Triển khai dịch vụ môi trường rừng: Giám sát chặt chẽ nguồn tiền sử dụng

TRẦN HỮU 24/09/2020 04:21

Từ nguồn tài chính của dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), các chủ rừng đã sử dụng đúng mục đích nguồn tiền chi trả để trồng rừng thay thế và mở rộng lưu vực chi trả theo đúng quy định.

Cộng đồng dân cư tuần tra rừng ở lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn (Đông Giang) được Nhà nước giao nhận khoán từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: T.H
Cộng đồng dân cư tuần tra rừng ở lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn (Đông Giang) được Nhà nước giao nhận khoán từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: T.H

Kiểm tra rừng trồng

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa kiểm tra ngẫu nhiên 4 đơn vị trồng rừng thay thế (TRTT) trên địa bàn tỉnh gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ban Quản lý dự án trồng rừng huyện Núi Thành và Công ty CP Quảng Cường (là chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, tự tổ chức TRTT).

Tại mỗi dự án, lực lượng chức năng chọn một số lô rừng trồng để kiểm tra bằng phương pháp dùng máy định vị GPS để xác định vị trí, diện tích trồng ngoài thực địa; kiểm tra loài cây trồng, xác định cự ly, mật độ, tình hình sinh trưởng, phát triển của rừng để đánh giá chất lượng rừng trồng.

Trồng được 2.012ha rừng thay thế

Theo Kết luận thanh tra số 1114, ngày 11.8.2020 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh và công tác TRTT, Quảng Nam đã TRTT được 2.012ha trong số diện tích gần 1.879ha chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải TRTT (vượt hơn 133ha). Về hiện trường TRTT đối với những lô rừng trồng được kiểm tra, các đơn vị đã tổ chức TRTT đúng vị trí, loài cây và mật độ trồng, đủ diện tích phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, chất lượng rừng trồng sinh trưởng phát triển bình thường, đạt tiêu chí nghiệm thu 100% diện tích. Công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng sau khi trồng được thực hiện đầy đủ theo đúng hồ sơ thiết kế.

Kết quả kiểm tra một số lô, tiểu khu TRTT, cho thấy các yếu tố tự nhiên gồm độ dốc, độ cao, địa hình, đất, cự ly đi làm, cự ly vận chuyển cây đều đạt yêu cầu, phù hợp với hồ sơ thiết kế. Về diện tích, tại các lô được kiểm tra, đơn vị trồng đủ diện tích, đúng vị trí bản đồ trong hồ sơ thiết kế. Về loài cây, đúng với hồ sơ thiết kế, đối với rừng núi cao trồng hỗn giao các loài cây bản địa (lim xanh, lát hoa, sao đen, chò), đối với vùng cát trồng thuần loài keo lưỡi liềm, đối với địa hình khó khăn trồng thuần loài thông nhựa. Tuy nhiên, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh do trồng cây chò bị chết, UBND tỉnh đã cho phép trồng dặm cây lim xanh.

Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, về mật độ cây trồng bản địa là 1.330 cây/ha; keo lưỡi liềm và thông nhựa là 2.500 cây/ha. Tỷ lệ cây sống đạt bình quân 80%. Tuy nhiên, tại hiện trường trồng rừng phòng hộ ven biển trên cát năm 2016 của Ban Quản lý dự án trồng rừng huyện Núi Thành, qua kiểm tra ngẫu nhiên một lô với diện tích 3,6ha, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 11%, cây chết 89%. Theo báo cáo của đơn vị TRTT, cây mới chết vào mùa khô hạn năm 2019 với tổng diện tích hơn 8,7/26ha. Kết luận thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, tại các lô được kiểm tra không phát hiện tình trạng bị chặt phá, xâm lấn.

Mở rộng lưu vực chi trả

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, việc chi trả cho các chủ rừng là các ban quản lý, rừng phòng hộ tại Quảng Nam đúng đơn giá theo lưu vực và diện tích nghiệm thu; thực hiện theo đúng nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng kinh phí thu từ DVMTR chưa có đối tượng chi để chi trả cho các đối tượng.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã xây dựng 15 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2019, tổng diện tích chi trả DVMTR là 281.671ha (giao khoán cho 287 nhóm hộ, 161 cộng đồng, với 15.247 hộ tham gia và 282 hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách). Toàn bộ diện tích trên giao cho 11 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 9 UBND các xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng có thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại 13 huyện.

Năm 2020, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh được UBND tỉnh thống nhất cho lập đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4 (thuộc 2 huyện Tiên Phước và Hiệp Đức), hiện trong giai đoạn xây dựng đề án, diện tích chi trả DVMTR tại lưu vực này khoảng 1.900ha.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Huỳnh Đức cho biết, để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR hàng năm, đơn vị ban hành kế hoạch, đề cương kiểm tra, giám sát, tập trung chủ yếu vào công tác quản lý sử dụng, chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng từ chủ rừng đến nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2020, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh sẽ thực hiện 3 đợt kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chi trả DVMTR tại 11 đơn vị chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn và 9 UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng chi trả DVMTR (gồm các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc - huyện Tiên Phước; Phước Gia - huyện Hiệp Đức; các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Quang, Đại Hưng, Đại Sơn - huyện Đại Lộc và xã Duy Sơn - huyện Duy Xuyên).

Cũng theo ông Huỳnh Đức, đơn vị sẽ trực tiếp kiểm tra hồ sơ giao khoán, đối chiếu sổ sách ghi chép, chứng từ liên quan đến hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các đơn vị chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng và hợp đồng đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai dịch vụ môi trường rừng: Giám sát chặt chẽ nguồn tiền sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO