Việc thực hiện hỗ trợ người lao động (LĐ) và chủ sử dụng LĐ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ được Quảng Nam triển khai tích cực, tuy nhiên vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Sớm vào cuộc
Ngay sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 ra đời vào đầu tháng 7.2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45 vào ngày 22.7.2021 để thực hiện hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng đặc thù.
UBND tỉnh đã có các quyết định giao nhiệm vụ cho sở, ngành, địa phương thực hiện việc xác định đối tượng, nhằm nhanh chóng đưa chính sách hỗ trợ đến với người LĐ và chủ sử dụng LĐ. Chính sách cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nhiều kênh khác để người dân tiếp cận.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, các chính sách liên quan trong Nghị quyết 68 đã được triển khai ở nhiều sở ngành, địa phương. Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đã thông báo đến chủ sử dụng LĐ về giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 3.012 đơn vị, doanh nghiệp (DN) với số tiền hơn 41,9 tỷ đồng, thời gian tính từ tháng 7.2021 đến tháng 6.2022 (12 tháng). Số tiền này sẽ được để lại cho đơn vị, DN thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại chỗ.
Đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người LĐ và chủ sử dụng LĐ, theo số liệu do Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, tính đến chiều 11.8, toàn tỉnh có 621 người được thụ hưởng. Về chính sách hỗ trợ người LĐ ngừng việc, UBND TP.Tam Kỳ đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ 3 người LĐ ngừng việc phải cách ly y tế số tiền 3 triệu đồng; hỗ trợ thêm đối với 4 trẻ em chưa đủ 6 tuổi số tiền 4 triệu đồng.
UBND huyện Duy Xuyên, Phú Ninh đã có quyết định hỗ trợ tiền ăn cho 137 người diện F1 với số tiền hơn 109,6 triệu đồng; hỗ trợ thêm cho 11 trẻ em dưới 16 tuổi là F0, F1 số tiền 11 triệu đồng.
Sở VH-TT&DL đã thực hiện hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người LĐ là hướng dẫn viên du lịch cho 13 người, số tiền hỗ trợ hơn 48,2 triệu đồng; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với 8 viên chức, số tiền hơn 29,6 triệu đồng. Đối với Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh, huyện Duy Xuyên đã hỗ trợ 306 người cách ly tập trung, với số tiền hơn 328 triệu đồng.
Các ngành liên quan đã phối hợp, thẩm định hồ sơ hỗ trợ người sử dụng LĐ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với 2 DN gồm 95 LĐ đủ điều kiện, kinh phí 372,4 triệu đồng, trong đó 1 DN đã được vay số tiền gần 51 triệu đồng. Chủ sử dụng LĐ vay trả lương phục hồi sản xuất đã được phê duyệt 1 DN với 44 LĐ, số tiền vay hơn 172,4 triệu đồng. Ngành chức năng đang tiếp nhận, thẩm định hồ sơ 1 DN đề nghị vay vốn.
Vướng mắc
Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH), việc thực hiện Nghị quyết 68 vẫn còn gặp khó khăn do phát sinh vướng mắc. Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ, trong quy trình, thủ tục thực hiện chỉ quy định đối với DN có cơ sở đào tạo hoặc liên kết với cơ sở đào tạo nghề, trường hợp DN không có chức năng đào tạo nghề nhưng có nhu cầu tự đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ trong DN thì chưa quy định cụ thể.
Ông Lê Huy Tứ phân tích: “Các chính sách gồm hỗ trợ người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người LĐ ngừng việc; hỗ trợ người LĐ chấm dứt hợp đồng LĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, quy định đối tượng hỗ trợ đều gắn với điều kiện người LĐ làm việc tại DN, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở..., phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, hoặc người LĐ trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất ít DN, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở... thuộc diện này. Nhưng thực tế họ lại gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là DN hoạt động lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách...
Cho nên, những DN thuộc lĩnh vực này thường thỏa thuận với người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương, làm việc luân phiên hoặc cắt giảm LĐ. Chiếu theo quy định đối tượng được hỗ trợ thì người LĐ trong các trường hợp này sẽ không được hỗ trợ, đó là thiệt thòi lớn”.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 68 của các DN để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất có thuận lợi hơn trước đây nhưng vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đại diện Công ty Rieker Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) nói, quy định người LĐ phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên mới được vay vốn là rất khó. Bởi trên thực tế, để bảo đảm thu nhập cho người LĐ, DN phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên (đi làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần) đối với từng bộ phận sản xuất.
Vì vậy, khi đối chiếu quy định, nhiều DN không đủ điều kiện được vay vốn, dù thực tế người LĐ ngừng việc hơn 15 ngày, nhưng không liên tục. Mặt khác, để tiếp cận nguồn vốn vay, DN phải đảm bảo các tiêu chí như “người sử dụng LĐ không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” nhưng không đề cập rõ tiêu chí về nợ xấu. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, phần lớn DN ít nhiều đều vướng vào tiêu chí nợ xấu tại ngân hàng.