(QNO) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 21 yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cần rà soát, thống kê toàn bộ đàn heo trên địa bàn, lập danh sách những cơ sở chăn nuôi tái đàn trái quy định; kiên quyết không hỗ trợ đối với những cơ sở chăn nuôi không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, khai báo trước khi tái đàn heo.
Đối với bệnh lở mồm long móng gia súc, rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc diện tiêm phòng; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không đúng quy định. Các địa phương đang có dịch cần quản lý chặt chẽ ổ dịch.
Đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi bị bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua, bán, giết mổ trâu, bò trái quy định...
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát từ ngày 10.7.2020 đến nay, xảy ra tại 43 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố (Quế Sơn, Phước Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành, Hiệp Đức, Điện Bàn, Bắc Trà My, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Giang), tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 1.341 con, trọng lượng tiêu hủy 87.267kg; đến nay toàn tỉnh còn 32 xã/10 huyện, thị xã, thành phố có bệnh chưa qua 21 ngày.
Bệnh lở mồm long móng gia súc đang xảy ra tại 10 xã của 4 huyện (Nông Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Đông Giang), tổng số gia súc đang còn theo dõi bệnh là 123 con trâu, bò.
Từ đầu tháng 10.2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã xảy ra tại 87 xã thuộc 35 huyện của 12 tỉnh với tổng số gia súc mắc bệnh là 1.151 con, số gia súc tiêu hủy bắt buộc theo quy định là 174 con. Đến nay Quảng Nam chưa xuất hiện bệnh này.