Triển khai Luật Thủy sản 2017: Bất cập từ cảng cá

VIỆT NGUYỄN 05/05/2020 04:33

Hạn chế trong quản lý, vận hành, thực hiện dịch vụ và truy xuất nguồn gốc hải sản ở cảng cá là bất cập khó khắc phục trong triển khai Luật Thủy sản ở Quảng Nam. 

Hạ tầng cảng cá An Hòa chưa được đầu tư đồng bộ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hạ tầng cảng cá An Hòa chưa được đầu tư đồng bộ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bất cập cảng cá An Hòa

Để bán mực xà, ngư dân ở khu vực phía nam của tỉnh chủ yếu phải cập cảng cá An Hòa nhưng nhiều chủ phương tiện lo ngại khi vào cảng cá này. Ngư dân Phạm Huy (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) cho biết, khi đưa tàu vào cảng, rất sợ mắc cạn hay thân tàu bị va đập với đá, hư hỏng. Nguyên nhân là vùng nước trước cảng đã bị bồi lắng hơn 10 năm nay chưa được nạo vét định kỳ. Không chỉ vậy, theo thiết kế, cảng cá An Hòa phục vụ cập cảng cho tàu cá công suất 60 - 300CV nhưng hầu như tất cả tàu cập cảng đều có công suất từ 700CV trở lên. Ở cảng cá An Hòa chỉ mới có bể chứa nước ngọt với thể tích 50m3, không đủ lượng nước phục vụ ban quản lý cảng cá lẫn ngư dân. Hơn nữa, chưa có hệ thống xử lý nước thải nên hoạt động của cảng cá An Hòa gây ô nhiễm môi trường xung quanh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để phát triển nghề cá bền vững, hiện đại, khu vực phía bắc của tỉnh phải đầu tư thêm một cảng cá loại 2 trở lên để Bộ NN&PTNT chỉ định truy xuất nguồn gốc hải sản, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng ở mỗi chuyến biển. Do đó, trên cơ sở âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đã được nâng cấp, hoàn thiện, cần đầu tư thêm cảng cá. Việc này có 2 ý nghĩa thiết thực là vừa có cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định vừa có thêm khu hậu cần nghề cá để tạo động lực phát triển. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu để tỉnh quyết định chủ trương. Về cảng cá An Hòa, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành xem xét kinh phí để đầu tư, nâng cấp, đảm bảo các chức năng, nhiệm vụ tại cảng cá được thực hiện thông suốt.

Theo ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kiêm Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý cảng cá An Hòa, hạ tầng cảng cá còn sơ sài. Cụ thể, chưa đầu tư hệ thống mái che cầu cảng, bến cảng nên chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân khi cập cảng bán hải sản, nhất là khi có mưa. Mặc dù Ban Quản lý cảng cá An Hòa có thu phí khi ngư dân cập cảng nhưng không đủ cho hoạt động, phải dựa vào ngân sách của tỉnh. Do đó, việc duy tu, bảo dưỡng các hạng mục của cảng cá An Hòa không được thực hiện. Ngoài ra, cảng cá An Hòa không có cửa hàng lương thực, thực phẩm; không có khu vực cung cấp ngư cụ, căng tin hay xưởng nước đá, kho bảo quản hải sản đông lạnh. Ngay cả dịch vụ cung cấp xăng dầu cho ngư dân cũng không có. Với các điều kiện trên thì cảng cá An Hòa không đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hải sản sau khai thác. 

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019 đã quy định rõ về truy xuất nguồn gốc hải sản và kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng ở mỗi chuyến biển. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ định cảng cá An Hòa là cảng cá duy nhất của Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ nói trên. Tuy nhiên, hoạt động của cảng đến thời điểm này cho thấy, ngoài yếu kém về hạ tầng, công tác quản lý cũng bất cập. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, lực lượng nhân sự tại Ban Quản lý cảng cá An Hòa quá mỏng, chỉ 8 người, kiêm nhiệm nhiều công việc, cán bộ thực hiện công tác chuyên môn thiếu trầm trọng. Do đó, việc quản lý, vận hành, khai thác công năng của cảng cá còn bất cập.

“Văn phòng kiểm soát nghề cá của tỉnh được bố trí ở cảng cá An Hòa nhưng thành viên kiêm nhiệm từ ngành thủy sản và biên phòng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nghề cá hiện đại, bền vững. Ở cảng cá An Hòa chỉ mới có tàu câu mực cập cảng, bán hải sản còn các nghề khác như lưới vây, lưới chụp, lưới rê, lưới kéo... không đến nên thực hiện Luật Thủy sản còn bỏ ngỏ nhiều nội dung” - ông Ngô Tấn nói.

Cần kiểm soát tàu thuyền

Theo quy định của Luật Thủy sản, tất cả tàu cá đều phải được lực lượng chức năng kiểm soát, xác nhận việc cập cảng, rời cảng ở mỗi chuyến biển. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, không kiểm soát được tàu cá cập cảng, rời cảng là bất cập lớn nhất trong triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” thủy sản cũng như thực hiện Luật Thủy sản. Để tháo gỡ vướng mắc này, bà Tâm cho rằng, trong thời gian tới, Văn phòng Kiểm soát nghề cá ở cảng cá An Hòa và Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) cần phối hợp chặt chẽ hơn. Theo đó, chỉ tàu cá nào được Văn phòng Kiểm soát nghề cá cấp biên bản rời cảng thì mới được Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà xác nhận vào sổ danh bạ thuyền viên.

“Cần nhất quán kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng ở cả 2 nơi để tránh trường hợp ngư dân thay đổi thuyền viên, tắt thiết bị giám sát hành trình. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các chủ cầu cảng tư nhân để chuyển tàu cá cập cảng tại đó qua cập ở cảng cá An Hòa. UBND tỉnh cần cho chủ trương đầu tư, nâng cấp cảng cá An Hòa để giải quyết các bất cập” - bà Tâm nói.

Ngoài cảng cá An Hòa, Quảng Nam còn bến cá Tam Phú (TP.Tam Kỳ), bến cá Thanh Hà (TP.Hội An) và bến cá An Lương (Duy Hải, Duy Xuyên). Các bến cá này hoạt động nhỏ lẻ, manh mún do thiếu về hạ tầng và yếu về quản lý. Ông Ngô Tấn cho rằng, lỗ hổng quản lý nghề cá ở phía bắc của tỉnh thể hiện rõ ở chỗ chưa thể kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, bán hải sản, truy xuất nguồn gốc hải sản do chưa có cảng cá để Bộ NN&PTNT chỉ định.

“Nếu tàu cá cập bờ vào các khu vực bãi ngang, bán hải sản thì sẽ không đúng quy định của Luật Thủy sản vì thiếu cảng cá chỉ định. Do đó, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh đầu tư thêm cảng cá lớn ở khu vực phía bắc để được Bộ NN&PTNT chỉ định nơi thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản, xác nhận tàu cá cập cảng, rời cảng” - ông Ngô Tấn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Luật Thủy sản 2017: Bất cập từ cảng cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO