(QNO) - Đó là kết quả nổi bật của ngành khoa học & công nghệ (KH&CN) Quảng Nam được Sở KH&CN nêu ra tại hội thảo “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”, diễn ra ngày 17.5.
Dự hội thảo có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân; nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương, nguyên lãnh đạo Sở KH&CN qua các thời kỳ cùng các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh có đóng góp cho Quảng Nam trong hơn 20 năm qua.
Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh tặng lẵng hoa cho Sở KH&CN chúc mừng Ngày KH&CN 18.5. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN, đến nay đã có gần 470 nhiệm vụ KH&CN được triển khai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Trong đó có 26 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 250 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 190 nhiệm vụ và mô hình ứng dụng KH&CN cấp huyện, 3 nhiệm vụ hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và gắn với chương trình nông thôn mới phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Có thể kể đến nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong bảo tồn, phục tráng các nguồn gen quý hiếm, có giá trị về kinh tế như sâm Ngọc Linh, tiêu Tiên Phước, lúa rẫy, heo cỏ, gà tre, chim yến...
Mô hình du nhập một số giống cây con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân trên địa bàn tỉnh như mít ruột đỏ, cá rô phi đơn tính, cá ngựa, rong nho… Nhiều mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả phù hợp với từng vùng sinh thái, các phương thức khai thác thủy sản tiên tiến (ứng dụng điện mặt trời và đèn led trên tàu lưới vây, chụp mực 4 tăng gông, nghề lưới rê hỗn hợp, nghề câu vàng khai thác mực tầng đáy…). Ngành KH&CN cũng triển khai nhiều nhiệm vụ hỗ trợ khôi phục, phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh của tỉnh như ba kích, sa nhân, chè dây, nấm dược liệu, chim yến Cù Lao Chàm, sâm Ngọc Linh…
Cũng theo ông Phạm Viết Tích, giai đoạn năm 2018 trở đi, nhằm đẩy nhanh lộ trình thực hiện “Chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, UBND tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với Bộ KH&CN, nội dung ký kết hướng tới những mục tiêu cơ bản. Đó là, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN hướng vào hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh (sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ô tô, máy kéo nông nghiệp…); xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến giải quyết các vấn đề về môi trường nông thôn; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên; đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho nghiên cứu, phát triển và kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh...
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các sở ban ngành đã trực tiếp thảo luận, trao đổi những tồn tại, vướng mắc trên các lĩnh vực, về cơ chế, chính sách KH&CN cũng như những định hướng của ngành KH&CN tỉnh thời gian đến… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, thời gian tới, ngành KH&CN, Sở KH&CN cần tiếp tục làm tốt theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, sắp xếp cơ cấu bên trong của Sở KH&CN cho đảm bảo. Theo định hướng của tỉnh, ngành KH&CN cần tập trung ưu tiên số 1 về khâu ứng dụng KH&CN trong cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục về đất đai, xây dựng giải pháp về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng và khoáng sản; ứng dụng mạnh mẽ KH&CN để có được những sản phẩm mang tầm quốc gia như: sâm ngọc linh, máy kéo nông nghiệp, ô tô và nhiều sản phẩm đặc hữu khác của tỉnh. Ngoài ra, kiện toàn Hội đồng xét duyệt đề tài KH&CN, cần hướng tới nghiên cứu lựa chọn đề tài gắn liền với đời sống, lấy hiệu quả là thước đo, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư. “Cần có sự cân đối giữa các nhóm đề tài, thà ít nhưng hiệu quả còn hơn nhiều mà chưa hiệu quả hay “bỏ ngăn kéo”” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, trong phong trào khởi nghiệp - sáng tạo, ngành KH&CN cần nghiên cứu nhân rộng những mô hình tốt vào thực tế, tất nhiên khoa học vẫn chấp nhận có những thất bại chứ không chỉ riêng thành công. Về cây sâm Ngọc Linh, đến nay, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện rất nhiều rồi, vấn đề còn lại là của KH&CN. Cụ thể như khâu giống, hiện chỉ mới nhân giống bằng gieo hạt, tỷ lệ nhân giống thấp, chưa thể hướng tới nhân giống hàng loạt với kỹ thuật nuôi cấy mô. KH&CN vẫn chưa có lời giải, chưa thể can thiệp làm thay đổi toàn diện đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững ở miền núi và trong xây dựng nông thôn mới. “Đặc biệt, trong phong trào khởi nghiệp - sáng tạo, cần hướng tới khuyến khích tinh thần sáng tạo trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, không chỉ dừng lại trong nhân dân, nhằm thúc đẩy thành công của một Chính phủ kiến tạo, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay...” - ông Trần Văn Tân nói.
HOÀNG LIÊN