Triển khai Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS

AN THƯ 17/11/2021 07:21

Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 (từ 10.11 - 10.12) với chủ đề “Tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19” đang được các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai với nhiều hoạt động trọng tâm.

ạo điều kiện điều trị HIV/AIDS bằng thuốc thay thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được Ban chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu. Ảnh: A.M
Tạo điều kiện điều trị HIV/AIDS bằng thuốc thay thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được Ban chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu. Ảnh: A.M

Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm Quảng Nam vừa xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các sở, ngành, địa phương tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Trong đó, yêu cầu các địa phương tuyên truyền tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo nhận định từ Ban chỉ đạo, năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp và có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, bao gồm cả chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Qua khảo sát, trong 9 tháng đầu năm 2021 người nhiễm HIV/AIDS có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ 2020 tại nhiều địa phương. Đường lây truyền cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục đang được các địa phương triển khai, nhất là điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

“Chúng tôi yêu cầu các địa phương đưa ra giải pháp vượt qua thách thức trong dịch Covid-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục. Trong đó chú trọng mô hình hay, các sáng kiến của hệ thống cung cấp dịch vụ, vai trò cộng đồng cũng như sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh dịch bệnh, kể cả các hướng dẫn và cách thức triển khai để khách hàng có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục.

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch và mô hình cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo diễn biến dịch Covid-19 để đảm bảo người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS” - ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Tại Quảng Nam, từ năm 2014 đến nay có 1.076 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện bằng Methadone, trong đó hiện có 513 trường hợp đang điều trị (có 87 người được hỗ trợ hoàn toàn chi phí điều trị).

Từ ngày 11.10.2021, nghị quyết của HĐND tỉnh (khóa X) về Quy định mức thu dịch vụ và chính sách hỗ trợ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (thuốc Methadone) trên địa bàn Quảng Nam chính thức có hiệu lực. Mỗi năm sẽ có gần 2,8 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước dành cho việc hỗ trợ điều trị nghiện bằng Methadone.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS được đưa ra.

Nội dung bao gồm các phần việc như mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, điểm cấp phát thuốc Methadone, cấp thuốc ARV nhiều ngày cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương vận động doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho người lao động, đảm bảo cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế một cách liên tục, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO