Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (Bài 1)

NGUYỄN QUANG VIỆT Bài 2: Thiếu bền vững 02/12/2016 08:23

Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được đánh giá là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như định hướng hiện đại hóa ngành thủy sản của tỉnh, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, phát triển bền vững. Vậy nhưng, thực tế triển khai đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

BÀI 1: CHƯA THỂ XA BỜ

Chủ trương hạn chế tàu thuyền công suất nhỏ, cải hoán nâng cấp để vươn khơi khai thác hải sản xa bờ của tỉnh theo nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ngư dân khó huy động nguồn vốn đầu tư đóng tàu xa bờ và thích ứng với phương tiện hiện đại.

Khó chuyển ngư trường

Ngay từ khi “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh bắt tay triển khai, huyện Núi Thành đã lập kế hoạch thực hiện. Theo đó, địa phương thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các xã ven biển và thực hiện đề án phát triển thủy sản huyện Núi Thành. Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, điều chỉnh quy hoạch là điều cấp thiết bởi nội tại nghề cá của huyện đã bộc lộ bất cập. Thế nhưng bắt đầu từ đâu và cách làm nào hợp lý là việc quá khó khăn. Cụ thể, toàn huyện mới chỉ có 300 tàu cá công suất lớn trong tổng số 1.515 phương tiện thì rõ ràng số phương tiện sản xuất gần bờ là quá lớn. Vậy thì làm sao để giảm thiểu hợp lý số phương tiện này? Cách làm của Núi Thành là không cho phát sinh thêm các phương tiện nhỏ hơn 90CV. Vậy nhưng làm sao để chủ các phương tiện công suất nhỏ đó tiếp cận vốn vay ưu đãi, qua đó cải hoán, nâng cấp thành tàu có công suất lớn, chuyển đổi ngư trường sang hoạt động ở các vùng biển xa mới khó. “Chúng tôi tận dụng tất cả cơ chế hỗ trợ hiện có của tỉnh và trung ương để vận dụng giúp ngư dân nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 1 chủ tàu tiếp cận được là ngư dân Võ Văn Xuân (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1). Đó là tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi theo Nghị định 89 về một số chính sách phát triển thủy sản để cải hoán, nâng cấp tàu cá. Các hồ sơ còn lại của ngư dân đều bị ngân hàng thương mại trả lại hết” - ông Gát nói.

Vàn lưới vây hiện đại nên quá dài khiến ngư dân gặp khó khăn. Ảnh: QUANG VIỆT
Vàn lưới vây hiện đại nên quá dài khiến ngư dân gặp khó khăn. Ảnh: QUANG VIỆT

Nguyên do của việc vay vốn để cải hoán, nâng cấp tàu cá thành phương tiện có công suất lớn hoạt động xa bờ gặp khó là hầu như tàu cá nhỏ trên toàn huyện Núi Thành đều quá cũ. Với phần vỏ cũ đó thì dù có thay máy mới cũng sẽ rất khó vận hành, sản xuất thuận lợi ở ngư trường xa bờ. Ngân hàng không cho vay vì rủi ro đầu tư quá lớn. “Chúng tôi đang đề nghị Sở NN&PTNT làm việc với các ngân hàng thương mại để thống nhất các điều kiện vay vốn cải hoán tàu cá. Cụ thể công suất tàu cũ là bao nhiêu? Tàu đó hoạt động trong vòng bao nhiêu năm? Các thông số của tàu đó về độ mớn nước, dài, rộng bao nhiêu? Chỉ có vậy mới quy chuẩn làm thước đo chứ không thì dựa vào đâu để làm hồ sơ vay vốn nâng cấp tàu cá, trong khi đó làm thiết kế quá tốn kém, ngư dân chịu thiệt khi không được vay vốn” - ông Gát nói thêm.

Nội dung quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh là hạn chế sản xuất ở tuyến bờ và tuyến lộng, tránh tiếp tục làm suy giảm nguồn lợi vốn đã nghiêm trọng trong thời gian qua. Trong khi đó, toàn huyện Núi Thành có đến hơn 1.200 phương tiện nhỏ đánh bắt hải sản ven bờ, có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi là lưới kéo đơn, lưới kéo đôi, mành nhí, pha xúc và lưới vây trũ. Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, việc chuyển nghề cho ngư dân sản xuất gần bờ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Chỉ một số ít ngư dân trẻ, có điều kiện đã bỏ hẳn nghề cá manh mún chuyển sang lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, còn hầu hết ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ đều đã lớn tuổi. Họ không có động lực chuyển nghề vì biết khó tiếp cận được nghề mới. Vậy nên, dù huyện đã tự trích nhiều ngân sách cho khuyến nông, khuyến công để đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động nghề biển nhưng thực tế rất ít phát huy hiệu quả.

Ở huyện Thăng Bình - địa phương có nghề cá phát triển thứ 2 của tỉnh (sau Núi Thành), tình hình cũng không sáng sủa hơn. Huyện trích ngân sách để hỗ trợ 20 triệu đồng cho chủ tàu cải hoán, nâng cấp phương tiện nhỏ thành tàu công suất lớn hơn 90CV hoạt động trên các vùng biển xa nhưng không đem lại kết quả như mong đợi. Số tiền quá nhỏ so với tổng chi phí cải hoán, nâng cấp tàu cá, trong khi đó hầu như ngư dân không huy động được nguồn vốn khá. Trong khi đó, tại địa phương, đến nay nhiều ngư dân dù đã bán tàu để làm vốn đối ứng nhưng vẫn chưa được ngân hàng giải ngân đóng tàu lớn vươn khơi theo chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Lúng túng với hiện đại

Tàu vỏ thép QNa-91441 của ngư dân Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) là con tàu vật liệu mới đầu tiên ở huyện Núi Thành vươn khơi sản xuất trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ở chuyến biển đầu tiên, anh Nhân đặt rất nhiều kỳ vọng vào con tàu mới hiện đại được đóng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Vậy nhưng, những vấp váp đầu tiên đã xảy ra. Trước hết là vàn lưới hiện đại nên quá dài, khi thao tác quăng lưới, kéo lưới đã bị nước cuốn vào chân vịt, rách lưới. Theo anh Nhân, vàn lưới vây có chiều dài đến hàng ki lô mét trong khi trước đó anh chỉ quen sản xuất trên biển với vàn lưới ngắn chỉ bằng phân nửa. “Con tàu vỏ thép có công suất đến 1.000CV, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, đặc biệt là tời kéo lưới. Vậy nhưng, do không quen, thao tác thiếu linh hoạt nên vàn lưới dài gây vướng víu, khó xoay xở” - anh Nhân nói.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, điều rất đáng tiếc khi triển khai chủ trương hiện đại hóa nghề cá là các công trình, đề tài khoa học, công nghệ và bảo vệ nguồn lợi như ứng dụng đèn Led và năng lượng mặt trời trên tàu lưới vây; sử dụng chà rạn nhân tạo để bảo vệ nguồn lợi; áp dụng nghề mới lưới rê hỗn hợp cho tàu cá; ứng dụng máy dò ngang; sử dụng hầm bảo quản hải sản hiện đại bằng công nghệ phun P.U đều đã dừng lại ngay khi nghiệm thu. Nguyên nhân khách quan là không phù hợp với điều kiện sản xuất, phong tục, tập quán của ngư dân. Còn chủ quan là do ngư dân không mạnh dạn đổi mới, không năng động ứng dụng.

Chưa kịp thích ứng khi sản xuất với vàn lưới mới thì hầm bảo quản trên tàu của anh Nhân không đem lại hiệu quả. Cứ mỗi khi cho sản phẩm khai thác được vào hầm đông lạnh thì chỉ có hải sản ở khu vực 4 góc hầm là lạnh còn khu vực giữa hơi lạnh không thấm đến. “Tôi thấy có vấn đề với hệ thống làm lạnh hiện đại trên tàu cá. Thứ nhất là nó quá rộng, chiếm hết chiều ngang của thân tàu 7m nên hơi lạnh rất khó thẩm thấu vào giữa. Thứ hai có thể là do thao tác chưa quen thuộc, chúng tôi trút toàn bộ hải sản xuống hầm chứ không ngắt quãng để hơi lạnh phân tỏa đều. Cái chi mới cũng khó tiếp nhận, vậy nên phải cứ phải rút kinh nghiệm, từ từ khắc phục” - anh Nhân cho biết. Chuyện tương tự cũng đã xảy ra với tàu vỏ thép của ngư dân Phạm Việt - chủ tàu vỏ thép QNa-90172 có công suất 829CV hành nghề lưới vây. Anh Việt cho biết, phải mất mấy tháng trời mới dần làm quen với các công đoạn sử dụng các thiết bị hiện đại trên tàu. Do thời gian làm quen quá lâu, chi phí chuyến biển với tàu thép quá lớn nên các chuyến bám biển vừa qua không đem lại lợi nhuận cho chủ tàu.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, hiện đại hóa nghề cá theo điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản là yêu cầu bức thiết để ngư dân có thể nâng cao giá trị kinh tế ở mỗi chuyến biển, nhưng khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu là khó huy động vốn của ngư dân. Chẳng hạn như để giúp ngư dân tăng năng lực đánh bắt hải sản, huyện liên hệ với ngành khuyến ngư của tỉnh và Trung ương, giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư máy dò ngang có giá trị 300 triệu đồng, nhưng không thể nhân rộng trên địa bàn. “Chỉ có các tàu được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi mới trang bị được máy móc, thiết bị hiện đại. Mà với nguồn này, huyện chỉ được tỉnh phân bổ 50 chỉ tiêu, 2/3 số chỉ tiêu đó đã đi vào sản xuất rồi nên trong thời gian tới, sẽ có rất ít tàu cá của huyện được trang bị thiết bị này” - ông Nguyễn Đình Sơn nói.

Ở huyện Thăng Bình, khi triển khai chủ trương hiện đại hóa nghề cá cũng gặp nhiều trắc trở. Mục tiêu của địa phương là phát triển các đội tàu cá công suất lớn, hiện đại, có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá đi kèm cũng như thu hút cá nhân và các tổ chức đầu tư phát triển ngành dịch vụ phụ trợ phục vụ cho khai thác. Vậy nhưng, đến nay, định hướng liên kết 3 nhà (nhà nước - ngư dân - doanh nghiệp) đảm bảo tiêu thụ đầu ra hải sản ổn định vẫn chưa được thực hiện. Do vậy, mục đích tăng giá trị sản phẩm hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu từ biển chưa thành hiện thực.

NGUYỄN QUANG VIỆT
Bài 2: Thiếu bền vững

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (Bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO