Triển khai Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo: Thay đổi cách thức hỗ trợ

DIỄM LỆ 10/06/2016 09:28

Sáng qua 9.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với các sở, ban ngành bàn các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Hồ Xuân Khanh - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH, Thường trực Văn phòng giảm nghèo tỉnh cho biết, Sở LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề án giảm nghèo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, sẽ sớm hoàn thành để lấy ý kiến các sở, ban ngành. Về mặt định hướng, đề án lấy giáo dục làm nền tảng cho giải pháp giảm nghèo; về y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân nghèo, miền núi phần chi phí cùng chi trả khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiếp tục cấp bù 30% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo. Riêng về chính sách cán bộ, ông Khanh cho biết, dự thảo đề án sẽ tiếp tục duy trì và sửa đổi theo hướng: bố trí hợp đồng có thời hạn đối với cán bộ giảm nghèo các xã; ở các phường, thị trấn vẫn theo cách cán bộ LĐ-TB&XH kiêm nhiệm, có phụ cấp 30% thực hiện công tác giảm nghèo. Có sự phân rã này là vì tỷ lệ nghèo ở khu vực đô thị ít hơn.

UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn giải pháp triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020. Ảnh: D.LỆ
UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn giải pháp triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020. Ảnh: D.LỆ

Cũng theo ông Khanh, trong các giải pháp được nêu ra, dự thảo đề án dành sự tập trung ưu tiên cho việc giúp người nghèo làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Theo đó, chính sách cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục được duy trì cung với việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế...

Đào tạo nghề - một trong các chính sách hỗ trợ gián tiếp cho người nghèo sẽ được ưu tiên thực hiện thời gian tới. Ảnh: D.LỆ
Đào tạo nghề - một trong các chính sách hỗ trợ gián tiếp cho người nghèo sẽ được ưu tiên thực hiện thời gian tới. Ảnh: D.LỆ
Theo mục tiêu Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy đề ra, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân mỗi năm 2 - 2,5%; phấn đấu đến năm 2020 khu vực đô thị không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bằng còn dưới 2%; các huyện miền núi, trung du còn dưới 7%. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Nghị quyết 02 đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể, gồm xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình triển khai; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; hỗ trợ có thời hạn, có điều kiện về phát triển sản xuất, tạo thu nhập; xây dựng và nhân rộng các mô hình; tăng cường xã hội hóa công tác giảm nghèo…

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, tại cuộc họp ngày 9.6, hầu hết ý kiến đều cho rằng, nên hạn chế chính sách hỗ trợ trực tiếp, nhằm tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo khu vực miền núi. Ông Vũ Nguyễn - Phó Giám đốc Sở Tài chính đề nghị không nên tiếp tục thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo mà nên tập trung chính sách gián tiếp. Chính sách nào Trung ương đã có, tỉnh không nên ban hành trùng lặp mà cần tăng thêm nguồn hỗ trợ bên cạnh chính sách của Trung ương. Theo ông Phạm Tấn Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, đối với công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan tham mưu nên “phân vai” cụ thể cho các sở, ngành nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi đơn vị và theo đó nhiệm vụ cũng được thực hiện rõ ràng hơn. Các giải pháp hỗ trợ đa chiều liên quan đến nhiều sở, ngành nên khi có nhiệm vụ giao cụ thể từ UBND tỉnh thì các sở phải tập trung thực hiện. Hỗ trợ hộ nghèo cụ thể thế nào, cần phải tính ngay từ đầu để có được nguồn vốn đầu tư cho từng địa phương, tạo nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo.

Có ý kiến đề nghị đối với khu vực miền núi cần thực hiện những chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, như thế vừa bảo vệ được rừng, giải quyết được đất sản xuất cho người dân, tăng nguồn thu nhập, vừa khơi dậy ý thức tự vươn lên, hạn chế tư tưởng ỷ lại của người dân. Một vấn đề khác, dân cư khu vực miền núi cần được sắp xếp lại gắn với phát triển sản xuất mới đầu tư giảm nghèo được; hiện nay dân cư phân tán, rất khó đầu tư kể cả về giao thông, sản xuất. Về vấn đề này, bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, dù thế nào thì có an cư mới lạc nghiệp. Chính sách định canh định cư đã được tập trung thực hiện trong thời gian qua, nhưng do địa hình miền núi quá phân tán nên khó thực hiện, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Như ở Nam Trà My, địa hình quá khó khăn, muốn định canh định cư cho dân phải san ủi mặt bằng, riêng khâu này đã ngốn hết kinh phí chứ chưa nói đến những vấn đề khác. Hay ở Tây Giang, muốn có một khu định canh định cư cho người dân, huyện phải lồng ghép nhiều nguồn, triển khai tổng lực trong 3 năm, tổng kinh phí lên đến 15 tỷ đồng. Trong khi cơ chế hiện nay, một khu định canh định cư chỉ được cấp mỗi năm 1 tỷ đồng thì không cách chi thực hiện. Do đó chính sách cần phải phù hợp với điều kiện mỗi vùng miền.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo: Thay đổi cách thức hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO