Khởi nghiệp - OCOP

Triển vọng dự án sản xuất siro tr'đin

HOÀNG ĐẠO 18/05/2024 17:15

(QNO) - Dự án khởi nghiệp “Forest Foods - đường tự nhiên hữu cơ” sản xuất siro tr'đin đoạt giải ba cuộc thi toàn cầu về Sáng tạo kinh doanh xã hội (SBC) khi hướng tới mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho 3.000 hộ dân ở vùng biên giới Quảng Nam, bảo vệ môi trường, giảm phát thải các bon.

si-ro-tr-din.00_29_59_03.still005.jpg
Ông Phạm Thanh Hoàng (bên phải) tin tưởng siro tr'đin sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng biên giới. Ảnh: H.Đ

Năm 2012, ông Phạm Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang (xã Gari, Tây Giang) bén duyên với vùng đất Tây Giang qua những câu chuyện gian khó ở biên giới của một thầy giáo ở miền xuôi lên núi dạy học. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, ông và các thành viên trong Chi hội từ thiện sông Hàn đã vận động, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay quyên góp cứu trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm lên biên giới.

“Cứ mỗi chuyến lên đây, chúng tôi được bà con quý mến đãi rượu tr'đin hay còn gọi là rượu trời vì không qua đun nấu, chưng cất từ men mà chiết xuất từ cây tr'đin bỏ thêm vỏ cây chuồng để lên men tự nhiên thành rượu. Sau khi tìm hiểu tr’đin được xem như một loại cây thuốc vì có nhiều dược tính rất quý thì tôi suy nghĩ về hướng đi kinh tế từ việc tận dụng loại cây tự nhiên này” - ông Hoàng nói.

[VIDEO] - Người dân khai thác, chiết xuất cây tr'đin:

Theo ông Hoàng, cây tr’đin có tên gọi khác là cây đủng đỉnh núi, tên khoa học là Caryota Gigas, phát triển tốt ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Sau nhiều năm khảo sát vùng nguyên liệu, nhận thấy cây tr’đin có khá nhiều ở vùng biên giới Việt – Lào thuộc huyện Tây Giang nên ông nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm siro tr'đin.

Muốn làm rượu tr'đin thì người dân lột vỏ cây chuồng để làm men bỏ vào nước chiết xuất từ cây tr'đin nên họ khai thác gần như tiệt chủng cây chuồng.

“Tôi thấy tiếc khi chiết xuất cây tr’đin chỉ để dùng làm rượu uống trong khi đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới không có nguồn thu nhập bền vững. Và việc bán chiết xuất cây tr’đin sẽ góp phần giải quyết câu chuyện sinh kế ổn định cho người dân. Ngoài ra, dự án siro tr’đin sẽ giúp bảo vệ cây chuồng vì người địa phương lột vỏ lấy triệt để lên men nên dần khan hiếm, muốn có vỏ chuồng phải mua từ Lào hoặc đi vào tận rừng sâu” - ông Hoàng cho biết.

z5448977662728_06511835d42be1e0f5bbc09ea66c8e37.jpg
Ông Pơ loong Hon (bên trái) và nhiều hộ dân khác đang trồng thêm cây tr'đin để tạo vùng nguyên liệu sản xuất. Ảnh: H.Đ

Được người dân địa phương quý mến là lợi thế nên ông đã vận động nhiều hộ dân liên kết với HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch (xã Gari) để thu mua chiết xuất cây tr’đin.

“Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang và HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch hướng dẫn cách làm ăn, buôn bán nên tôi tự nguyện tham gia chuỗi liên kết. Làm việc siêng năng thì mỗi ngày tôi bán được khoảng 10 lít tr’đin có giá khoảng 150 nghìn đồng. Số tiền này tôi đổi lấy chai dầu ăn, con cá, miếng thịt và dành dụm tiền cho con ăn học, chữa bệnh” - ông Pơ loong Hon (thôn Ating, xã Gari) cho biết.

[VIDEO] - Ông Pơ loong Hon (xã Gari, Tây Giang):

Trong thời gian mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, ươm trồng cây tr’đin, ông Phạm Thanh Hoàng may mắn được người bạn là một tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm hỗ trợ phân tích và nghiên cứu công thức.

Mẻ siro tr’đin đầu tiên được gửi mẫu đi nhiều viện nghiên cứu sản phẩm thiên nhiên để phân tích, đánh giá chất lượng.

“Đáng mừng là khi sử dụng không làm tăng lượng đường huyết - tức có chỉ số GI thấp. Có các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng tương tự giống mật ong tự nhiên. Vậy nên nếu phát triển thành công dự án siro tr’đin thì cũng là cách bảo vệ 7 loài ong cho mật ở núi rừng Tây Giang” - ông Hoàng chia sẻ.

Tháng 5/2023, Dự án “Forest Foods - đường tự nhiên hữu cơ” sản xuất siro tr'đin tham gia cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội (SBC) năm 2023. Trải qua 4 vòng thi, dự án này đã vào vòng chung kết được tổ chức tháng 9/2023 tại Canada và đạt tốp 3 của cuộc thi khi phù hợp và góp phần vào việc thực hiện 8/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc là: xóa nghèo, không còn nạn đói, sức khỏe và có cuộc sống, nước sạch và vệ sinh, công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, hành động về khí hậu, tài nguyên và môi trường trên đất liền.

Social Business Creation (SBC) là nền tảng đào tạo sáng tạo kinh doanh xã hội dưới hình thức một cuộc thi sáng tạo kinh doanh toàn cầu do Trường Đại học HEC Montréal Canada (HEC) khởi xướng, tổ chức và bảo trợ chuyên môn, nhằm hướng đến thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc.

Cuộc thi dành cho tất cả các dự án, đội thi đến từ các sinh, sinh viên và doanh nghiệp trên toàn cầu. Hiện nay, SBC có 8 Hub đại diện tại Canada, Mexico, Đức, Argentina, Ấn Độ, Bangladesh, Bolivia và Việt Nam. Từ năm 2018, Trường Đại học Ngoại thương chính thức tham gia mạng lưới đồng tổ chức của SBC trên toàn thế giới và trở thành đơn vị quản lý SBC tại Việt Nam.

z5448978953236_71ca38486898654f2d58ba1ffb524518.jpg
Mỗi ngày, người dân khai thác, bán chiết xuất tr'đin có thể tạo thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng. Ảnh: H.Đ

Sau dịch COVID-19 nhu cầu bảo vệ sức khỏe cũng như phòng chống bệnh tật tăng cao, khách hàng sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm hữu cơ an toàn nên triển vọng dự án siro tr’đin có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Ngoài ra, các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống và dược phẩm đang quan tâm đến việc sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên để thay thế đường trong sản phẩm của họ cũng là triển vọng để siro tr’đin tiếp cận các đơn hàng lớn.

Điểm thu hút khách hàng của siro tr’đin là có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên sẽ ổn định lượng đường huyết trong cơ thể. Xuyên suốt quá trình ươm trồng, thu hoạch đến sản xuất thành phẩm đều minh bạch, ứng dụng công nghệ blockchain dể dàng truy vết chất lượng sản phẩm sẽ đáp ứng được nhu cầu về niềm tin của người tiêu dùng.

si-ro-tr-din.00_02_34_04.still001.jpg
Siro tr'đin hướng đến mục tiêu trở thành chất tạo ngọt tự nhiên nổi tiếng toàn cầu. Ảnh: H.Đ

“Toàn bộ quy trình sản xuất đều không xả thải vào nguồn nước, phi các bon hóa trong chuỗi cung ứng nhằm bảo vệ môi trường và không gây nguy hại cho con người. Việc ươm, trồng cây tr’đin cũng góp phần phủ xanh rừng, tái tạo và giữ nguồn nước.

Và điều tôi mong muốn nhất là đóng góp cho cộng đồng, hướng tới bảo đảm đời sống an sinh xã hội của đồng bào dân tộc, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế gắn với phát triển, bảo vệ rừng.

Mục tiêu của dự án là mở rộng liên kết sản xuất với gần 1.000 hộ gia đình và tạo ra hơn 3.000 cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số”

Ông Phạm Thanh Hoàng

[VIDEO] - Ông Phạm Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang:

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng dự án sản xuất siro tr'đin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO