(QNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn 5023/UBND-KTN yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dại.
Theo báo cáo, trong tháng 3.2020, trên địa bàn tỉnh có 2 người tử vong do bệnh dại. Ngoài ra, thống kê tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong 7 tháng đầu năm 2020 cho thấy, toàn tỉnh có 764 trường hợp chó có biểu hiện bệnh cắn người, lên cơn dại cắn người, chạy mất tích sau khi cắn người; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi đến tháng 7.2020 đạt rất thấp.
Do đó, để tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ kế hoạch Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm giảm thiểu số người bị tử vong vì bệnh dại, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh dại tại địa phương để thực hiện trong năm 2020 và năm 2021.
Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát số lượng chó, mèo nuôi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tổ chức tiêm phòng bổ sung, đảm bảo tỷ lệ đạt 70% tổng đàn chó của thôn, bản, khu, khối phố trở lên. Yêu cầu hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, tiêm vắc xin dại cho vật nuôi, chấp hành xích, nhốt chó và đeo rọ mõm khi dắt chó ra đường, nơi công cộng. Thực hiện nghiêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP đối với những trường hợp không chấp hành.
Cơ quan truyền thông phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn địa phương triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về các biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng.
Chủ nuôi chó, mèo (chủ vật nuôi) chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Sở NN&PTNT, Sở Y tế các sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện kế hoạch Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trong 2 năm cuối của giai đoạn, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại, xây dựng phương án ứng phó hiệu quả, kịp thời nhằm hạn chế phát sinh người tử vong vì bệnh dại.