Làng Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn) được ví như một Nam Bộ thu nhỏ 4 mùa sum sê cây trái. Từ lâu nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống với người dân.
Khách du lịch đến làng Đại Bình ngày càng đông, vài hộ dân cũng đã có nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, theo ông Trần Kim Hùng - Trưởng thôn Đại Bình, phát triển du lịch Đại Bình thời gian qua vẫn còn mang tính tự phát, không ổn định, đa số người dân chưa thật sự hưởng lợi từ du lịch. Một trong những nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng yếu kém, chiến lược quảng bá, kết nối doanh nghiệp lữ hành chưa được quan tâm; sản phẩm trái cây phụ thuộc vào mùa vụ, còn các vườn cây thì hỗn tạp, không đồng bộ, mạnh ai nấy trồng…. “Nếu khách chỉ đến thăm làng, thăm vườn mà không lưu trú, ăn uống, mua trái cây mang về thì dân cũng chẳng thu được gì cả”- ông Hùng nói.
Tháng 8.2014, đề án quy hoạch chi tiết Làng du lịch sinh thái Đại Bình đã được Phòng Kinh tế hạ tầng Nông Sơn phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam triển khai nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Theo đó, Đại Bình sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch như tham quan các vườn cây ăn trái; xây dựng chương trình hoạt động dã ngoại, mạo hiểm (khám phá suối Ồ Ồ, giếng Tiên, đốt lửa trại bên bờ sông Thu Bồn); kết nối tham quan Hòn Kẽm - Đá Dừng. Đặc biệt, phát triển loại hình du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt người dân như trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch trái cây; tham gia sản xuất hàng thủ công trầm hương, mía đường…. “Du lịch sinh thái Đại Bình sẽ là hướng đi phù hợp nhằm hướng đến bảo tồn môi trường tự nhiên, giữ gìn nét hiền hòa yên bình của làng quê, giúp nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ tài nguyên, chia sẻ lợi ích từ du lịch cho cộng đồng, đồng thời người dân cũng sẽ được tham gia quá trình lên kế hoạch và quản lý hoạt động du lịch tại cộng đồng”- ông Nguyễn Thanh Anh, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Nông Sơn cho biết. Theo ông Anh, dù đề án mới chỉ thông qua lần thứ nhất, sau khi góp ý hoàn chỉnh mới tổ chức hội thảo tại Đại Bình để lấy ý kiến người dân nhưng đã hứa hẹn tạo sự biến chuyển mới trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch nơi đây nhằm tạo ra đột phá mới không chỉ cho Đại Bình mà còn khơi dậy được những tiềm năng du lịch của Nông Sơn thông qua sự kết nối với tuyến điểm du lịch liên vùng và phụ cận như Mỹ Sơn, Hội An và Đà Nẵng…
Tuy mới chỉ là bắt đầu, phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng Đại Bình thành điểm đến hiệu quả, nhưng qua đề án đã mở ra triển vọng mới cho vùng đất với nhiều giá trị thiên nhiên và nhân văn độc đáo nhằm tạo dựng lên một thương hiệu du lịch “Nam Bộ trong lòng xứ Quảng” trong một tương lai không xa trên vùng đất này.
VĨNH LỘC