UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 31.12.2020 của Tỉnh ủy về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các địa phương cấp huyện phải xác định và triển khai chương trình, giải pháp phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030. Trong đó, thực hiện mục tiêu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người; đồng thời thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn; từng bước ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất; phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp OCOP của địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực trồng trọt, kế hoạch của tỉnh hướng đến giữ ổn định và sử dụng hiệu quả diện tích đất gieo trồng lúa nước 75.000ha/năm đến năm 2025 và 72.000ha/năm đến năm 2030; giá trị sản phẩm trên mỗi héc ta canh tác cây hằng năm đạt 120 triệu đồng vào năm 2025 và 160 triệu đồng vào năm 2030.
Về chăn nuôi, phấn đấu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hơn 35% vào năm 2025 và hơn 40% vào năm 2030; đến năm 2025 có 10 cơ sở chăn nuôi được công nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam hoặc quốc tế tương đương, đến năm 2030 có 30 cơ sở.
Đối với ngành thủy sản, đến năm 2025 UBND tỉnh đặt chỉ tiêu đạt giá trị sản xuất 5.000 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 30 - 32% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, đến năm 2030 đạt 5.700 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đặt chỉ tiêu ngành lâm nghiệp trồng rừng tập trung 104.000ha, bình quân 20.800ha/năm; trồng phân tán 40 triệu cây, bình quân 8 triệu cây/năm; chuyển hóa 25.450ha rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, bình quân 5.090ha/năm.
Nâng cao năng suất rừng trồng theo hướng kinh doanh gỗ lớn để đạt mức sản lượng bình quân 150m3/ha/chu kỳ 10 năm; phấn đấu sản lượng gỗ rừng trồng bình quân đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20% diện tích (30.000ha) rừng trồng sản xuất được cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, ngoài đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành và tuyên truyền nâng cao nhận thức, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm theo hướng tập trung quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tăng cường khâu liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu để tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tăng hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an ninh lương thực...