Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ năm 2019 nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên thực tế triển khai đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Nhiều hạn chế
Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, Núi Thành) sau gần một năm đi vào hoạt động đã cho thấy tính thiết thực như góp phần giảm ô nhiễm do chất thải, từng bước ngăn chặn các hình thức khai thác tận diệt (sử dụng thuốc nổ, xung điện, giã cào), bảo vệ đa dạng sinh thái, nguồn lợi, sinh vật biển.
Tuy vậy, có thể nhận diện những thách thức như các rạn san hô tại hầu hết điểm giám sát có mật độ thấp. Khai thác hải sản vẫn còn ở mức cường độ cao. Động vật ở đáy rạn Bà Đậu ở mức thấp. Một số loài hải sản quý hiếm như tôm hùm, hải sâm vẫn đang suy giảm.
Tổ chức cộng đồng tranh thủ tiếp cận cơ chế hỗ trợ
Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn & phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho rằng, trên cơ sở TCCĐ được giao quyền quản lý bảo tồn biển, với cơ sở pháp lý rõ ràng đó, TCCĐ cần tranh thủ tiếp cận cơ chế hỗ trợ hiện hành bằng cách đề xuất với Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí xây nhà cộng đồng, các cơ sở hạ tầng, vật chất khác, các trang thiết bị phục vụ bảo tồn biển, đào tạo nguồn nhân lực… để chuyên nghiệp hóa hoạt động, thực thi hiệu quả trách nhiệm theo Luật Thủy sản.
Các TCCĐ cần làm việc hiệu quả hơn trong xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng, các bên liên quan, qua đó thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý sai phạm. “Các thành viên trong TCCĐ cần bàn bạc, thống nhất phương án, phân công cụ thể công việc cho từng người để triển khai công việc được bình đẳng, hiệu quả. Cùng với đó là kết nạp thêm thành viên, ưu tiên người trong nghề cá để thuận tiện hoạt động” - ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa TCCĐ với các bên liên quan (chính quyền địa phương, ngành thủy sản cấp huyện, tỉnh, ngư dân…) trong thực hiện đồng quản lý.
Do đó phát sinh nhiều khó khăn cho TCCĐ trong triển khai kế hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi. TCCĐ cũng chưa thành lập được quỹ cộng đồng và chưa có cơ chế tài chính nên thường trực thiếu hụt ngân sách cho các hoạt động tuần tra trên biển, bảo vệ nguồn lợi.
Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) cho biết, theo yêu cầu đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, TCCĐ phải ghi chép, báo cáo thường kỳ về các hoạt động với cơ quan quản lý thủy sản nhưng đến nay thực hiện chưa thường xuyên. Bởi vậy, liên kết, phối hợp giữa các bên còn lỏng lẻo, rất khó giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tới đâu.
“Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như đào tạo nâng cao năng lực bảo tồn biển dù đạt kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu thực tế, cần tiếp tục triển khai, nhất là nâng cao kỹ năng bảo tồn biển cho TCCĐ” - bà Huệ nói.
Bảo tồn biển chưa gắn với sinh kế
Đồng quản lý bảo tồn biển không chỉ là các hoạt động tổ chức, quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến nuôi trồng, khai thác hải sản mà quan trọng là gắn với phát triển du lịch bền vững đảm bảo sinh kế cho các thành viên tham gia.
Ông Võ Hồng Rôn - thành viên TCCĐ bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu cho biết, mô hình du lịch cộng đồng đã xây dựng tour chèo thuyền khám phá đa dạng sinh học ở rạn Bà Đậu hay tham quan chợ cá, khám phá di tích, trải nghiệm văn hóa bản địa dù đã quảng bá khá rầm rộ nhưng kết quả thu được còn khiêm tốn.
Theo phân tích của các chuyên gia bảo vệ nguồn lợi, đa dạng sinh thái biển, vấn đề khó khăn nhất trong bảo tồn biển đó là xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể khai thác và giữa bảo tồn hệ sinh thái biển với phát triển kinh tế.
Xét trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, muốn bảo tồn biển thế nào cho hiệu quả và bền vững nhất thiết phải gắn chặt với ổn định sinh kế cho cộng đồng.
PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để tránh xung đột trong bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế thì cần phát triển kinh tế biển bền vững. Hướng này dung hòa bảo tồn biển và phát triển kinh tế.
“Vấn đề khẩn trương hiện nay là quy hoạch không gian biển, trong đó có quy hoạch vùng bờ, nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh kế cho cộng đồng bảo tồn biển. Các bên cần ngồi lại với nhau nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích” - PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Bà Thân Thị Hiền - Phó Giám đốc MCD cho rằng, để ổn định tài chính cho TCCĐ cần phải xã hội hóa với sự tham gia của nhiều bên như huy động nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, ngành thủy sản.
TCCĐ cần bắt tay thực hiện, tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước để có giải pháp phù hợp phát triển du lịch sinh thái đem lại thu nhập ổn định cho cộng đồng. Có vậy TCCĐ mới duy trì bền vững hoạt động bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn biển.