Các điều kiện đảm bảo để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất, trang thiết bị gần như chưa được sẵn sàng, thậm chí đến nay sau 3 năm vẫn còn ngổn ngang và chưa có lối ra.
3 giáo viên dạy 1 quyển sách!
Theo Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (Đại Lộc), sau 3 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, có thể nói việc dạy tích hợp các môn ở bậc tiểu học như Lịch sử - Địa lý không có gì khó khăn vì giáo viên (GV) được đào tạo nhiều môn. Riêng Âm nhạc và Mỹ thuật vì là môn năng khiếu nên sắp tới GV cần đi học, còn hiện nay nhà trường tạm thời phân công GV dạy riêng theo từng môn.
Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, triển khai chương trình GDPT mới đòi hỏi phải có đội ngũ GV đảm bảo yêu cầu dạy học nhưng thực tế qua giám sát cho thấy GV khi giảng dạy chương trình GDPT mới đã gặp nhiều khó khăn, nhất là dạy môn tích hợp. Một trong những vướng mắc là yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới phải tăng số lượng và chất lượng GV nhưng Trung ương phân bổ biên chế cho tỉnh không tăng.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Thăng Bình) - thầy Phan Quang Trung nói, qua thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 1, 2, 3 cho thấy chương trình tập trung phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS).
“Bậc tiểu học hiện nay dạy tích hợp không có trở ngại nhiều và tỷ lệ 1,5 GV/lớp dạy 2 buổi/ngày là được. Song khó khăn là các môn Tin học, Mỹ thuật, Tiếng Anh nếu GV nghỉ đau ốm, thai sản sẽ không có người dạy thay” - thầy Trung chia sẻ.
Trong khi đó, dạy tích hợp ở bậc THCS theo chương trình GDPT mới khá rối rắm. Việc bố trí GV giảng dạy các môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) thừa nhận tình trạng “3 GV cùng dạy 1 quyển sách”, bởi môn Khoa học tự nhiên bao gồm 3 phân môn là Lý, Hóa, Sinh nhưng lâu nay GV không được đào tạo liên môn, hiện tại chỉ có 1 GV được đào tạo liên môn Sử - Địa. Vì vậy, nhà trường buộc phải phân công 3 GV Lý, Hóa, Sinh để cùng dạy môn học này.
“Xây dựng thời khóa biểu đã khó khăn, việc ra đề kiểm tra, chấm bài cũng vất vả vì cả 3 GV cùng thực hiện” - thầy Lực chia sẻ.
Ở bậc THPT, chung quanh vấn đề đội ngũ GV khi triển khai chương trình mới cũng có rất nhiều vướng mắc. Theo quy định, ngoài 6 môn bắt buộc, HS được tự chọn 4 trong số 9 môn gồm Lý, Hóa, Sinh, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật và Âm nhạc.
Theo thầy Lê Minh Thơ - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ), nhà trường không có GV môn Âm nhạc, Mỹ thuật nên không tổ chức dạy các môn này. Để tổ chức dạy học sát với cơ cấu đội ngũ GV, nhà trường định hướng cho HS chọn lựa theo các tổ hợp, tránh bị động trong việc bố trí GV.
Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) cũng tư vấn kỹ để HS chọn lựa môn học tự chọn theo quy định, tránh tình trạng sau thời gian các em thấy không phù hợp lại xin chuyển đổi dẫn đến bị hổng kiến thức vì môn mới ở lớp 10 chưa học. Tuy nhiên, theo thầy hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Phúc, vấn đề là hiện nay chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật.
“Chúng ta triển khai chương trình mới nhưng chưa chuẩn bị kỹ điều kiện đội ngũ đảm bảo để thực hiện nên không thể đưa vào giảng dạy các môn học mới. Trường học hiện nay cũng thiếu nhiều phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học, trong khi chương trình mới yêu cầu rất lớn” - thầy Phúc nói.
Thiếu GV cũng là khó khăn hiện nay, nhất là ở giáo dục tiểu học. Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Nguyễn Công Trứ (Thăng Bình) - thầy Nguyễn Văn Liễu thông tin, trường có 10 lớp tiểu học nhưng chỉ 11 GV nên tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với các khối lớp 3, 4, 5. Trong khi đó, cũng vì thiếu GV nên để HS tiểu học học môn Tiếng Anh, phụ huynh phải đóng tiền để trường hợp đồng GV giảng dạy.
“Con người là quan trọng nhưng thiếu quá nhiều. Trường chúng tôi có 13 lớp (hai cấp 1, 2) nhưng chỉ có 20 GV. Sĩ số HS/lớp theo quy định 45 nhưng phải bố trí 47 - 48 em do áp lực biên chế GV. Hiện nay phải đào tạo lại GV Hóa, Lý để dạy tích hợp, cần kinh phí hỗ trợ của nhà nước” - thầy Liễu nói.
Cơ sở vật chất “chạy theo”
Thực hiện chương trình GDPT mới yêu cầu trang thiết bị phục vụ dạy và học rất lớn. Theo báo cáo của các địa phương, trường học, dù hiện nay nguồn lực đầu tư khá lớn song so với nhu cầu của chương trình mới đòi hỏi phải có các thiết bị hiện đại như ti vi, máy tính, đèn chiếu nên chưa thể đáp ứng.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Thăng Bình) - thầy Phan Quang Trung thông tin, mỗi lớp học cần có 1 ti vi trình chiếu ứng dụng giảng dạy, nhưng hiện nay nhiều trường trên địa bàn huyện không có. “Sắm được ti vi vui mừng chưa bao lâu lại ập đến nỗi lo vì ti vi đời mới sau thời gian ngắn sử dụng đã bị hư hỏng nhưng nhà trường không có kinh phí sửa chữa” - thầy Trung chia sẻ.
Thầy Huỳnh Kim Đông - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng (Thăng Bình) khẳng định: “Phải có con người trước mới xây dựng chương trình nhưng chúng ta làm ngược lại dẫn đến khó khăn”.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Phúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thăng Bình) nêu một khó khăn khác là phần lớn trường học hiện nay không có phòng khoa học công nghệ, thiếu nhà đa năng nên không thể tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Theo UBND huyện Đại Lộc, cấp tiểu học đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả HS, phù hợp với kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của chương trình GDPT mới. Phần lớn trường học có đủ phòng hỗ trợ học tập như thư viện, thiết bị, phòng tin học, phòng âm nhạc, phòng ngoại ngữ, nhà đa năng…
Hàng năm UBND huyện bố trí kinh phí cho ngành giáo dục đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới, trong đó kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị, bàn ghế các trường tiểu học và THCS trong 3 năm (2020 - 2022) hơn 14 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại chưa đảm bảo; vẫn còn một số trường tiểu học do số HS tăng nhanh nên thiếu một số phòng bộ môn, phòng khoa học, phòng tư vấn học đường.
Ngay tại một địa phương thuận lợi như Tam Kỳ vẫn thừa nhận cơ sở vật chất một số trường học chưa đồng bộ, thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình GDPT 2018.
Tại huyện Phước Sơn, ngoài nhiều bộ môn “trắng” GV, còn có khó khăn khi bộ tài liệu giáo dục địa phương ban hành chậm. Riêng năm học 2022 - 2023 đến thời điểm hiện tại chưa có sách chương trình giáo dục địa phương lớp 3 và lớp 7, ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động dạy học ở các trường học.
Bà Võ Thị Lệ - Trưởng Phòng GD-ĐT Phước Sơn chia sẻ, đặc thù của huyện có đến gần 80% HS là người dân tộc thiểu số nên một số yêu cầu về năng lực của chương trình GDPT mới còn cao so với các em.
“Chương trình mới đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của gia đình vào quá trình học tập của HS, tuy nhiên sự quan tâm từ gia đình với việc học tập của con em còn hạn chế. Phần lớn HS dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tự học, tự tìm hiểu kiến thức do thiết bị hỗ trợ học tập còn thiếu. Trang thiết bị dạy học của chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 chưa được trang bị, ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức dạy học trong các nhà trường” - bà Võ Thị Lệ nói.
-----------------------
Bài cuối: Tháo gỡ từ đâu?