Từ năm 2013, triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16.4.2013 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đại Lộc đã xây dựng chương trình hành động, đề ra các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình hành động là từng bước thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, trong đó có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, khối phố (gọi chung cấp thôn). Điều thuận lợi cho Đại Lộc khi triển khai chủ trương này là ngay từ những năm 1990 nhiều xã trên địa bàn đã phân công bí thư chi bộ kiêm chức danh trưởng thôn nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm.
Tổ chức bầu cử trưởng - phó khu phố nhiệm kỳ 2015 - 2017 tại khu phố Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc. |
Phát huy hiệu quả
Năm 2015, sau khi hoàn thành tổ chức đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng là lúc các thôn trên địa bàn kết thúc nhiệm kỳ trưởng thôn giai đoạn 2013 - 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã thống nhất triển khai chủ trương phân công đồng chí bí thư chi bộ ra ứng cử chức danh trưởng thôn nhiệm kỳ mới ở những nơi có điều kiện. Phương châm thực hiện là căn cứ vào tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước triển khai trên diện rộng. Kết quả, có 61 thôn (trong tổng số 160) đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nhiệm kỳ 2015 - 2017 và đã bước đầu phát huy hiệu quả, tác động tích cực, nhanh chóng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn.
Ở các thôn thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, mối quan hệ giữa tổ chức đảng và chính quyền được chặt chẽ hơn, góp phần đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên. Số lượng cán bộ thôn giảm, thu nhập của cán bộ kiêm nhiệm chức danh tăng lên, tiết kiệm một khoản không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, qua việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao trình độ, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể. Hầu hết thôn được nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn đều nằm trong nhóm dẫn đầu phong trào thi đua ở địa phương; 100% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, trong đó hơn 30% số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Với kết quả trên, định hướng trong thời gian đến, khi bầu cử lại chức danh trưởng thôn nhiệm kỳ 2017 - 2019, huyện Đại Lộc sẽ nhân rộng mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Điểm mấu chốt và trước hết để đạt mục tiêu trên là cần làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các thôn nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng của chủ trương này. Có nhận thức đúng, cấp ủy chi bộ và đảng viên mới xóa bỏ được tư tưởng “chia nhau việc để làm” mà không thấy tác dụng của việc nhất thể hóa, nhất là làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng và tổ chức thực hiện của Nhà nước được đồng bộ, rút ngắn thời gian từ khâu quán triệt đường lối, chủ trương đến việc cụ thể hóa các nhiệm vụ. Mặt khác, đảng viên được phân công đảm nhận cả chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn càng thấy được trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Tìm hướng nhân rộng
Ở mỗi thôn, khối phố, để thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và đem lại hiệu quả từ mô hình, trước đó cấp ủy phải đào tạo, bồi dưỡng cho được đội ngũ đảng viên trẻ kế cận đủ khả năng đảm nhận chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Người đứng đầu phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, vừa có khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng; đồng thời phải là người có thể triển khai thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Tức là con người đó phải cơ bản hội đủ phẩm chất, năng lực của người làm công tác Đảng và công tác chính quyền. Tuy nhiên, việc lựa chọn được cán bộ, đảng viên có đủ những phẩm chất, năng lực đáp ứng chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo không phải là vấn đề đơn giản. Không phải ở nơi nào mọi đảng viên cũng có thể kiêm nhiệm chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, bởi có người làm tốt công tác Đảng nhưng không thể đảm đương được công tác chính quyền hoặc ngược lại. Vả lại, ở nhiều thôn hiện nay số lượng đảng viên còn ít, có thôn chỉ 4 - 6 đảng viên, nhiều người là cán bộ hưu trí đã lớn tuổi, miễn sinh hoạt, số đảng viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm chỉ có thể đảm đương một chức danh. Mặt khác, người giữ chức danh trưởng thôn phải được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Từ thực tế đó, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trên diện rộng phải có thời gian nhất định, nhất là ở những thôn còn ít đảng viên. Những địa phương nào đủ điều kiện nhất thể hóa hai chức danh này, cần phân công một đảng viên ra ứng cử chức danh trưởng thôn, nếu trúng cử sẽ giới thiệu để đại hội chi bộ bầu làm bí thư. Có nghĩa việc bầu cử trưởng thôn phải được tổ chức trước kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn.
Một vấn đề quan trọng là chế độ phụ cấp của bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Theo quy định hiện nay, khi kiêm cả hai chức danh thì người đó được hưởng định mức cho một chức danh và 50% của mức phụ cấp chức danh kia. Do vậy, trong trường hợp này cần nghiên cứu cho hưởng cả hai định mức phụ cấp. Ngoài ra, khi hợp nhất chức danh, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các phó bí thư chi bộ, phó trưởng thôn. Nếu phó trưởng thôn đã có chế độ kiêm nhiệm thôn đội trưởng, thì cũng cần quy định thêm chế độ phụ cấp cho phó bí thư chi bộ trong trường hợp người này chưa được hưởng các khoản phụ cấp khác.
Giải quyết được những vấn đề mang tính cơ chế như trên, nhất là các nội dung liên quan đến chế độ lương, phụ cấp thì việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở các địa phương nói chung, ở huyện Đại Lộc nói riêng sẽ thuận lợi và đem lại hiệu quả thiết thực.
PHAN XUÂN QUANG