(QNO) - Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã áp dụng thành công kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa (rotablator) cho một bệnh nhân lớn tuổi bị tổn thương hẹp 3 thân động mạch vành kèm vôi hóa nặng với sự hỗ trợ của TS. Ngô Minh Hùng - Phó khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Quảng Nam.
Bệnh nhân Phan Thị H. - 80 tuổi, trú xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc có tiền sử điều trị tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Trước đó bệnh nhân đã được phát hiện bị tổn thương hẹp khít động mạch vành do mảng xơ vữa kèm vôi hóa nặng ở động mạch liên thất trước, tuy nhiên nhiều bệnh viện đã từ chối can thiệp. Gần đây bệnh nhân thường lên cơn đau ngực dù đã điều trị nội khoa tối ưu.
Bác sĩ Nguyễn Lương Quang cho biết, kỹ thuật can thiệp động mạch vành là dùng một bóng nong chạy trên một dây dẫn siêu nhỏ đến vị trí hẹp, khi bóng được nong lên sẽ làm rộng lòng động mạch, nhưng sau nhiều nghiên cứu theo dõi, tỷ lệ tái hẹp sau nong bóng rất cao (khoảng 60% trong năm đầu) do đó cần một giá đỡ (stent) để nâng đỡ lòng mạch, chống tái hẹp.
Những trường hợp hẹp khít động mạch vành với tổn thương xơ vữa canxi hóa cao, các biện pháp can thiệp thông thường như dùng bóng nong hay đặt stent sẽ không hiệu quả hoặc thất bại, do vậy những bệnh nhân này thường chỉ định mổ bắc cầu nối mạch chủ vành.
“Việc áp dụng kỹ thuật rotablator được coi là phương pháp tối ưu, giúp bác sĩ có thể dễ dàng xử trí các mảng xơ vữa vôi hóa, sau đó tiếp tục tiến hành biện pháp can thiệp thông thường. Điều này giúp bệnh nhân tránh được một cuộc phẫu thuật lớn mang nhiều nguy cơ biến chứng xảy ra, nhất là đối với những bệnh nhân cao tuổi. Rotablator là kỹ thuật mới, hiện đại. Sau khi khoan cắt mảng xơ vữa vôi hóa sẽ để lại bề mặt trơn, nhẵn cho lòng động mạch vành, giúp bác sĩ có thể tiếp tục xử trí hẹp khít dễ dàng” – bác sĩ Quang nói.
Việc áp dụng kỹ thuật này trong lĩnh vực tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam mở ra thêm nhiều cơ hội can thiệp thành công cho bệnh nhân bị tắc động mạch vành nặng do các tổn thương vôi hóa mà kỹ thuật can thiệp thông thường không thể thực hiện được. Từ đó giúp người bệnh được điều trị kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, giảm gánh nặng phải chuyến lên tuyến trên.