Khu rừng nguyên sinh Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My với độ cao 1.500 - 2.500m có môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho loại cây dược liệu quý hiếm sinh sôi phát triển. Đó là cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.
Dưới tán rừng nguyên sinh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam xây dựng 2 trang trại trồng sâm với diện tích 20ha, mục đích để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của cây sâm Ngọc Linh. Những năm gần đây, cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam được các nhà khoa học phân tích cho thấy hàm lượng vi chất có trong củ sâm Ngọc Linh nhiều và tốt hơn cả sâm Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện tại, bà con Xê Đăng sống trên sườn núi Ngọc Linh đã biết tận dụng lợi thế tiềm năng của vùng rừng để phát triển cây sâm để làm giàu. Họ gom các cây sâm mọc hoang dại rải rác trong rừng đem về trồng dưới tán rừng thành từng luống có quy hoạch phân lô rất khoa học để chống xói mòn, giữ nguyên độ mùn tơi xốp của đất, một cách làm sáng tạo để cây sâm sinh trưởng nhanh cho củ to và chất lượng.
Mặc dù sâm ngủ đông nhưng việc canh giữ vẫn đảm bảo 24/24 giờ. |
Ông Hồ Văn Du, người gắn bó gần 30 năm với cây sâm ở xã Trà Linh là người Xê Đăng đầu tiên đưa cây sâm về trồng trong vườn rừng của mình. Vì vậy, ông có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong việc chăm bón, bảo tồn và nhân giống sâm cung cấp cho bà con trong làng. Hiện ông sở hữu vườn sâm hơn 5ha, tính trung bình 30 triệu đồng/kg sâm củ tươi, gia đình ông có tổng giá trị tài sản hơn 100 tỷ đồng. Học tập cách làm của ông Du, nhiều hộ dân Xê Đăng ở sườn núi Ngọc Linh đã vào rừng lập vườn trồng sâm không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành triệu phú, tỷ phú từ cây sâm.
Hiện dưới tán rừng nguyên sinh Ngọc Linh có tổng diện tích vườn sâm của tập thể và tư nhân chỉ khoảng 70ha, một diện tích quá nhỏ giữa khu rừng nguyên sinh bạt ngàn. Chính quyền huyện Nam Trà My muốn biến những cánh rừng bạt ngàn nơi này thành thủ phủ của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam trong tương lai gần. Theo khảo sát và quy hoạch, có 19.000ha rừng ở độ cao 1.500m - 2.300m có đủ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp đưa vào trồng sâm. Cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện lưới thắp sáng và cả mạng viễn thông đang được xúc tiến đầu tư lên sườn núi Ngọc Linh. Ngoài ra, huyện và tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế mở thông thoáng mời gọi các doanh nghiệp trồng sâm và mở nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có đề án quốc gia về cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam trình lên Chính phủ. Khi đề án này được Thủ tướng phê duyệt cùng với cơ chế trải thảm đỏ mời gọi đầu tư của huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam, nhất định cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam trong những năm tới sẽ là cây làm giàu cho bà con dân tộc thiểu số sống trên sườn núi Ngọc Linh, là cây tạo ra sản phẩm quốc gia cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm sâm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật đem nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
LÊ GÂN