Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra nhiều kiểu “chạy chọt” như là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên. Từ đó, xét việc tặng quà có thể xem là hối lộ để “chạy” và người nhận quà xem quà tặng là kiểu “hoa hồng lại quả”. Phòng chống sự suy thoái đạo đức công vụ có lẽ nên bắt đầu từ việc xử lý chuyện tặng/nhận quà.
|
Xử lý việc tặng/nhận quà trong khu vực công, tưởng đơn giản nhưng phức tạp. Ảnh minh họa |
Chuyện tặng/nhận quà xuất hiện từ xa xưa trong quan hệ giữa người với người. Quà trung thu cho trẻ con, quà mừng thọ cho người già, quà tặng người yêu, quà cưới..., biết bao nhiêu kiểu tặng quà thể hiện tình cảm và cả văn hóa ứng xử nữa. Việc tặng/nhận quà ở đây hàm nghĩa giữ một mối dây nghĩa tình, thể hiện bằng cách hiện - vật - hóa - tình cảm. Vì thế, quà tặng dĩ nhiên mang giá trị vật chất nhưng cái mà người ta hướng đến là ý nghĩa tinh thần. Trong nhiều trường hợp, quà tặng có ý nghĩa như vật lưu niệm, là sự trao truyền tình cảm mà thôi. Ngay cả chiếc nhẫn vàng tặng cho đám cưới rất giá trị, cùng cực lắm người ta mới bán đi để tìm kế mưu sinh, chứ ít ai muốn cha mẹ tặng xong là mình đem bán ngay.
Đời thường là vậy. Nhưng trong quan hệ xã hội từ xưa đến nay, ý nghĩa quà tặng có nhiều biến thái. Chuyện một ông quan muốn ăn hối lộ nói mình tuổi tý để người ta đúc con chuột vàng đem tặng trong lễ mừng thọ là ví dụ (thế mà quan bà còn tham hơn, la rằng sao không nói tuổi sửu để nó đúc con trâu vàng!). Hay giờ đây, khi cái sự chạy chọt đã phổ biến trong quan hệ ở khu vực công, khiến quà tặng cũng biến tướng muôn hình vạn trạng.
Nhận diện quà tặng
Năm 2016, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức một nghiên cứu về “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp (DN), hơn 1.400 cán bộ công chức (CBCC) và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh thành, 5 bộ ngành. Qua đó tổng hợp và phân tích dữ liệu về nhiều vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích trong khu vực công, trong đó có phần đáng chú ý về chuyện tặng/nhận quà giữa DN và CBCC.
Báo cáo kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 50% CBCC và 65% DN, người dân đồng ý rằng việc CBCC tặng/nhận quà thực chất là hối lộ biến tướng. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý đấu thầu, 100% số DN được hỏi khẳng định việc tặng/nhận quà là phổ biến và không có DN nào trả lời không biết về tình huống này.
Kết quả trên cũng tương đồng với kết quả khảo sát DN của Ngân hàng Thế giới, trong đó 57% DN cho rằng họ phải tặng quà cho CBCC để có được hợp đồng và 91% tặng quà để “công việc chạy được”. Phân tích về việc DN tặng quà cho CBCC, khả năng xung đột lợi ích thực sự là rất cao. Cụ thể, kết quả cho thấy đại đa số DN tặng quà bằng tiền hoặc hiện vật cho CBCC (98%) và giá trị món quà đó đa số là hơn 500 nghìn đồng. Số liệu khảo sát cũng cho thấy có tới 44% trong tổng số lần tặng quà gần nhất của các DN là do CBCC gợi ý (chứ không phải chủ động tặng quà). Mục đích của việc tặng quà cũng chủ yếu là cho công việc có liên quan (66%) hơn là để xây dựng và gìn giữ quan hệ (31%).
Đến đây đã rõ ai là người tặng/nhận quà trong khu vực công vì mục đích gì. Vậy câu hỏi đặt ra lần nữa là có yếu tố văn hóa trong việc tặng/nhận quà? Báo cáo nghiên cứu cho biết, đại biểu trong các cuộc thảo luận nhóm đều khẳng định tặng quà vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, quà tặng cho CBCC hầu hết đều không chứa đựng yếu tố văn hóa (tình cảm) thuần túy đó. Rất nhiều món quà cho CBCC chứa đựng yếu tố lợi ích cá nhân, thậm chí hối lộ. “Văn hóa truyền thống” đã được sử dụng để bao biện cho hành vi tìm kiếm lợi ích cá nhân, bất chấp lợi ích chung của các bên.
Khuyến nghị xử lý, cách gì?
Xử lý việc tặng/nhận quà trong khu vực công, tưởng đơn giản nhưng phức tạp. Chúng ta từng biết có đề nghị nâng mức cho phép CBCC nhận quà dưới 2 triệu đồng (chứ không phải 500 nghìn đồng), trên mức ấy thì phải giao nộp cho tổ chức, đơn vị nhưng rồi vẫn chưa khả thi. Việc phân biệt đâu là giá trị vật chất và ý nghĩa tinh thần của quà tặng cũng khó, và đặc biệt cơ chế và người định giá quà tặng là ai cũng chưa lập thành. Hơn nữa, biến tướng của quà tặng rất đa dạng, có ai biết được “hoa hồng” với dự án mà DN được nhận thì phải chi cho CBCC có thẩm quyền phê duyệt là bao nhiêu phần trăm (!?). Bởi chuyện đó thường xảy ra trong bóng tối, chỉ có người tặng và người nhận biết thôi, dễ gì kiểm soát. Vì vậy, các báo cáo tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng cũng khẳng định những số liệu liên quan đến tặng, nhận quà chưa phản ánh đúng diễn biến thực tế.
Khó vậy, nhưng không phải không có cách để khắc chế việc tặng/nhận quà có mục đích tư lợi, gắn với tham nhũng, tiêu cực. Các bộ luật để chế tài hành vi đưa/nhận hối lộ, phòng chống tiêu cực, tham nhũng đã có khung, bây giờ chỉ việc bổ sung vào những nội dung phù hợp với thực tiễn đời sống. Nhóm nghiên cứu nói trên cũng đề xuất phải sửa đổi quy định về tặng/nhận quà. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định về tặng/nhận quà tặng theo hướng quy định nguyên tắc chung giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích trong khu vực công. Điều đó có nghĩa là không cho phép CBCC nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt những CBCC làm trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra xung đột lợi ích như đấu thầu, cấp phép, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm, hay những lĩnh vực đòi hỏi phải tương tác nhiều với người dân và DN như thuế, hải quan, thanh tra và kiểm tra. Ngoài ra, cần có quy định về đầu mối theo dõi, giám sát và tiếp nhận thông tin, phản ánh về việc nhận quà tặng của CBCC và các hình thức xử lý vi phạm pháp luật.
Cũng nên “trông người mà ngẫm đến ta” để biết cách xử lý. Ví như Hàn Quốc đã xây dựng quy tắc ứng xử, theo đó CBCC không được nhận tiền, vật có giá trị, bất động sản, quà biếu, quà tặng từ một bên liên quan đến nhiệm vụ hoặc một CBCC liên quan đến nhiệm vụ có liên hệ đến công vụ hiện tại của người đó. Một CBCC sẽ phải ngăn cản vợ/chồng hoặc bố mẹ, con cái của mình không được nhận tiền hoặc vật có giá trị khác mà bị cấm đối với công chức. Hay như Singapore, quy định nếu CBCC được tặng một món quà, người đó phải nhất định từ chối. Nếu người đó được tặng một món quà của một quan chức thì nhận quà và sau đó chuyển lại cho người đứng đầu bộ phận của mình. Giá trị của món quà sẽ được định giá và người nhận quà có thể trả tiền nếu muốn giữ. Người định giá đối với tất cả quà tặng là Kế toán trưởng Nhà nước của Singapore. “Cuộc chiến” với việc tặng/nhận quà mang tính tiêu cực ở Việt Nam cũng cần bắt đầu từ cách thức như vậy.
NGUYỄN ĐIỆN NAM