Triển khai công tác phòng chống thiên tai

NGUYỄN QUANG VIỆT 05/07/2016 10:14

Huyện Thăng Bình đang nỗ lực triển khai các phương án sát hợp với thực tiễn, chủ động ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão sắp đến.  

Còn hạn chế

Mùa mưa bão năm 2015, huyện Thăng Bình không bị thiệt hại về người, không có nhà bị sập. Các công trình, trụ sở, đường giao thông huyết mạch cũng không bị thiệt hại bởi thiên tai, chỉ có 150ha lúa bị hư hại do chưa kịp thu hoạch. Nhiều diện tích hoa màu, rau quả bị ngập úng, hư hỏng. Ngày 4.6 vừa qua, lốc xoáy xảy ra trên địa bàn xã Bình Phú làm 1 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 3 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Đánh giá về triển khai công tác phòng chống lụt bão trong thời gian qua, ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, thẳng thắn nhìn nhận một số địa phương chưa quan tâm đúng mức. Việc khảo sát, nắm tình hình ở một số xã còn chưa cụ thể, không sát thực tế nên khi bão, lụt xảy đến thì lúng túng, bị động đối phó. Công tác tuyên truyền người dân chủ động phòng chống thiên tai đã có chuyển biến nhưng chưa huy động được tổng lực sức mạnh cộng đồng tham gia ứng phó. “Phương tiện phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện còn thiếu về số lượng, chủng loại, nhất là các thiết bị chuyên dùng. Khi xảy ra lũ lụt, công tác khơi thông dòng chảy tại một số điểm vẫn còn bế tắc. Một bộ phận nhân dân vẫn còn mang tâm lý chủ quan trong phòng chống lụt bão, còn lực lượng ứng cứu của xã, huyện chỉ là kiêm nhiệm chứ không chuyên trách là vấn đề cần phải sớm khắc phục” - ông Cường nói.

Lực lượng xung kích huyện Thăng Bình tham gia ứng cứu cầu Bình Đào bị gãy do lũ lụt hồi năm 2013. Ảnh: N.Q.V
Lực lượng xung kích huyện Thăng Bình tham gia ứng cứu cầu Bình Đào bị gãy do lũ lụt hồi năm 2013. Ảnh: N.Q.V

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, việc bố trí, neo đậu tàu thuyền khai thác hải sản cũng như phương tiện vận tải trên sông khi xảy ra lụt bão còn lúng túng vì địa phương không có âu thuyền tránh trú bão. Trong khi đó,  tâm lý giấu ngư trường khi sản xuất trên biển nên một số tàu thuyền đã không kết nối thường xuyên với trạm bờ, gây khó khăn trong hướng dẫn phương tiện tìm nơi trú ẩn an toàn khi thời tiết biến động thất thường trên biển. Đối với phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, chỉ mới hoạt động được trong điều kiện sóng gió cấp 5 trở xuống. Trong nội địa, số lượng phương tiện tham gia ứng cứu tai nạn còn thiếu, đôi khi không hoạt động được trong điều kiện bị ngăn cách bởi các công trình trên sông hoặc dòng chảy lớn. Lực lượng xung kích, các tổ ứng cứu ở các địa phương nhiều khi không điều động được để làm nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp. Theo ông Hồng Quốc Cường, lãnh đạo 22 xã, thị trấn trên địa bàn cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai, huy động toàn lực nhân dân tham gia. Trong triển khai phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cần lấy địa bàn thôn, tổ dân phố làm nền tảng. Khi có xảy ra thiên tai thì sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của người dân cùng địa bàn là nhanh nhất. Nhiệm vụ của lực lượng xung kích vì thế mà tránh được áp lực quá lớn. Phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, vật tư, hậu cần) cần được phát huy hơn nữa trong thời gian đến.

Cùng ứng phó

Bình Giang là xã bãi ngang ven biển, dân cư phân bố dọc sông Trường Giang, tác động của bão, lụt là rất lớn. Vì thế, chủ động ứng phó thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ông Võ Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, mỗi khi nhận được thông báo, công văn, công điện khẩn của Trung ương, tỉnh, huyện, UBND xã sẽ họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của xã, phân công các thành viên đến từng thôn, triển khai ngay các phương án chằng chống nhà cửa, di dời dân vùng trũng thấp, đến khu vực cao ráo, an toàn. Hệ thống truyền thanh ở xã sẽ hoạt động 24/24 giờ, liên tục cung cấp bản tin và hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó thiên tai. Đội xung kích của xã sẽ túc trực khắp các thôn, tổ, trạm y tế, trường học phối hợp, hướng dẫn người dân cùng cứu hộ, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Khi thiên tai qua đi, xã sẽ khắc phục với phương châm khẩn trương, hiệu quả trên cơ sở tương thân, tương trợ của tình làng nghĩa xóm. “Chúng tôi thường xuyên củng cố, tổ chức các lực lượng tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn. Việc diễn tập, tập huấn được triển khai thường xuyên, sát hợp với điều kiện cụ thể ở từng thôn trên địa bàn. Đặc biệt, luôn thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời người dân chủ động ứng phó thiên tai. Tinh thần tự giác trong cộng đồng dân cư sẽ luôn được đề cao, tránh lơ là, ỷ lại” - ông Tư nói.

Hiện tại Đồn Biên phòng Bình Minh được giao phụ trách 4 xã ven biển (Bình Minh, Bình Hải, Bình Dương và Bình Nam) với hơn 600 phương tiện sản xuất trên biển. Theo Đại úy Nguyễn Văn Hiệp, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Minh, để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian đến, lực lượng biên phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng cơ động của bộ đội và nhân dân trong ứng phó tình huống. Khi có bão lụt, sẽ phối hợp, liên lạc với các chủ tàu cá đang hoạt động trên biển, thông báo hướng di chuyển của bão, hướng dẫn họ về bờ hay tìm nơi trú ẩn an toàn. Nếu có tình huống khẩn cấp với ngư dân xảy ra trên biển sẽ liên hệ, phối hợp với Hải đội 2 Biên phòng cũng như Trung tâm Phối hợp hàng hải tìm kiếm cứu nạn khu vực 2 để xử lý nhanh nhạy, giúp ngư dân an toàn. Đặc biệt, khuyến khích ngư dân ra khơi sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau. Ông Phạm Phú Hải - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình, cho rằng, sẽ chủ động theo dõi mọi diễn biến trong mùa mưa bão, triển khai các phương án thiết thực, đáp ứng an toàn các công trình hồ đập cũng như đảm bảo tưới, tiêu hợp lý, phục vụ sản xuất và nhu cầu của nhân dân. Theo đó, chủ động các phương án để chống nước tràn bờ đập cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến đối với cống áp lực.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai công tác phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO