Chính trị

Triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Cần "đúng vai, thuộc bài"

TÂM ĐAN 08/11/2024 08:00

Qua giám sát thực tế tại các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.

dsc06419.jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc với huyện Phú Ninh về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: TÂM ĐAN

Lúng túng

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có nhiều nội dung mới, toàn diện ở các loại hình dân chủ, nhất là dân chủ xã, phường, thị trấn.

Nhằm nắm bắt việc thực hiện và kịp thời có những đề xuất, kiến nghị để việc triển khai luật đảm bảo hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát tại 2 huyện Phú Ninh và Tiên Phước.

Qua giám sát cho thấy việc triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được các địa phương quan tâm. Trong đó, UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật và HĐND huyện ban hành nghị quyết về quyết định các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện.

Công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở được triển khai chu đáo.

464277829_569937495702839_2468275084782520006_n.jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiểm tra việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, chế độ chính sách… tại UBND xã Tam Thái (Phú Ninh). Ảnh: Mặt trận

Trong thực hiện dân chủ ở cở sở, ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, huyện đã, đang và sẽ làm với phương châm “nghe dân và đồng hành với dân”. Trong đó, “nghe dân” thể hiện qua tần suất số lượng các cuộc đối thoại của bí thư, chủ tịch huyện hàng năm.

Thực tế hiện nay ở một số địa phương có tình trạng huy động sức dân quá mức, cả công và kinh phí. Các địa phương cần theo dõi, giám sát, vì nhiều nơi còn nặng bệnh thành tích...”.

(Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh)

Ngoài ra, chủ tịch và phó chủ tịch huyện còn tổ chức đối thoại với người dân ở tất cả thôn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Lãnh đạo huyện còn đối thoại với người dân theo chuyên đề nhằm giải quyết những bức xúc liên quan.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Xuân Chính cho biết, việc triển khai thực hiện luật còn có mặt khó khăn và lúng túng. Ở cơ sở, khó nhất là việc tập hợp người dân dự họp theo quy định. Nhiều lúc phải giao nhiệm vụ này cho Mặt trận và các đoàn thể thì mới đảm bảo.

Bởi thực tế không phải nội dung nào người dân cũng quan tâm mà chỉ chú trọng vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thiết thân. “Việc phát huy vai trò chủ thể của người dân để “dân biết, dân bàn...” còn nhiều hạn chế” - ông Chính nói.

Lãnh đạo các địa phương cũng cho biết, thời gian thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới hơn một năm, trong khi các văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chưa có, nên việc triển khai ở cơ sở gặp lúng túng. Do đó, cần sớm hướng dẫn cụ thể một số nội dung để luật đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần quy định, thể chế rõ hơn về các chế tài để thực hiện luật; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp trong thực hiện.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, hiện có những địa phương hiểu nhầm về trách nhiệm triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Điều đó là không đúng. Luật chỉ rõ, việc tổ chức, triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của chính quyền. Mặt trận chỉ phối hợp hỗ trợ và tổ chức giám sát, phản biện các nội dung liên quan.

465659037_578827014813887_2364545247040253644_n.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với huyện Tiên Phước về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Mặt trận

Cần “đúng vai thuộc bài”

Qua giám sát tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới có hiệu lực hơn một năm nên còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Thời gian tới, việc hướng dẫn, sửa đổi bổ sung từ cấp có thẩm quyền sẽ được thực hiện.

Trước mắt, đề nghị các địa phương cố gắng triển khai tốt nhất những nội dung luật đã quy định rõ nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân để triển khai luật “đúng vai, thuộc bài”.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh, cơ quan nhà nước có 2 trách nhiệm chủ yếu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đó là công khai và giải trình với nhân dân. Những việc gì công khai thì phải công khai hết.

Công khai cũng có nhiều hình thức. Công khai là để người dân hiểu chứ không phải công khai để làm cho xong trách nhiệm. Về giải trình, có những việc mình chủ động giải trình, nhưng cần chú ý, có trách nhiệm với những việc người dân muốn mình giải trình. Giải trình là phải để dân hiểu chứ không phải làm cho xong.

“Việc tổ chức triển khai thực hiện luật rất quan trọng. Bên cạnh đổi mới phương pháp tuyên truyền để dân hiểu, tự giác tham gia, cần xây dựng niềm tin trong nhân dân bằng những việc cụ thể.

Các địa phương cần chú ý trách nhiệm lấy ý kiến của nhân dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân; phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng và tổ hòa giải cơ sở...

Đặc biệt, trong thực hiện dân chủ ở cơ sở cần quan tâm nhất về yếu tố “dân bàn, dân quyết định” những việc thuộc về trách nhiệm, quyền lợi của mình” - ông Lê Trí Thanh đề nghị.

Mặt trận tỉnh kiểm tra chuyên đề công tác giám sát và phản biện xã hội

Đoàn công tác do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh làm Trưởng đoàn vừa tổ chức kiểm tra chuyên đề công tác giám sát và phản biện xã hội tại huyện Phước Sơn và Thăng Bình.

Theo báo cáo, tại huyện Thăng Bình, từ năm 2019 - 2024, Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức và tham gia 1.257 cuộc giám sát và 144 cuộc phản biện xã hội. Tại huyện Phước Sơn, Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức 94 cuộc giám sát và tổ chức 28 hội nghị phản biện xã hội.

Trao đổi với các địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời đề nghị trong thời gian đến, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các địa phương cần nghiên cứu cách làm mới và mạnh dạn hơn trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi việc thực hiện của cấp ủy, chính quyền với những kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.(T.ĐAN)

Nhiều khu dân cư tổ chức ngày hội Đại đoàn kết

Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công ngày hội Đại đoàn kết nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024).

Tại huyện Phước Sơn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chọn khu dân cư thôn 3 (xã Phước Chánh) làm điểm tổ chức ngày hội. Ngày hội có đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Phước Sơn đến dự, chung vui.

Tại TP.Tam Kỳ, trong ngày 2&3/11, trên địa bàn thành phố đã có 4 khu dân cư tổ chức thành công ngày hội Đại đoàn kết năm 2024… Ngày hội là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư; tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của người dân trong cộng đồng; phát huy quyền làm chủ, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân...(Đ.ANH)

Chuẩn bị tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả công tác Mặt trận năm 2024

Theo kế hoạch, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả công tác Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố năm 2024 trong 2 ngày 22 và 25/11.

Phương thức tổ chức kiểm tra theo cụm, tập trung tại đơn vị cụm trưởng (cụm đồng bằng tại huyện Thăng Bình, cụm miền núi tại huyện Tiên Phước). Trước thời gian tổ chức kiểm tra, đánh giá, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức khảo sát trực tiếp kết quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam một số xã, phường, thị trấn (cụm miền núi chọn 2 đơn vị và cụm đồng bằng 3 đơn vị) để có cơ sở đánh giá hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Danh sách đơn vị cấp xã được khảo sát sẽ được thông báo chậm nhất 5 ngày trước khi tổ chức kiểm tra.(V.ANH)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Cần "đúng vai, thuộc bài"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO