Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên giai đoạn 2019 – 2020 là chủ trương đúng đắn, thiết thực, giúp quản lý rừng hiệu quả hơn. Song, cái khó nhất hiện nay là thiếu lực lượng giữ rừng chuyên trách và chậm chi trả kinh phí.
Chọn mô hình mới
Nhận thấy bất cập của các hình thức giao khoán rừng cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư, từ hơn 2 năm nay, các địa phương và chủ rừng đã chuyển đổi hình thức giữ rừng mới bằng việc thành lập tổ BVR chuyên trách. Thời điểm này, các chủ rừng như Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ban Quản lý rừng huyện Đông Giang, Phước Sơn… đều thành lập lực lượng BVR chuyên trách.
Phân bổ gần 34 tỷ đồng cho lực lượng bảo vệ rừng
Năm 2020, Sở NN&PTNT đề nghị bố trí kinh phí triển khai Nghị quyết số 46 hơn 41,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí phân bổ về cho 7 huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Đại Lộc, Quế Sơn, Bắc Trà My, Hiệp Đức là 28 tỷ đồng; kinh phí phân bổ về cho 4 ban quản lý rừng trực thuộc Sở NN&PTNT hơn 13,2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh mới phân bổ gần 34 tỷ đồng.
Năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn chuyển hoàn toàn diện tích giao khoán BVR cho nhóm hộ, cộng đồng sang hình thức hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh với tổng diện tích hơn 30.799ha. Theo đó, chủ rừng này đã hợp đồng với 113 người dân địa phương. Đội ngũ BVR sẽ được đào tạo sử dụng bản đồ, la bàn, máy định vị, kỹ năng xây dựng kế hoạch, ghi chép, sử dụng các biểu mẫu trong tuần tra rừng… Lực lượng BVR chuyên trách được chia làm 7 tổ quản lý với 23 chốt BVR. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, lực lượng BVR chuyên trách gắn trách nhiệm trực tiếp đến từng nhân viên BVR, hoạt động theo pháp luật. Phần lớn đều tốt nghiệp THPT nên dễ ứng dụng công nghệ giám sát rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My cũng lựa chọn và ký kết với 66 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia lực lượng BVR chuyên trách. Sau khi chuyển đổi hình thức quản lý, BVR thì tổng diện tích rừng tự nhiên thuộc lâm phận của chủ rừng này là 24.492ha, trong đó diện tích thực hiện chuyển đổi sang hình thức chủ rừng tự quản lý bảo vệ là 18.163ha (diện tích có đơn giá thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh là 400 nghìn đồng/ha/năm có hỗ trợ của ngân sách tỉnh là 13.427ha).
Tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn, từ năm 2019 đến nay đã chuyển sang BVR chuyên trách. Theo ông Mai Văn Dưỡng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn, lực lượng BVR chuyên trách hầu hết là thanh niên có sức khỏe tốt, được đào tào chuyên môn về lâm nghiệp và chịu trách nhiệm với diện tích đã được giao bảo vệ. Tuy nhiên, khó nhất là kinh phí thực hiện Nghị quyết số 46 chưa được phân bổ kịp thời, so với quy định thì còn thiếu số lượng lớn nhân viên hợp đồng. Sở NN&PTNT thông tin, thời điểm này, các chủ rừng đã ký hợp đồng với 671 người, trong khi đó theo yêu cầu cần 2.917 nhân viên BVR, chỉ đạt 23% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 46.
Kiện toàn bộ máy
Theo Quyết định số 2468, ngày 1.8.2019 của UBND tỉnh về ban hành đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm và các ban quản lý rừng, đến nay có 7 đơn vị đã bàn giao từ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm về thuộc UBND các huyện, thành lập mới các ban quản lý rừng trực thuộc huyện gồm các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh voi Nông Sơn. Ngoài ra, có 3 đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT gồm Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam; 1 đơn vị Vườn Quốc gia Bạch Mã và 9 UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, việc bàn giao các ban quản lý rừng từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh về các địa phương quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm BVR của các cấp chính quyền. Các ban quản lý rừng giao về cấp huyện quản lý đã phát huy vai trò, trách nhiệm là chủ rừng trong việc phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý. Điểm bất cập của các mô hình giữ rừng trước đây là lực lượng BVR có rất nhiều người lớn tuổi, không đủ sức khỏe tuần tra, chậm tiếp cận công nghệ. Trong khi đó, nhân viên BVR chuyên trách có thu nhập ổn định, được lựa chọn là những người có đủ sức khỏe, được đào tạo chuyên môn về lâm nghiệp.
Hoạt động của lực lượng BVR chuyên trách được tổ chức theo các hình thức khác nhau như tổ cơ động, trạm BVR, tổ tuần tra BVR, phân công đứng điểm phụ trách từng xã. Lực lượng này chịu sự quản lý và thực hiện tuần tra BVR theo kế hoạch của ban quản lý rừng, thường xuyên bám địa bàn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận, đây là mô hình mới nên chưa được người dân tại một số địa phương tích cực tham gia. Một số xã diện tích chỉ đủ thuê 1 người để hợp đồng BVR chuyên trách nhưng với 1 người thì không thể bảo đảm công tác BVR, hoặc có những xã diện tích không đủ hợp đồng 1 lực lượng BVR, phải gộp lại khu vực ở các xã khác, nên lúng túng trong công tác BVR.