông báo ngày 16/8/2023), yêu cầu sự thống nhất giữa Sở Y tế, chủ đầu tư (bằng văn bản cụ thể) về danh mục, số lượng, thông số kỹ thuật trang thiết bị y tế của các trung tâm và trạm y tế phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Chủ đầu tư buộc phải hoàn tất việc thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan của các gói thầu mua sắm trang thiết bị để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí. UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư xây dựng cụ thể kế hoạch, tiến độ, thời gian thực hiện, khả năng hoàn thành, giải ngân đến cuối năm 2023.
Các Sở (KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng và các ngành liên quan...) gia tăng nhân lực, thời gian, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các hồ sơ, thiết kế, dự toán... theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư khi thực hiện hai dự án này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu, nếu không sử dụng hết kinh phí đã phân bổ thì chủ đầu tư phải dự kiến cho được số vốn không thể giải ngân, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở KH-ĐT) trước ngày 22/8/2023.
Sở KH-ĐT chịu trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh trước ngày 25/8/2023 để xem xét việc điều chuyển vốn qua các công trình khác theo đúng quy định của Nghị quyết số 93 ngày 22/6/2023 của Quốc hội và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 sang 2024.