Triển khai Luật Thủy sản 2017: Nhiều vướng mắc

VIỆT NGUYỄN 04/04/2019 12:16

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 với nhiều điểm mới được các ngành chức năng đánh giá là “bước ngoặt” đối với ngành thủy sản nhằm chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, không dễ để chính sách mới đi vào cuộc sống.

Tin liên quan

  • Triển khai Luật Thủy sản 2017: Hướng đến nghề cá trách nhiệm
Khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt đã làm suy kiệt nguồn lợi trong thời gian qua. Ảnh: QUANG VIỆT
Khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt đã làm suy kiệt nguồn lợi trong thời gian qua. Ảnh: QUANG VIỆT

Lỗ hổng máy trưởng

Triển khai Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT ban hành thông tư quy định về thuyền viên tàu cá. Theo đó, trong quá trình sản xuất, tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có ít nhất 1 máy trưởng chịu trách nhiệm về kỹ thuật máy móc trên tàu, gồm máy chính, máy điện, điện lạnh, qua đó đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết tàu cá của ngư dân Quảng Nam có chiều dài từ 12 - 15m, 15 - 24m và 24m trở lên khi ra khơi đều không có máy trưởng. Ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) hiện có 32 tàu cá nằm trong diện này nhưng thiếu đến 25 máy trưởng trong mỗi chuyến sản xuất trên biển.

Ông Võ Quốc Hai - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Duy Hải cho biết, các ngư dân trên địa bàn mới chỉ được đào tạo thuyền trưởng còn máy trưởng thì bỏ ngỏ.

“Quy định máy trưởng theo luật là rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân khi sản xuất xa bờ, hướng đến chuyên nghiệp trong khai thác hải sản. Tuy nhiên, thực tiễn nghề cá của địa phương còn hạn chế, chưa thể áp dụng ngay” - ông Hai nói.

Cần tuyên truyền sâu rộng Luật Thủy sản 2017

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Luật Thuỷ sản 2017 bằng các hình thức phù hợp. Các cơ quan chức năng tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến Luật Thủy sản 2017, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủy sản 2017. Ngành chức năng thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai Luật Thủy sản 2017, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Ngư dân Phạm Văn Hùng (thôn An Lương, xã Duy Hải) - chủ tàu vỏ thép QNa-93579 cho biết, do thiếu bạn biển nên gặp rất nhiều khó khăn trong mỗi chuyến ra khơi sản xuất xa bờ.

“Để có thể đủ bạn biển cho mỗi lần ra khơi, tôi phải ứng trước cho mỗi người 10 triệu đồng. Nhiều bạn biển đã nhận tiền rồi “chạy” khiến tôi rất lúng túng, mất tiền lại không đủ lao động. Bạn biển còn không đủ thì tôi biết tìm máy trưởng ở đâu để mời họ đi biển” - ông Hùng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, hầu hết tàu sản xuất xa bờ của ngư dân các huyện Thăng Bình, Núi Thành đều ra khơi mà không có máy trưởng. Nhiều chủ tàu cho rằng đã có bằng thuyền trưởng, được đào tạo, có chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu về quản lý, vận hành máy móc trên tàu cá thì không nhất thiết phải có máy trưởng đi cùng, phát sinh tốn kém không cần thiết.

Luật đã quy định, ngư dân là chủ tàu không đáp ứng thì tàu cá có thể không được xuất bến, tuy nhiên từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp tàu cá sản xuất xa bờ của ngư dân Quảng Nam phải nằm bờ vì quy định trên.

Chưa thể truy xuất nguồn gốc hải sản

Luật Thủy sản 2017 đã cụ thể nhiều khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về “thẻ vàng” thủy sản đối với Việt Nam. Đáng chú ý là truy xuất nguồn gốc hải sản ngư dân khai thác được ở các cảng cá khi tàu cập bờ bán hải sản nhưng Quảng Nam chưa thực hiện được.

Quảng Nam hiện có 2 cảng cá đủ điều kiện để đề xuất vào danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác là cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) đạt loại 2 và cảng cá An Phú (TP.Tam Kỳ) đạt loại 3.

Ở cảng An Hòa, chỉ tập hợp các tàu cá theo nghề câu mực khơi và số ít tàu theo nghề lưới chụp. Hầu hết tàu cá công suất lớn của ngư dân Quảng Nam, nhất là nghề lưới vây thì không cập cảng này.

Số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tổng số lượng tàu cá cập cảng An Hòa trong vụ cá bắc kéo dài nửa năm qua chỉ là 75 lượt (25 tàu câu mực khơi và 50 tàu lưới chụp) với tổng sản lượng hải sản khai báo 740,3 tấn và tổng sổ nhật ký khai thác thu được 75 quyển là quá ít. Bởi thực tế, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam trong vụ cá bắc là hơn 29 nghìn tấn với hơn 600 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Đến nay, Quảng Nam chưa thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản tại cảng cá này.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, doanh nghiệp kinh doanh hải sản trên địa bàn không có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu nên không truy xuất nguồn gốc hải sản ở đây.

Ở cảng cá An Phú, hầu như không có tàu công suất lớn cập bờ. Quãng đường di chuyển từ biển đến đây quá xa mà luồng lạch lại bồi cạn nên tàu công suất lớn neo đậu ở nơi khác để bán hải sản. Bởi vậy, dù đủ điều kiện để truy xuất nguồn gốc hải sản nhưng việc này đã không diễn ra tại đây.

Ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn yêu cầu báo cáo tình hình truy xuất nguồn gốc hải sản tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT không đưa cảng cá An Phú vào danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngày 27.3, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề xuất đưa cảng cá An Hòa vào danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác. Đến nay, vẫn chưa biết Bộ NN&PTNT có cập nhật cảng cá An Hòa vào danh sách những cảng cá đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc hải sản hay không. Do chưa truy xuất nguồn gốc hải sản nên các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã phải lặn lội đến các cảng cá thuộc TP.Đà Nẵng hoặc tỉnh Quảng Ngãi để mua hải sản được truy xuất nguồn gốc về làm nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu. Tất cả tàu cá sản xuất xa bờ của ngư dân đều đã được cập nhật về cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Nếu cảng cá An Hòa được công nhận đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc hải sản thì việc truy xuất sẽ được tiến hành đơn giản thông qua bảng mẫu đã được Bộ NN&PTNT công bố, qua nhật ký khai thác hải sản của ngư dân và dữ liệu tàu cá quốc gia.

Khó ngăn chặn triệt để nạn khai thác tận diệt

 Luật Thủy sản 2017 quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, cơ quan chức năng sẻ chia quyền quản lý nghề cá cho tổ chức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quyền đồng quản lý được quy định rõ gồm ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định trên nhằm xã hội hóa nghề cá, hướng đến nghề cá có trách nhiệm, ngăn chặn khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản, hướng đến phát triển nghề cá bền vững. Tuy nhiên, dù ngành nông nghiệp tỉnh, huyện đã triển khai nội dung này ở hầu khắp các xã, phường có nghề cá nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Nạn tận diệt hải sản bằng các nghề giã cào đơn, giã cào đôi, thuốc nổ, xung điện vẫn diễn ra ở khắp các vùng biển ven bờ. Ngay cả Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) hay vùng biển Bàn Than (xã Tam Hải, Núi Thành) có nhiều hải sản quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cũng đang bị tận diệt hàng ngày.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, Luật Thủy sản đã có hiệu lực, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng chưa thể có hiệu quả ngay tức thì, cần mưa dầm thấm lâu. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thiếu, phương tiện cũng thiếu nên không thể có mặt 24/24 giờ ở mọi vùng biển trên địa bàn tỉnh để bắt giữ, xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe. (NGUYỄN QUANG)

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Luật Thủy sản 2017: Nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO