Triển khai Nghị định 67: Ngân hàng phải tạo điều kiện cho ngư dân

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/05/2015 08:36

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã yêu cầu ngân hàng linh hoạt điều chỉnh các quy định, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ thép vươn khơi sản xuất, bám biển.

Ký hợp đồng vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của ngư dân Phan Thu với BIDV Quảng Nam. Ảnh: N.Q.V
Ký hợp đồng vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của ngư dân Phan Thu với BIDV Quảng Nam. Ảnh: N.Q.V

Thủ tục rườm rà

Đến nay, sau 8 tháng triển khai Nghị định 67, toàn quốc chỉ mới có 13 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá có công suất từ 400CV trở lên để sản xuất tại các vùng biển xa của Tổ quốc. Và cả nước mới có 13 hợp đồng tín dụng được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và các chủ tàu cá với tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng. Tại Quảng Nam, đã có 92 chủ tàu cá được phê duyệt nhưng đến nay chỉ mới có 2 chi nhánh ngân hàng thương mại là BIDV và Agribank ký kết hợp đồng tín dụng với 2 ngư dân của huyện Thăng Bình là Phan Thu và Trần Công Chi (xã Bình Minh) và ngư dân Lương Tấn Xị (xã Tam Giang, Núi Thành) với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng để đóng mới 2 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ có công suất máy chính hơn 800CV.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tiến độ thực hiện Nghị định 67 tại Quảng Nam quá chậm. Một trong những nguyên nhân là các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chưa có quy trình thẩm định cho vay chung. Vì vậy các địa phương ven biển cũng như ngư dân lúng túng trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục vay vốn. Đối với các chủ tàu đã hoàn thiện hồ sơ, việc thương thảo, thỏa thuận, thống nhất phương án vay vốn vẫn gặp ách tắc do hai bên còn mặc cả với nhau.

* “Nghị định 67 ra đời là sự cụ thể hóa chủ trương làm giàu từ biển, mạnh từ biển của Đảng và Nhà nước. Lãi suất cấp bù Nhà nước đã lo, các địa phương cũng đã căn cứ vào khả năng hoàn trả vốn và lãi của ngư dân rồi mới phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn. Các ngân hàng thương mại phải tạo điều kiện để ngư dân được vay vốn đóng tàu theo nghị định. Các ngân hàng thương mại phải đơn giản hóa các thủ tục, làm việc với ngư dân phải liệt kê một lần, đầy đủ các danh mục cụ thể trong hồ sơ vay vốn để ngư dân tiện bề lo liệu chứ không phải mỗi lần làm việc là đòi ngư dân phải đáp ứng thêm các điều kiện. Thế chấp vốn vay là chính con tàu, không phải thêm bất kỳ tài sản nào khác. Ngân hàng thương mại nào không thực hiện đúng sẽ bị kỷ luật”. (Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh)

* Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, một trong những ách tắc là ngân hàng thương mại đòi hỏi vốn đối ứng của ngư dân phải được giải ngân một lần trong khi ngư dân cho rằng nên giải ngân nhiều lần đồng thời với mỗi lần giải ngân vốn của ngân hàng. Việc thẩm định vốn vay của ngân hàng thường thấp hơn giá trị thật của con tàu nên ngư dân lo ngại sẽ không thể hoàn thành con tàu với số vốn mà ngân hàng thương mại định giá và giải ngân.

Như trường hợp của ngư dân Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành). Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn theo nghị định, ông Nhân đã liên hệ với Agribank chi nhánh Núi Thành làm hồ sơ vay vốn đóng mới tàu vỏ thép. Phía ngân hàng bảo khi thiết kế đóng tàu của ông được phê duyệt ngân hàng mới có thể định lượng giá trị của con tàu mà thỏa thuận vốn vay. Ngay sau đó, ông Nhân làm việc với một đơn vị trung gian để chuyển hồ sơ đóng tàu ra Hà Nội làm thủ tục phê duyệt. Vậy mà đến nay, đã hơn 5 tháng kể từ ngày thiết kế đóng tàu vỏ thép của ông Nhân được Bộ NN&PTNT phê duyệt, việc ký kết hợp đồng vay vốn vẫn chưa thể tiến hành.

Linh hoạt điều chỉnh quy định

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Nghị định 67 mới đây, nhiều địa phương cho rằng, do nghị định chỉ quy định mức vay tối đa (95% đối với tàu vỏ thép, 70% đối với tàu vỏ gỗ), không công bố mức vay tối thiểu nên xảy ra tình trạng ngân hàng cho vay quá thấp, không đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Nghị định 67 chỉ yêu cầu mức vay tối đa là để ngư dân chủ động tự lựa chọn mức vay phù hợp, tiện lợi cho họ trong trả lãi vì vay vốn càng nhiều thì lãi suất phải trả càng lớn. Vì vậy, các ngân hàng phải tạo điều kiện để ngư dân vay tối đa nếu có yêu cầu. Về vốn đối ứng của ngư dân, Phó Thủ tướng Chính phủ cương quyết, các ngân hàng thương mại giải ngân vốn vay của ngư dân nhiều lần theo tiến độ hoàn thành của con tàu thì không có lý do gì bắt ngư dân phải giao vốn đối ứng trước trong một lần. Vì vậy, khi đóng tàu, ngư dân có thể giải ngân vốn đối ứng nhiều lần với mức 5% đối với tàu vỏ thép, 30% đối với tàu gỗ.

Các tỉnh, thành phố cho rằng, để đóng được tàu vỏ thép, ngư dân phải vay vốn đến gần 20 tỷ đồng mà thời hạn phải hoàn trả vốn lẫn lãi chỉ trong vòng 11 năm là quá ngắn. Chính phủ cần nới rộng thời hạn trả vốn của ngư dân lên 16 năm vì tàu vỏ thép mới lạ với phương thức sản xuất của ngư dân, hiệu quả sản xuất chưa được xác định nhiều hay ít. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình và cho biết sẽ nới thời hạn trả vốn khi vay đóng tàu vỏ thép, còn nới bao nhiêu năm thì Chính phủ sẽ họp để xác định cụ thể.

Về vấn đề lãi suất, nhiều ý kiến phản ánh lãi suất ở mức 7% (ngư dân trả 3% đối với tàu vỏ gỗ, 1% đối với tàu vỏ thép) là cao so với mặt bằng chung của lãi suất thương mại trên thị trường hiện nay. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, phần lãi suất 7%/năm đối với vốn vay cho đầu tư đóng mới, nâng cấp các tàu chỉ có giá trị “quy chiếu” để Nhà nước bù cho các ngân hàng thương mại (4% đối với tàu vỏ gỗ và 6% đối với tàu vỏ thép). Các ngân hàng thương mại phải linh hoạt điều chỉnh giảm lãi suất cho phù hợp từng thời điểm, chứ không phải lúc nào cũng áp 7%/năm.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Nghị định 67: Ngân hàng phải tạo điều kiện cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO