Triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh: Đào tạo quá thấp so với nhu cầu

HOÀNG LINH 13/07/2017 08:43

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.121 người theo cơ chế của Nghị quyết 12 HĐND tỉnh. So với nhu cầu khảo sát từ khi triển khai cơ chế là 12 nghìn người thì con số đạt được quá thấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.121 người theo cơ chế của Nghị quyết 12 HĐND tỉnh. So với nhu cầu khảo sát từ khi triển khai cơ chế là 12 nghìn người thì con số đạt được quá thấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.121 người theo cơ chế của Nghị quyết 12 HĐND tỉnh. So với nhu cầu khảo sát từ khi triển khai cơ chế là 12 nghìn người thì con số đạt được quá thấp.

Quá ít người học

Từ khi triển khai cơ chế đào tạo nghề may công nghiệp để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến nay đã hơn 6 tháng. Theo đó, có tổng cộng 1.121 người được hỗ trợ đào tạo theo cơ chế, trong đó 550 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ sở đào tạo nghề đã hoàn thành đào tạo 663 lao động (trong đó 371 người là dân tộc thiểu số); bàn giao 537 lao động cho 12 doanh nghiệp (trong đó có 348 người là dân tộc thiểu số). Các doanh nghiệp đã cùng vào cuộc hỗ trợ, tiếp nhận lao động sau đào tạo có thể kể đến như Công ty CP thời trang Nguồn lực tiếp nhận 78 lao động; Công ty Vast apprel Việt Nam: 46 lao động; Công ty TNHH MTV Germton: 93 lao động; Công ty Maxplaning Vina (TP. Đà Nẵng): 37 lao động; Công ty TNHH MTV Moonchang Vina: 75 lao động. Sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở đào tạo cùng doanh nghiệp đã đưa phong trào học nghề đến tận thôn, bản xa xôi nhất của tỉnh. Có thể nhìn thấy điểm cốt yếu là lao động được đào tạo nghề may và đi làm phần lớn nằm ở địa bàn các huyện miền núi của tỉnh như Nam Giang, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang... Như nhận định của các doanh nghiệp và địa phương, điều này cho thấy một thực tế là lao động ở trong độ tuổi cần (từ 18 đến 35 tuổi) chủ yếu còn lại ở khu vực miền núi, còn ở đồng bằng dường như đã bão hòa, nên rất khó tuyển sinh.

Đến nay, toàn tỉnh còn 4 địa phương chưa triển khai đào tạo nghề theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh, đó là TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, huyện Nông Sơn và thị xã Điện Bàn. Theo như lãnh đạo phòng LĐ-TB&XH ở các địa phương này, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách học nghề đã được đưa đến tận các thôn, khối phố, nhưng vẫn không có người đăng ký học nghề. Qua thực tế triển khai, nhiều người không mặn mà chuyện học nghề vì cho rằng điều kiện ràng buộc phải đi làm sau khi kết thúc khóa học không phù hợp với bản thân. Có nơi đăng ký đi học được chưa đến 20 người, hoặc chỉ có vài người đăng ký thì không đủ điều kiện để mở lớp, nên phải chờ khóa sau.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Trong năm đầu tiên thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, điều chắc chắn là không thể đào tạo đủ so với nhu cầu của các doanh nghiệp, dự án trọng điểm. Toàn tỉnh cần 12 nghìn lao động, nhưng chỉ đào tạo đến nay được hơn 1 nghìn lao động là quá thấp. Đến nay, chính sách đã đến được với nhân dân, nhưng quan trọng họ có đăng ký để đi học và đi làm hay không. Những khó khăn đã phát sinh ở cơ sở trong quá trình đào tạo thực tế, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp nhận các kiến nghị để đề xuất tỉnh mở hướng giải quyết trong thời gian tới”.

Hiện nay, việc đào tạo nghề gặp một số khó khăn, kể cả từ phía người lao động, đơn vị đào tạo, cơ chế chính sách, doanh nghiệp... Cụ thể, nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền chính sách, chế độ, chưa tuyên truyền được việc học xong người lao động sẽ làm ở đâu, thu nhập như thế nào, điều kiện làm việc ra sao. Một số cơ sở đào tạo nghề được phân công đứng điểm chưa phát huy hết vai trò trong việc phối hợp với địa phương về công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết nối địa phương và người lao động với doanh nghiệp. Có 2 cơ sở đào tạo được phân công đứng điểm đến nay chưa tổ chức được lớp đào tạo nào là Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam và Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh. Việc gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm ở một số địa phương, cơ sở đào tạo chưa hiệu quả. Có địa phương, cơ sở đào tạo chưa làm tốt công tác tư vấn trước khi đào tạo, chưa xây dựng được mối quan hệ tốt với doanh nghiệp, dẫn đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo một số nơi gặp khó khăn. Người học nghề là đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên vẫn còn tâm lý ngại đi làm ăn xa, không đáp ứng yêu cầu giờ giấc của doanh nghiệp...

Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh tháo gỡ một số khó khăn. Chẳng hạn như cơ chế nên bổ sung chính sách hỗ trợ tiền giữ trẻ cho người lao động có con nhỏ tham gia làm việc tại doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền tư vấn giải quyết việc làm cho người đã có nghề hoặc doanh nghiệp đảm bảo tuyển người không có nghề vừa làm việc có thu nhập vừa tổ chức đào tạo. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề cần được hạ thấp hơn để cơ sở đào tạo có thể dễ thanh quyết toán chi phí đào tạo. Vì hiện nay, cơ sở đào tạo khó thanh quyết toán chi phí đào tạo khi tỷ lệ không đạt, khiến cơ sở đào tạo gặp khó khăn về kinh phí. Cơ chế cũng cần mở rộng các đối tượng được hỗ trợ là những người đã làm việc tại doanh nghiệp nhưng chỉ làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp. Cơ chế cần điều chỉnh chủ thể chi trả tiền hỗ trợ lưu trú cho người dân tộc thiểu số trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp (từ doanh nghiệp chi trả sang phòng LĐ-TB&XH chi trả); không bắt buộc người lao động chỉ được hỗ trợ tiền lưu trú khi làm việc ở một  doanh nghiệp trong suốt 24 tháng. Và điều quan trọng mà cơ sở đào tạo kiến nghị là điều chỉnh điều kiện thanh lý hợp đồng, sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng đào tạo sau khi doanh nghiệp chi trả tháng lương đầu tiên cho người lao động (thay cho điều kiện hiện nay là sau khi doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động).

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh: Đào tạo quá thấp so với nhu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO