Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ tại các địa phương ven biển: Ngư dân còn băn khoăn

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/10/2014 08:51

Để triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức 2 cuộc gặp gỡ ngư dân các xã Tam Quang (Núi Thành) và Bình Minh (Thăng Bình) vào tuần qua. Tại đây, ngư dân cũng đã bày tỏ lo ngại khi Quảng Nam chưa có cơ sở đóng tàu vỏ thép và giá cả đầu ra hải sản bấp bênh.

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 tàu cá thực hiện hậu cần trên biển.  Ảnh: Q.VIỆT
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 tàu cá thực hiện hậu cần trên biển. Ảnh: Q.VIỆT

Quảng Nam chưa có cơ sở đóng tàu vỏ thép

Đang sở hữu tàu cá QNa 91991 có công suất 320CV theo nghề lưới vây nhưng ngư dân Bùi Xuân Thành (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) vẫn mạnh dạn đăng ký đóng thêm tàu vỏ thép từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Bởi, ông Thành biết rằng, tàu vỏ thép sẽ mở ra nhiều triển vọng trong khai thác hải sản cho gia đình. “Điều tôi lo nhất khi đóng tàu vỏ thép là phải đặt hàng ở các địa phương khác vì Quảng Nam chưa có cơ sở nào đóng tàu bằng vật liệu này. Tốn kém vì đi lại xa xôi sẽ khiến giá thành đóng tàu đội lên. Vả lại, trong quá trình đóng tàu, tôi sẽ không kiểm soát được các khoản phát sinh. Quan trọng hơn, mình không biết chất lượng của con tàu được đóng sẽ thế nào vì còn phải bám biển đánh bắt, không thể theo sát quá trình đóng tàu” - ông Thành chia sẻ. Ông Lê Minh Trí (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) cũng có nguyện vọng được đóng tàu vỏ thép từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương khi đã sở hữu tàu cá QNa 91035 theo nghề lưới vây. Ông Trí cũng bày tỏ băn khoăn: “Quy định về tổ chức thực hiện Nghị định 67 của Quảng Nam có đề cập hỗ trợ chi phí để duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép nhưng chưa có hạn mức cụ thể. Mặt khác, đến thời điểm này chúng tôi chỉ mới biết sử dụng tàu vỏ gỗ chứ chưa hề vận hành tàu được đóng bằng vật liệu khác”. Xung quanh việc đóng tàu vỏ thép, nhiều ngư dân bày tỏ lo ngại xung quanh việc không biết sử dụng tàu vỏ thép có phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân, sẽ neo đậu tàu ở đâu, nhất là trong mùa mưa bão…

Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, tàu vỏ thép có các tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ nên sử dụng tàu này sẽ rất thuận lợi cho việc hiện đại hóa khai thác hải sản; đồng thời việc bảo quản sản phẩm khai thác được sẽ thuận lợi hơn. Đây là điều kiện để nâng cao giá trị hải sản, qua đó tăng giá trị kinh tế của mỗi chuyến biển. “Điều quan trọng nhất là ngư dân sẽ phát huy được các tính năng ưu việt của tàu vỏ thép đến đâu. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, giúp ngư dân hiểu hơn về tàu vỏ thép. Địa phương cũng đã đề xuất với tỉnh tổ chức các chuyến tham quan để ngư dân tiếp cận trực tiếp các cơ sở đóng tàu vỏ thép, qua đó có kế hoạch rõ ràng về việc đóng tàu cho mình. Nếu được như vậy, chính ngư dân sẽ lựa chọn mẫu tàu nào phù hợp, cơ sở đóng tàu nào ưng ý… để đi đến quyết định có tận dụng cơ hội lớn này hay không. Còn về việc duy tu bảo dưỡng tàu cá, chính các cơ sở đóng tàu sẽ thực hiện theo quy định hiện hành” - ông Khả nói.

Trăn trở dịch vụ hậu cần

Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, Quảng Nam được giao thực hiện 92 tàu đóng mới và cải hoán nâng cấp, trong đó tỉnh phân bổ cụ thể cho các địa phương như sau: huyện Núi Thành 40 tàu khai thác hải sản (28 tàu vỏ gỗ, 12 tàu vỏ thép) và 5 tàu hậu cần trên biển; TP.Tam Kỳ 1 tàu khai thác và 3 tàu hậu cần; Thăng Bình 22 tàu khai thác (12 tàu vỏ gỗ và 10 tàu vỏ thép); Duy Xuyên 9 tàu khai thác (8 vỏ gỗ, 1 vỏ thép); TP.Hội An 9 tàu khai thác (8 vỏ gỗ, 1 vỏ thép) và 1 tàu hậu cần; Điện Bàn 2 tàu khai thác (1 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ thép).

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có một tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển. Đó là tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 0766 do ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) làm chủ. Tuy nhiên, chiếc tàu này có công suất nhỏ và chỉ mới bán nhiên liệu chứ chưa thu mua hải sản. Ông Cảnh có nguyện vọng đóng tàu vỏ thép để thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển từ nguồn vay được Chính phủ hỗ trợ. “Tôi đã ấp ủ dự định đóng tàu vỏ thép có công suất lớn để thực hiện trọn vẹn dịch vụ hậu cần trên biển từ lâu nay. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 67 đã mở ra cơ hội lớn để tôi có thể thực hiện dự định. Tuy vậy, tôi rất lo lắng khi vay nguồn vốn lớn mà điều kiện buôn bán hải sản tại địa phương lại quá teo tóp” - ông Cảnh chia sẻ. Hiện tại, việc mua bán hải sản ở Núi Thành chỉ diễn ra tại 4 cơ sở thu mua đóng chân tại xã Tam Quang. Ông Cảnh lo ngại về đầu ra của sản phẩm, bởi một khi 4 chủ cơ sở này “bắt tay” với nhau thì hải sản ông mua được trên biển về bán lại sẽ bị ép giá. “Tại ngư trường sản xuất truyền thống của ngư dân là Hoàng Sa chưa được đầu tư một điểm tập kết để tập hợp tàu cá của ngư dân. Bởi vậy, rất khó thực hiện dịch vụ hậu cần tại vùng biển này. Nếu cứ chạy lòng vòng trên biển để cung ứng các vật dụng cần thiết cho ngư dân cũng như mua lại hải sản họ khai thác được thì quá tốn nhiên liệu. Tôi rất lo vì giá thành dịch vụ quá cao sẽ dẫn đến không thu được lợi nhuận” - ông Cảnh nói. Nhiều ngư dân khác có nguyện vọng đóng tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển có chung nhắn gửi, để phát triển nghề cá, Quảng Nam nên thu hút đầu tư cũng như quy hoạch để bố trí hẳn một khu thực hiện hậu cần nghề cá. Bởi chỉ có vậy thì đầu ra hải sản mới đảm bảo.

Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, trong số 92 tàu cá được trung ương phân bổ, Quảng Nam có 9 tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển. Các tàu này được tỉnh phân bổ lại cho các huyện Núi Thành và các TP.Tam Kỳ, Hội An. Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình bày tỏ thắc mắc về việc phân bổ này. “Quảng Nam nên phân bổ cho huyện Thăng Bình được đóng mới tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển vì đây là một trong hai địa phương có nghề cá lớn mạnh nhất Quảng Nam. Trong thời gian qua, do chưa có tàu thực hiện hậu cần trên biển nên giá trị kinh tế thu được của ngư dân không tương xứng với sản lượng khai thác. Nếu có tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển, thời gian bám biển của ngư dân sẽ tăng lên, chi phí sản xuất giảm xuống, ngư dân sẽ thu lợi nhiều hơn” - ông Hương nói. Về điều này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Triển khai Nghị định 67, Quảng Nam đề cao tính hiệu quả của việc đầu tư. Huyện Núi Thành và các TP.Tam Kỳ, Hội An có dịch vụ hậu cần nghề cá lâu đời. Ngư dân ở đó sẽ thực hiện hiệu quả hơn dịch vụ hậu cần trên biển so với huyện Thăng Bình. Chúng tôi phân bổ tàu thực hiện hậu cần trên biển dựa trên tiêu chí đó”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ tại các địa phương ven biển: Ngư dân còn băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO