Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (bài cuối)

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/12/2016 09:20

BÀI CUỐI: TẠO CÚ HÍCH

Trước những khó khăn khi triển khai điều chỉnh quy hoạch ngành thủy sản cần những giải pháp đồng bộ ở riêng mỗi lĩnh vực nuôi trồng và khai thác để tạo cú hích phát triển bền vững.

  • Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (Bài 1)
  • Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (bài 2)
Cơ chế ưu đãi sẽ giúp Quảng Nam xây dựng được vùng nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh.Ảnh: QUANG VIỆT
Cơ chế ưu đãi sẽ giúp Quảng Nam xây dựng được vùng nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh.Ảnh: QUANG VIỆT

Cơ chế hỗ trợ

Giống thủy sản, đặc biệt với tôm giống là yếu tố đầu tiên quyết định thành bại của nghề nuôi thủy sản. Để giải quyết điểm yếu tồn tại nhiều năm qua tại Quảng Nam thì nhất thiết phải có cơ chế hỗ trợ thiết thực, kích thích phát triển, nhất là thu hút đầu tư, đưa khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản ở thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) đi vào hoạt động. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng cơ chế phải cụ thể, quy định rõ ràng, hỗ trợ thiết thực các tổ chức sản xuất có thể là doanh nghiệp hoặc cá nhân. Để thụ hưởng điều đó, đối tượng sản xuất phải nâng cao ý thức, đầu tư bài bản, có vậy thì định hướng phát triển bền vững mới có thể trở thành hiện thực. Ngành thủy sản đang tham mưu UBND tỉnh các mức hỗ trợ cụ thể. Theo đó, trong tạo giống hoặc ương nuôi giống tôm thẻ chân trắng, nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể cung ứng ra thị trường tối thiểu 200 triệu con giống/năm thì sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng/dự án. Đối với ương nuôi hoặc tạo giống tôm sú với quy mô 50 triệu con/năm thì sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/dự án. Điều kiện hỗ trợ là xây dựng dự án tại khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam. Nếu đầu tư ở vùng khác thì phải có sự cho phép của UBND tỉnh.

Để khắc phục điều kiện sản xuất sơ sài, các cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy sản đang được ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành. Bà Tâm cho rằng, để tạo thuận lợi cho nuôi thủy sản thì phải kiện toàn lại hệ thống giao thông. Nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân tự bỏ vốn đầu tư công trình đường sá thì sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí của dự án ở mức tối đa là không quá 200 triệu đồng. Về điện, tổ chức sản xuất nuôi thủy sản được ưu tiên lồng ghép các dự án đường điện 3 pha vào khu sản xuất. Mức hỗ trợ cũng tương tự là 50% kinh phí của dự án ở mức tối đa là không quá 120 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề người nuôi thủy sản chỉ quen dùng nước được lấy trực tiếp từ sông vào ao nuôi, ngành thủy sản tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư công trình xử lý nước sạch với mức hỗ trợ 50% dự án đầu tư không quá 30 triệu đồng. Đối với xử lý nước thải, đối tượng sản xuất sẽ được hỗ trợ tối đa là 150 triệu đồng khi đầu tư dự án.

Khẩn trương giải quyết hồ sơ vay vốn

Ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank Quảng Nam cho biết, hiện tại có 5 hồ sơ vay vốn ưu đãi của ngư dân đang chờ ngân hàng ký kết hợp đồng, giải ngân đóng tàu. Trong số đó, 3 hồ sơ của ngư dân huyện Núi Thành đã hoàn chỉnh xét duyệt và ký kết hợp đồng cuối tháng 11.2016, 2 hồ sơ vay vốn của ngư dân Duy Xuyên vẫn phải tiếp tục thẩm định. Agribank Quảng Nam yêu cầu Agribank chi nhánh Duy Xuyên khẩn trương hoàn tất thủ tục để có thể ký kết hợp đồng, giải ngân vốn đóng tàu. Quan điểm của Agribank Quảng Nam là tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân vay vốn đóng tàu hoạt động trên các vùng biển xa.

Nội dung quan trọng trong định hướng phát triển nuôi thủy sản của tỉnh là tích tụ, tập trung ao hồ nuôi quy mô lớn, theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/ha ở mức không quá 200 triệu đồng/trang trại khi tổ chức sản xuất là cá nhân hoặc doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi thủy sản với hạn điền từ 2,1ha trở lên và có giá trị sản phẩm từ 700 triệu đồng trở lên. Với loại hình sản xuất mới mẻ này, chủ trang trại nuôi thủy sản cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi về kinh phí phòng các loại bệnh có nguy cơ phát dịch cao cũng như hỗ trợ kinh phí làm hồ sơ công nhận loại hình trang trại nuôi thủy sản.

Người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đối tượng sản xuất có tâm huyết, có thể đầu tư quy mô lớn đang trông đợi một chính sách hỗ trợ cụ thể của UBND tỉnh đối với sản xuất sạch. Ông Ngô Tấn cho rằng, điều này là cấp thiết, sản xuất sạch có thể được triển khai theo mô hình VietGAP hoặc nuôi an toàn dịch bệnh. Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận tiện cho người nuôi. Theo đó, có thể hỗ trợ đến 500 triệu đồng khi đầu tư xây dựng dự án nuôi tôm sạch gồm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Khi tổ chức thực hiện chứng nhận sản phẩm thủy sản nuôi được sản xuất theo quy trình VietGAP, người nuôi nhận mức hỗ trợ 30 triệu đồng/dự án. Còn khi lấy mẫu giám sát dịch bệnh và cấp giấy chứng nhận vùng nuôi an toàn dịch bệnh, người nuôi thủy sản nhận mức hỗ trợ 30 triệu đồng/dự án.

Thúc đẩy vươn khơi

Theo quy hoạch phát triển thủy sản, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng số lượng tàu cá sản xuất xa bờ lên 750 chiếc, tăng 150 chiếc so với hiện tại. Giải pháp mà UBND tỉnh đặt ra là tận dụng mọi cơ chế hỗ trợ của tỉnh, nhất là trung ương, giúp ngư dân tiếp cận, đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu có công suất lớn vươn khơi hoạt động ở các vùng biển xa. Triển khai Nghị đinh 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến thời điểm này, Quảng Nam đã đóng mới được 56 tàu công suất lớn và còn 36 chỉ tiêu để triển khai trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề nghị 6 địa phương có hoạt động nghề cá là Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành phải chủ động tổ chức các buổi gặp gỡ giữa ngư dân trên địa bàn với các chi nhánh ngân hàng thương mại có sự hiện diện của Sở NN&PTNT để đối thoại, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương ký kết hợp đồng vay vốn đóng mới tàu công suất lớn. Qua trao đổi trực tiếp, nếu hồ sơ vay vốn nào của ngư dân không đáp ứng được yêu cầu thì địa phương cần phải loại ra khỏi danh sách đủ điều kiện vay vốn, thay vào đó các hồ sơ khác.

Đến thời điểm này, huyện Núi Thành đã có 42 hồ sơ của ngư dân được ngân hàng thương mại thương thảo, ký kết hợp đồng vay vốn và giải ngân đóng tàu lớn theo Nghị định 89. Đó là tín hiệu khả quan để Núi Thành tiếp tục tăng thêm đội tàu lớn vươn khơi xa. Hiện tại, huyện vẫn còn 8 hồ sơ vay vốn của ngư dân chưa được ký kết hợp đồng. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, thời gian đến, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với ngư dân và các xã ven biển thường xuyên phối hợp làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, tiếp sức ngư dân triển khai xong 8 chỉ tiêu đóng tàu còn lại. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, được tỉnh phân cấp 50 tàu công suất lớn trong tổng số 92 chỉ tiêu do trung ương phân bổ cho Quảng Nam là vẫn còn ít. Bởi, con số này chỉ chiếm tỷ lệ chừng 50% trong khi đó sản lượng khai thác hải sản của huyện luôn đạt gần 50 nghìn tấn, chiếm hơn 60% sản lượng chung trong toàn tỉnh. “Trong khi một số địa phương như Hội An, Điện Bàn xin trả chỉ tiêu phân cấp đóng tàu lớn thì tỉnh nên cân nhắc bố trí các chỉ tiêu đó cho Núi Thành. Huyện triển khai tốt chính sách này thì sẽ làm tăng số lượng tàu hoạt động xa bờ, tăng sản lượng khai thác hải sản chung cho tỉnh và thực hiện tốt chủ trương hiện đại hóa nghề khai thác hải sản, làm giàu từ biển” - ông Thịnh nói.

Ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, huyện tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp ngư dân tiếp xúc với ngân hàng thương mại để vay vốn đóng tàu. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều cái khó, nhất là đến thời điểm này không có quy chuẩn chung nào để xét duyệt tính khả thi trong hồ sơ vay vốn của ngư dân. Khi nhận hồ sơ, ngân hàng thương mại có thể bác bỏ hồ sơ của ngư dân nếu họ thấy không “cảm tình”. Các ngân hàng thương mại có quyền tự quyết quá lớn nên dù rất muốn can thiệp, địa phương cũng lực bất tòng tâm. Ông Bảo đề xuất UBND tỉnh có cách can thiệp, giúp những hồ sơ vay vốn của các ngư dân đều bình đẳng như nhau. Có công bằng thì việc đóng tàu lớn vươn khơi mới được thuận tiện.  

Song song với chủ trương tăng cường tàu lớn hoạt động xa bờ, nhiều ý kiến đề xuất cần hạn chế dần số tàu thuyền công suất nhỏ. Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết địa phương đang triển khai giải pháp là tuyệt đối không cấp giấy phép cho tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90CV được ngư dân mua về từ các tỉnh, thành khác. Ngành thủy sản của địa phương đã tham mưu UBND huyện và đang chờ kết quả để trích ngân sách hợp lý hỗ trợ ngư dân cải tạo, nâng cấp tàu công suất nhỏ thành tàu có công suất 90CV trở lên hoạt động xa bờ. Mới đây, Sở NN&PTNT cũng đã ban hành quyết định không cấp phép cho mọi phương tiện được mua về hay đóng mới có công suất nhỏ hơn 90CV.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai quy hoạch phát triển thủy sản: Nhiều cái khó (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO