Triển khai Nghị định 89: Cần sự "nhiệt tình" của các ngân hàng

VIỆT QUANG 14/04/2016 08:57

Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai hơn một năm qua đã đem đến niềm hy vọng cải thiện phương tiện khai thác hải sản cho ngư dân Quảng Nam. Hiện nhiều ngư dân chờ nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để tiếp tục đóng tàu lớn vươn khơi.

Mới đây, tàu cá QNa-90318 có công suất 822CV của ngư dân Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) nhổ neo vươn khơi bám biển Hoàng Sa bằng nghề chụp mực. Trước giờ xuất bến, ông Kỳ khởi động máy, kiểm tra giàn đèn dụ mực, bật sáng lóa 200 đèn cao áp. Hệ thống máy liên lạc, máy dò cá, máy định vị… cũng được kiểm tra kỹ càng. “Con tàu có giá trị 17,7 tỷ đồng được đóng mới từ Nghị định 89, gia đình chúng tôi chỉ phải đối ứng vốn 900 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn vay ưu đãi do BIDV Quảng Nam giải ngân. Ước mơ bám biển bằng con tàu lớn, hiện đại đã thành hiện thực” - ông Kỳ nói. Trần Công Ba, con trai ông Kỳ đã là máy trưởng của tàu, đứng ở mũi huơ tay, đôi mắt sáng ngời kỳ vọng. Từ cảng cá Tam Quang, con tàu vững chãi rẽ sóng ra khơi. Tại huyện Núi Thành, 4 con tàu vỏ thép đã hạ thủy và lần lượt nối đuôi nhau ra khơi. Các tàu này của các ngư dân Trần Văn Nhân, Trần Công Kỳ (xã Tam Quang), Phạm Việt, Huỳnh Ngọc Huệ (xã Tam Giang). Tại huyện Thăng Bình, đã có 3 tàu vỏ thép đã hoặc sắp sửa ra khơi của ngư dân Trần Công Chi, Phan Thu và Trần Văn Liên (đều ở xã Bình Minh). Tàu vỏ thép của ngư dân Phan Trọng Vỹ (xã Bình Dương) cũng đang được khẩn trương hoàn thành, ra khơi trong thời gian ngắn sắp tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng thăm tàu vỏ thép với ngư dân Phan Thu.  Ảnh: V.Q
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng thăm tàu vỏ thép với ngư dân Phan Thu. Ảnh: V.Q

Đến thời điểm này, trong số 92 tàu cá công suất lớn được Trung ương phân bổ theo Nghị định 89, Quảng Nam đã ký quyết định công nhận 88 ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá từ vốn vay ưu đãi. Trong số đó, 34 ngư dân đã được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng vay vốn. Số tiền giải ngân đến thời điểm này đã là 200 tỷ đồng, đóng mới 16 tàu vỏ thép và 18 tàu vỏ gỗ. So sánh với các địa phương khác trên phạm vi cả nước, tổng cộng mới có hơn 350 hồ sơ được ngân hàng ký hợp đồng tín dụng đóng tàu theo Nghị định 89 thì rõ ràng Quảng Nam đã đi tiên phong. Sự quyết liệt của UBND tỉnh, sự rốt ráo của ngành thủy sản, các địa phương ven biển cũng như sự “chung tay” của các ngân hàng thương mại đã triển khai Nghị định 89 có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện Quảng Nam mới chỉ có 2 ngân hàng “nhiệt tình” triển khai nghị định là Agribank Quảng Nam và BIDV Quảng Nam với lần lượt là 19 và 14 hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân. Vietinbank Quảng Nam mới ký 1 hợp đồng với ngư dân Núi Thành.   

Quảng Nam vẫn còn 4 chỉ tiêu chưa được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 89, vì thế UBND tỉnh đề nghị các địa phương ven biển nhanh chóng tổ chức thẩm định, báo cáo kết quả và đề xuất tỉnh công nhận, qua đó ngư dân có cơ sở thương thảo, ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng thương mại. Đối với 54 trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt mà chưa được ngân hàng thương mại ký hợp đồng, các địa phương ven biển cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa ngư dân với ngân hàng, giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghị định. “Các ngân hàng thương mại sau khi thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân, nếu không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản, lý giải các lý do gửi cho đồng thời cả ngư dân, địa phương nơi ngư dân cư trú lẫn Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam để có hướng giải quyết kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Nghị định 89: Cần sự "nhiệt tình" của các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO