Triển lãm hàng không Singapore Airshow 2014 đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm Changi với những màn bay trình diễn ngoạn mục, ấn tượng trên bầu trời Singapore thu hút sự quan tâm rất đặc biệt của công chúng cũng như các chuyên gia trong ngành.
Singapore Airshow tổ chức 2 năm một lần kể từ năm 2008 được xem là sự kiện hàng không lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trở thành một trong những triển lãm hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới. Triển lãm năm nay diễn từ ngày 11 - 16.2 thu hút sự tham dự của khoảng 1.000 công ty của ngành hàng không từ gần 50 quốc gia. Ban tổ chức đã dành ra gian phòng rộng 40.000m2 trong nhà và hơn 100.000m2 ngoài trời để các đơn vị trưng bày sản phẩm. Một trong những màn trình diễn nổi bật được chờ đợi tại Singapore Airshow 2014 là sự tham gia lần đầu tiên của phi đội bay 8 chiếc “Đại bàng đen” (Black Eagle) của Hàn Quốc, sẽ trình diễn 4 lần để khoe năng lực của chiếc máy bay thuộc dòng T-50. Đây là loại phi cơ do Tập đoàn công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc cùng tập đoàn quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo.
Đông đảo khách tham quan khu triển lãm hàng không đang diễn ra tại Singapore. Ảnh: is.asia-city.com |
Đặc biệt không kém tại Singapore Airshow 2014 là sự góp mặt của hai loại máy bay dân dụng tiên tiến nhất thế giới hiện nay, Boeing Dreamliner 787 và đối thủ cạnh tranh cung cấp thị trường máy bay dân dụng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Airbus A350 XWB. Đáng chú ý là thế hệ máy bay thương mại A350 hoàn toàn mới với hơn một nửa phần khung bên trong máy bay phản lực được thiết kế từ sợi carbon nhằm làm giảm tối đa trọng lượng cũng như tăng cường khả năng tiết kiệm nhiên liệu, có thể mang theo 200 - 400 hành khách với giá khởi điểm từ 254 triệu USD. Ngoài ra, các nhà tổ chức hy vọng những hợp đồng trị giá tổng cộng gần 25 tỷ USD sẽ được ký trong dịp triển lãm này.
Nhân sự kiện nổi bật này của ngành hàng không tại khu vực, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing cho biết, nhu cầu về máy bay dân dụng của khu vực sẽ trở nên rất lớn. Dự tính trong vòng 20 năm tới, sự ra đời của nhiều hãng hàng không giá rẻ cũng như sức năng động trong nhu cầu đi lại ở châu Á sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về máy bay loại nhỏ. Các máy bay nhỏ thế hệ mới như Boeing 737 và 737 Max sẽ chiếm 69% lượng máy bay mới trong vùng. Năm ngoái, ngưỡng 3 tỷ người đi lại trên thế giới bằng đường hàng không đã bị vượt qua. Các chuyên gia của Boeing dự báo con số này sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2032. Khi đó dự kiến sẽ có 14.750 máy bay hành khách và vận tải hoạt động trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, khiến khu vực này chiếm gần một nửa tăng trưởng giao thông hàng không thế giới.
Trước đó, vào ngày 10.2 cũng tại Singapore, Hội nghị thượng đỉnh hàng không Singapore được tổ chức đã thảo luận các biện pháp để ngành hàng không thúc đẩy kết nối toàn cầu và đạt mục tiêu mỗi năm giảm 1,5% lượng khí thải CO2 (gây hiệu ứng nhà kính) cho đến năm 2020 và đến năm 2050 giảm 50% lượng khí thải so với năm 2005. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đánh giá vào năm 2050, ngành hàng không sẽ thải ra 4% tổng lượng khí thải CO2 mà con người thải ra và làm tăng 13% lượng khí ôzôn tập trung trên những độ cao lớn bởi những máy bay phản lực lớn. Ngoài ra, các kiểu phát xạ cũng góp phần làm bề mặt trái đất ấm dần lên.
NAM VIỆT