Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Phải nỗ lực gấp bội!

TRỊNH DŨNG 10/01/2020 09:53

“Đẩy mạnh tốc độ thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Không thể lặp lại trình trạng trên trải thảm mời gọi, dưới rải đinh làm khó doanh nghiệp”. Đây là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường tại Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vào hôm qua 9.1.

Năm 2020, Quảng Nam chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở các doanh nghiệp. Ảnh: T.D
Năm 2020, Quảng Nam chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở các doanh nghiệp. Ảnh: T.D

Tăng trưởng kinh tế phải song hành với việc bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu đặt ra, được quan tâm thảo luận tại Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hôm qua 9.1.

Kế hoạch tăng trưởng

Năm 2020 được xác định là một năm quyết định sự thành bại của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo UBND tỉnh, những khó khăn như tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, thu ngân sách thiếu ổn định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, việc thu hồi, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, vướng mắc, môi trường ô nhiễm… cần phải được tháo gỡ nhanh chóng.

Gia tăng xuất khẩu là một trong nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020. Ảnh: T.D
Gia tăng xuất khẩu là một trong nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020. Ảnh: T.D

Kế hoạch của Quảng Nam sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức huy động và tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là các tập đoàn lớn (FDI và nội địa).

Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT, sẽ hướng đến hình thành, phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, bền vững. Một lựa chọn có tính quyết định là sẽ tăng mạnh tỷ trọng cơ cấu các ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỷ trọng ngành nông nghiệp sẽ giảm nhưng gia tăng quy mô và tốc độ phát triển, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao thông qua việc chọn lọc vốn đầu tư. Chỉ thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường.

Trong cuộc hoạch định cho chặng nước rút này, việc thu hút số lượng dự án đã được thay đổi. Quan điểm của chính quyền Quảng Nam là chỉ thu hút các ngành công nghiệp thâm dụng lao động vào khu vực nông thôn, miền núi để tạo việc làm. Giảm tỷ trọng ngành gia công, chế biến, sử dụng đầu vào nhập khẩu giá trị gia tăng thấp, hạn chế phát triển các ngành khai thác, giảm tỷ trọng sử dụng nhiều yếu tố đầu vào tài nguyên. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khuyến cáo cần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn tăng trưởng bền vững, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp ở các doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá, tăng cường kỷ luật tài chính, giảm nghèo bền vững… Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống…

An sinh xã hội được đặt lên hàng đầu

“Không thiếu văn bản, kế hoạch. Mỗi sở, ngành, địa phương phải tự cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động, thời gian hoàn thành để có kế hoạch kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh tốc độ thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Không thể lặp lại trình trạng trên trải thảm mời gọi, dưới rải đinh làm khó doanh nghiệp”.

(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)

Nền kinh tế Quảng Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ tác động của hội nhập và sự suy yếu kinh tế nội tại khi nguồn lực chính từ ô tô, thủy điện hay sản xuất bia sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Theo nhìn nhận của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, những điểm sáng năm 2019 sẽ là cơ sở tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Quảng Nam năm 2020. Mười điểm sáng hay nét mới được nhận diện bao gồm lần đầu tiên xuất khẩu ô tô du lịch của Quảng Nam đã thay đổi cái nhìn về nền công nghiệp ô tô địa phương. Khách quốc tế đến địa phương chiếm đến 4,6 triệu lượt (bằng ¼ lượng khách quốc tế đến Việt Nam); thu ngân sách nằm trong top 10 tỉnh, thành phố; số xã nông thôn mới vượt 50% được đánh giá là số 1 của cả nước; các nhà đầu tư biết và tìm gặp Quảng Nam sau hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Hàn; vượt chỉ tiêu giảm nghèo; sắp xếp bộ máy thôn xã ổn định hay vị thứ số 1 trong diễn tập phòng thủ Quân khu 5. Tất cả điều đó đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Nam.

Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn đã được lường định, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu các chính quyền địa phương quan tâm đến đời sống nhân dân. Không để bất cứ người dân nào bị thiếu đói. Không cần xin Trung ương, tự ngân sách địa phương xuất dự trữ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân nghèo… Không thỏa mãn với “thành tích” nông thôn mới mà phải tiếp tục nâng cấp lên thành nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh… 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh 2020 là một năm đầy khó khăn. GRDP phải đạt từ 7 - 7,5% để toàn nhiệm kỳ đạt từ 10 - 10,5% thì phải nỗ lực gấp đôi năm 2019 là điều không dễ dàng. Các địa phương, đơn vị phải nhanh chóng xây dựng chương trình công tác, phù hợp với năng lực phát triển để hoàn thành kế hoạch. Dự lường các khó khăn để chủ động tháo gỡ. Song song phát triển kinh tế thì an sinh xã hội phải được đặt lên hàng đầu. 

Không chỉ vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh còn khuyến cáo năm 2020 có thể xảy ra những vấn đề có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát như đất đai, kinh doanh bất động sản, giải phóng mặt bằng, quản lý hiện trạng. Không thể để tình trạng khiếu kiện, khiếu nại xảy ra. Một trong những vấn đề quan trọng là phải kiểm soát dịch bệnh, đánh giá kỹ các tác động xấu từ khô hạn, nhiễm mặn, cho dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhưng đây là khu vực an toàn lương thực, bảo đảm an sinh cho dân vùng nông thôn. Các cơ quan quản lý cần kiểm tra, giám sát, có kế hoạch giải quyết kịp thời tình trạng doanh nghiệp nợ lương, thưởng công nhân, tránh bùng phát việc đình công, gây mất trật tự an toàn địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Phải nỗ lực gấp bội!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO