(QNO) - Sáng 21.6, tại Bảo tàng Đà Nẵng, đã khai mạc và trưng bày triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.
Khai mạc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”. |
Lần đầu tiên, triển lãm đã cung cấp cho người xem nhiều tư liệu mới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước, nhất là những bản đồ của các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cuộc triển lãm rất có ý nghĩa khi lần đầu tiên những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ trước. Đặc biệt, thời điểm diễn ra triển lãm cũng trùng với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã bước sang ngày thứ 52 nên ý nghĩa còn sâu sắc.
Trước đó, ngày 20.6, tại Đà Nẵng cũng đã diễn ra Hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”, thu hút 120 đại biểu và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế như Mỹ, Úc, Đức, Nga, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippin… tham dự. Hơn 20 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo cùng hàng chục ý kiến trao đổi, phân tích đã làm rõ thêm những luận chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hầu hết ý kiến của các học giả quốc tế đều khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền hoà bình, liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước như: Châu bản triều Nguyễn; Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục...
Nhiều người dân đã đến xem triển lãm. |
Về vấn đề Trung Quốc hạ đặt tái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Giáo sư Jerome Cohen - Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á cho rằng, Việt Nam có thể tham gia vụ kiện với Philippin hoặc tự khởi kiện Trung Quốc, và khuyến nghị các nước liên quan nên tận dụng sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hay hệ thống thể chế pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. “Việt Nam nên sử dụng cơ chế tài phán quốc tế và tận dụng mọi biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy đây là biện pháp phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên hợp quốc”, GS Jerome Cohen đề xuất.
KHÁNH LINH