Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (bài 2)

NGUYỄN QUANG VIỆT 05/12/2016 10:19

BÀI 2: THIẾU BỀN VỮNG

Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020 thì sản lượng nuôi thủy sản từ nước lợ, nước mặn với đối tượng chủ lực là tôm thẻ chân trắng đạt 16 nghìn tấn. Có quá nhiều cái khó để đạt được mục tiêu này.

  • Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (Bài 1)
Hạ tầng nghề nuôi thủy sản của tỉnh vẫn còn sơ sài. Ảnh: QUANG VIỆT
Hạ tầng nghề nuôi thủy sản của tỉnh vẫn còn sơ sài. Ảnh: QUANG VIỆT

Nháo nhác tôm giống

Giải pháp đầu tiên mà ngành thủy sản đặt ra cho mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 đạt 16 nghìn tấn thủy sản nuôi từ loại hình nước lợ, mặn với đối tượng chủ lực con tôm là chú trọng chất lượng con giống. Trong khi đó, hiện tại Quảng Nam vẫn chưa thể tạo giống tôm thẻ chân trắng. Muốn tạo được con giống tôm thẻ chân trắng, doanh nghiệp phải tìm mua tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ các quốc gia Mỹ La tinh về nuôi dưỡng, tạo sinh sản trong những điều kiện hết sức khắt khe. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục cơ sở kinh doanh tôm giống bố trí ở các địa phương ven biển như Tam Hải và Tam Hòa (Núi Thành), Điện Dương (thị xã Điện Bàn) nhưng chỉ có thể ương nuôi từ post nhỏ (cỡ 10 hay 12) sang post lớn (cỡ 14 hoặc 15), sau khi mua về từ Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận… rồi bán cho người nuôi. Đến các cơ sở này sẽ thấy tôm giống được ương nuôi trong những điều kiện chưa đảm bảo. Ánh sáng không đủ, độ mặn được dung hòa thiếu quy chuẩn, môi trường ẩm thấp... Với nguồn giống “chưa đảm bảo” đó, dễ gây nhiều rủi ro cho người nuôi.

Người dân không đồng thuận với dự án nuôi trồng thủy sản tập trung xã Tam Tiến chỉ vì triển khai sản xuất tại thôn Diêm Trà mà phải đầu tư hệ thống xử lý nước tại thôn Long Thạnh. Do thôn này ở sát biển nên phải lấy nước biển, xử lý và bố trí hệ thống nước tại chỗ rồi mới dùng đường ống dẫn qua sông Trường Giang đến thôn Diêm Trà. Người dân Long Thạnh cho rằng họ không được hưởng lợi mà phải chịu hệ lụy do nước biển thẩm lậu làm nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt của họ. Điều đáng nói là phạm vi triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước biển nằm sát bờ biển, xa khu dân cư, nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh, được UBND xã Tam Tiến quản lý và không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ven biển cũng như cuộc sống của người dân. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao không dùng biện pháp mạnh mà vẫn chỉ tiếp tục phương án cũ là vận động người dân đã thất bại nhiều lần trước đó thì lãnh đạo huyện Núi Thành cho rằng, cần phải mềm dẻo, không thể cứng rắn được.

Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, với 1.500ha ao nuôi tôm nước lợ thì nhu cầu con giống chất lượng rất lớn. Vậy nhưng, chỉ một số ít hộ nuôi có quy mô lớn là có thể đặt mua ở các công ty giống và tự vận chuyển về từ các tỉnh khác, còn lại là sử dụng con giống tràn lan trên thị trường. “Vấn đề chất lượng con giống tôm thẻ chân trắng đặt ra rất cấp thiết nhưng địa phương chỉ có thể vận động người nuôi thôi. Với chức trách của mình, chúng tôi không thể kiểm tra xem người nuôi có sử dụng con giống được kiểm định hay đảm bảo từ các công ty uy tín. Việc chứng thực con giống chất lượng thông qua kiểm dịch cũng nan giải vì giấy tờ đó có thể mua và đóng dấu dễ dàng” - ông Sơn nói. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT cũng cho rằng chất lượng con giống tôm thẻ chân trắng là vấn đề rất nan giải. “Qua các vụ nuôi thất bát, thua lỗ sẽ khiến người nuôi tự nhận ra cần phải điều chỉnh những gì. Chắc hẳn con giống là yếu tố đầu tiên họ nghĩ đến và sẽ không dùng con giống tràn lan mà thay vào đó là mua ở các công ty đã khẳng định thương hiệu như C.P, U.P. Vậy nhưng, đâu phải muốn mua là mua được, các công ty đó đòi hỏi người mua phải chứng thực nhiều yếu tố về xuất xứ, kinh nghiệm nuôi tôm và mua với số lượng lớn” - ông Vũ nói. Các công ty cung cấp giống tôm thẻ chân trắng chất lượng yêu cầu khắt khe từ người mua để bảo vệ thương hiệu. Đó cũng là nguyên nhân giải thích vì sao người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khó tiếp cận con giống tốt.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh cần đến khoảng 5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng để nuôi nhưng chưa được đáp ứng. Việc quản lý chất lượng con giống trên địa bàn rất khó khăn. Nguyên nhân là việc quản lý tôm bố mẹ từ các địa phương ngoại tỉnh còn lỏng lẻo; các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình không thực hiện khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, thiếu kiểm soát hoạt động mua bán tôm giống sẽ dẫn đến phát tán tôm giống kém chất lượng, lây lan dịch bệnh khiến nuôi tôm thất bát. Trong khi nguồn tôm giống chất lượng chưa đáp ứng trên địa bàn tỉnh thì khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản được đầu tư tại thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) mấy năm nay nhưng chưa thể thu hút được doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản. Mặc dù tỉnh đã vận động các cơ sở kinh doanh tôm giống ở các địa phương trên toàn tỉnh quy tụ về đó tập trung sản xuất nhưng không có cơ sở nào tham gia. Lý do là họ quen sản xuất nhỏ lẻ và khu vực này quá xa… Đây thật sự là cái khó trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản bền vững của Quảng Nam.

Khó nuôi tập trung

Những ngày này, các ngành, các cấp của huyện Núi Thành liên tục đến thôn Long Thạnh vận động người dân đồng thuận để các ngành chức năng của tỉnh triển khai dự án nuôi thủy sản tập trung xã Tam Tiến. Trước đó, nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các tổ chức mặt trận, đoàn thể thanh niên, phụ nữ đều đến thôn này để tiếp tục lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời thuyết phục họ đồng tình triển khai dự án. Vậy nhưng, dù rất cố gắng, công tác dân vận đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, người dân đã nhiều lần chống đối, không cho triển khai dự án. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư” là đến ngày 30.11 phải vận động xong người dân. Vậy nhưng rất khó giải quyết, còn nước thì còn tát vậy. Nếu dự án không được triển khai thì địa phương sẽ bỏ lỡ một thời cơ không thể tốt hơn để nuôi thủy sản tập trung, mở ra triển vọng rất lớn cho ngành kinh tế chủ lực”. Tại sao việc này lại quan trọng đến vậy? Bởi trên lý thuyết, dự án này sẽ khắc phục hầu hết điểm yếu tồn tại của nghề nuôi thủy sản Quảng Nam trong thời gian qua là hạ tầng quá sơ sài, không có kênh cấp, kênh thoát nước riêng biệt, không có điện, nước, giao thông; không có hệ thống xử lý nước thải; không có hệ thống ao chứa lắng. Và điều quan trọng nữa là khi điều kiện sản xuất thay đổi thì lề lối, nền nếp sản xuất cũng sẽ bài bản, khoa học hơn. Giải quyết được vấn đề này là điều kiện cần, cốt yếu để có thể nuôi thủy sản thành công.  

Do nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong khi tôm giống chất lượng kém đã khiến cho các cánh đồng tôm tại Quảng Nam đạt hiệu quả thấp. Với điều chỉnh quy hoạch thủy sản, yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cấp thiết phải nuôi thủy sản tập trung. Không tính dự án nuôi thủy sản đang bế tắc tại Tam Tiến thì đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa hề có mô hình nuôi thủy sản tập trung nào được triển khai. Hình thức nuôi tôm được chăng hay chớ, chạy theo lợi nhuận nhất thời đã và đang phá vỡ quy hoạch phát triển khu vực ven biển của tỉnh. Quyết định quy hoạch tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng hình thức lót bạt không được triển khai quy củ. Ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành, do nuôi tôm thiếu kiểm soát đã dẫn đến rất nhiều nguy hại, ô nhiễm môi trường tràn lan, nguồn nước sinh hoạt của người dân càng ngày thêm nhiễm mặn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, nếu huyện Núi Thành không giải quyết được các vấn đề tại thôn Long Thạnh thì tỉnh sẽ chuyển dự án đến nơi khác đầu tư. “Dự án này là tiền đề để tỉnh xin kinh phí phân bổ của Trung ương đầu tư tiếp các dự án nuôi thủy sản tập trung khác. Do vậy, dự án này phải được triển khai khẩn trương, hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, nếu dự án nuôi thủy sản tập trung bắt buộc phải dừng lại, không triển khai ở Tam Tiến thì rất đáng tiếc. Bởi, điều kiện nuôi thủy sản trong vùng dự án không thể tốt hơn. Một khi phải chuyển dự án đến nơi khác thì rất tốn kém thời gian và tiền bạc, bởi phải bắt đầu lại từ đầu. Theo đó, ngành thủy sản sẽ phải tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, lập dự án, hoàn thiện thiết kế, chờ Trung ương phê duyệt rồi mới bàn các phương án thi công. Do vậy, vẫn phải chờ các động thái tiếp theo của huyện Núi Thành và quyết định của UBND tỉnh.
-------------
Bài cuối: Tạo cú hích

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO