Triển khai xây dựng cảng cá Tam Quang: Hạn chế tác hại môi trường, xã hội

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/11/2016 08:43

Chủ trì buổi làm việc của UBND tỉnh với các sở, ban, ngành, huyện Núi Thành vào hôm qua (9.11), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các bên phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai khẩn trương và hiệu quả dự án cảng cá Tam Quang (Núi Thành).

  • Xây dựng Cảng cá Tam Quang theo hình thức PPP
  • Ra quân giải phóng mặt bằng xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang
  • Thúc đẩy tiến độ dự án cảng cá và khu hậu cần nghề cá
  • Thỏa thuận địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang
  • Đầu tư khu hậu cần Tam Quang: Góp phần hiện đại hóa nghề cá
Phối cảnh dự án cảng cá Tam Quang.
Phối cảnh dự án cảng cá Tam Quang.

Quy mô lớn

Dự án cảng cá Tam Quang có quy mô cấp 1, công suất 16 nghìn tấn/năm, diện tích 5,54ha được đầu tư xây dựng nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của nghề khai thác hải sản Quảng Nam. Đây sẽ là đầu mối tập trung và phân phối hàng hải sản trên địa bàn tỉnh cũng như đến khu vực duyên hải miền Trung. Dự án sẽ hình thành khu hậu cần nghề cá có đầy đủ các loại hình dịch vụ như xăng dầu, ngư lưới cụ và các mặt hàng thiết yếu khác. Các loại hình cứu hộ, cứu nạn cũng như khu neo đậu tránh trú bão An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang, Tam Giang, Núi Thành) cho tàu cá sẽ được kết nối, tạo thuận lợi đặc biệt cho sản xuất nghề cá. Theo quy hoạch, dự án bao gồm bến cầu tàu, đảm bảo cập cảng an toàn, thuận tiện cho tàu cá có công suất 90 - 1.000CV. Cảng cá có hệ thống giao thông, sân bãi, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải và các công trình kiến trúc, phụ trợ quy mô lớn như chợ đầu mối hải sản, hơn 20 ki ốt bán hàng, kho sơ chế, cấp đông, khu sản xuất nước đá, nhà xe, bồn xăng, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc tập kết và phân phối hàng hải sản sẽ được thực hiện theo quy trình khép kín. Theo đó, khi tàu cá cập cảng, hải sản sẽ được bảo quản sơ bộ tại các khoang lạnh ở trạm thu gom. Sau khi được rửa bằng nước sạch và loại bỏ các sản phẩm tạp, hải sản sẽ được phân loại, làm sạch nội tạng, đưa vào khay và cho vào hầm cấp đông. Sau khi bảo quản, sản phẩm có thể được chế biến tại chỗ hoặc vận chuyển đi nơi khác tùy theo yêu cầu công việc.    

Dự án cảng cá Tam Quang có vị trí rất thuận tiện cho hoạt động nghề cá của tỉnh. Địa điểm thuộc thôn An Hải Đông (xã Tam Quang), sẽ được đầu tư theo hình thức công - tư. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu như các công trình thủy công (cầu cảng, kè bảo vệ bờ, nạo vét luồng, hệ thống báo hiệu và thông tin liên lạc), các yếu tố hạ tầng (san lấp mặt đường, giao thông) và khu điều hành, quản lý. Đối với các hạng mục có yếu tố kinh doanh như đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất kinh doanh, hệ thống cấp nước và trạm xử lý nước thải, chợ cá, khu đông lạnh… thì kêu gọi đầu tư có thu phí bằng nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Theo ông Tôn Thất Tính (Công ty TNHH Tư vấn xây dựng miền Trung), khi triển khai, dự án phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cấp quốc gia. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các yếu tố báo hiệu đường thủy nội địa, báo hiệu đường bộ, công trình ngầm, công trình bến cảng sông, bến cảng biển, kết cấu bê tông cốt thép thủy công…

Đảm bảo môi trường

Tạo mặt bằng sạch cho dự án
Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư cho dự án cảng cá Tam Quang đang được triển khai tương đối tốt. Đến nay, trong số 32 hộ dân đầu tư ki ốt kinh doanh tại vùng giải phóng mặt bằng, đã có 28 hộ tháo dỡ. Trong số 4 hộ còn lại, 2 hộ có cơ sở thu mua hải  sản quy mô lớn và 2 hộ dân có hoàn cảnh rất khó khăn, đã đồng thuận và sẽ được di dời trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, tại khu vực xây dựng cầu cảng, vẫn còn 10 hộ dân chưa di chuyển ra ngoài vùng dự án, ông Mau đề xuất UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai khẩn trương hoàn thiện khu tái định cư tại thôn Xuân Trung để các hộ dân khẩn trương chuyển đến sinh sống.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tập trung vào nội dung đảm bảo yếu tố môi trường khi triển khai dự án cũng như khi dự án đi vào hoạt động. Theo đó, trong quá trình xây dựng sẽ gây nên khối lượng bụi rất lớn; tiếng ồn sẽ có mức độ không nhỏ; chất lượng nguồn nước ở sông sẽ giảm, độ đục sẽ cao hơn, có thể gây cản trở giao thông đường thủy. Trong quá trình nạo vét luồng lạch, khoan địa chất, xây dựng cầu cảng sẽ khiến cho các hệ sinh vật ở khu vực ven sông, ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mất cân bằng sinh thái. Theo ông Nguyễn Ngọc Tân - Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT), trong quá trình triển khai sẽ xây dựng trình tự thi công các công trình hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, không thi công ào ạt. Khi thi công nạo vét luồng lạch sẽ thông báo cho người dân nuôi trồng thủy sản trước 4 tháng để chủ động ứng phó. Khi đóng cọc, bê tông sẽ được tiến hành vào ban ngày, không gây ồn ào ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ông Tân cũng cho rằng, khi cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động thì số lượng tàu thuyền cập cảng sẽ rất nhiều, nguy cơ gây ô nhiễm. Vậy nên, ngoài việc bố trí các phao tiêu dẫn luồng, bảng báo hiệu, cột báo hiệu khu vực nước neo đậu cho từng loại tàu thuyền thì phải trồng đa dạng các loại cây xanh, trên bờ và ven bờ, vừa giảm tác hại của gió bão vừa lọc ô nhiễm không khí. Ngoài ra, khi neo đậu, tất cả loại tàu thuyền phải có biện pháp bảo vệ không để xảy ra cháy nổ, tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thực tế hoạt động tại các cảng cá trên địa bàn cả nước cho thấy, hàng ngày phát sinh một khối lượng lớn chất thải và nước thải từ các hoạt động bốc dỡ, sơ chế hải sản, vệ sinh tàu, bảo dưỡng tàu thuyền, sinh hoạt của ngư dân. Nước thải tràn ra ngoài, chảy trực tiếp xuống biển, sông, thường xuyên bốc mùi hôi, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng đến chất lượng hải sản đánh bắt. Ngoài ra còn khối lượng rác thải phát sinh từ các hoạt động dịch vụ hậu cần và sinh hoạt của người dân. Vậy nên triển khai dự án cảng cá Tam quang phải đầu tư bài bản, xử lý căn cơ nước thải và rác thải, không để tác hại xấu đến xung quanh. Muốn vậy, hệ thống xử lý nước thải phải được đầu tư tập trung, hệ thống ống dẫn nước phải được bố trí khoa học, tập kết đồng thời về khu xử lý nước thải.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, dự án cảng cá Tam Quang có ý nghĩa vô cùng to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ven biển của tỉnh cũng như hiện thực hóa chủ trương hiện đại hóa nghề cá. “Đối với dự án cảng cá Tam Quang, điều cấp thiết đòi hỏi phải xem xét từ ban đầu là vấn đề làm sao để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là yếu tố đặc thù, khác biệt với các công trình xây dựng khác. Chất thải rắn, chất thải lỏng, mọi yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động tập trung, phân phối hải sản phải được xem xét kỹ lưỡng, thiết kế và điều chỉnh sao cho quy tụ lại 1 điểm và xử lý chất thải căn cơ bằng công nghệ tiên tiến phù hợp nhất có thể. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và huyện Núi Thành phối hợp chặt chẽ để triển khai dự án khẩn trương và hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai xây dựng cảng cá Tam Quang: Hạn chế tác hại môi trường, xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO