Những chỉ tiêu đặt ra năm 2021 cho thấy dự lường khó khăn trong tăng trưởng kinh tế, từ GRDP, thu ngân sách đến vốn đầu tư toàn xã hội, dù được nhận định là “hợp lý” trong bối cảnh dư địa chính sách ô tô bất ổn, đại dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu.
Chuỗi cung ứng vẫn chưa thoát khỏi sự đứt gãy. Sản xuất, kinh doanh vẫn lâm vào khó khăn. Du lịch, dịch vụ bị tê liệt, sẽ phải đợi vài năm nữa mới phục hồi! Nguồn lực ngân sách chính vẫn phải trông chờ vào việc xúc tiến, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng hiện tại, vẫn loay hoay, không biết có chính sách gì gia tăng ở khu vực này. Các dự án trọng điểm vùng Đông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay các dự án động lực khí điện, cảng biển, hàng không, đô thị sân bay Chu Lai… hy vọng sẽ chia lửa ngân sách cho Quảng Nam vẫn chỉ nằm ở viễn cảnh.
Trong khi đó, nhiều cuộc khảo sát hồi cuối năm 2020 cho thấy số lượng doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động đã tăng 37%, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ bằng 87% số doanh nghiệp gia nhập thị trường và vốn chỉ xấp xỉ 51% so với năm 2019.
Qua kết quả khảo sát dự báo sản xuất, kinh doanh năm 2021 của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ có 39,7% doanh nghiệp được khảo sát dự báo tốt hơn, 19,3% giữ ổn định, nhưng có đến 40,9% doanh nghiệp cho là đối mặt khó khăn. Một số ngành tiếp tục dự báo sẽ khó khăn hơn như sản xuất đồ uống (50%), ngành dệt (83,3%), sản xuất trang phục (57,1%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (66,6%), chế biến sản phẩm từ gỗ, tre nứa, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (50%).
Tăng trưởng kinh tế địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn. Động năng tăng trưởng địa phương nằm ở việc gia tăng sản xuất và đầu tư. Một khi sản xuất bị “tê liệt” thì gia tăng đầu tư là điều được tính đến. Theo những phân tích, có thể định lường được vốn từ ngân sách nhà nước càng ngày càng hạn chế, rất ít (dự kiến 6,2 ngàn tỷ đồng, bằng 97% so thực hiện kế hoạch năm 2020), chỉ dựa vào sự gia tăng của vốn FDI, doanh nghiệp tư nhân và nhân dân (dự báo tăng đến 81% so với 68,18% năm 2020).
Tuy nhiên, không thể định lượng được năng lực từ các khu vực kinh tế này khi doanh nghiệp và nhân dân đã gần như kiệt sức. Một số dự án dân doanh cũng đã đến cuối chu kỳ đầu tư. Khả năng tìm vốn từ khu vực này sẽ không dễ dàng như dự báo. Còn dự báo thương chiến giữa các nước lớn trên thế giới sẽ là cơ hội thu hút nguồn vốn FDI... Song, sự dịch chuyển của các nhà đầu tư đến Quảng Nam vẫn “nằm trong vòng cơ hội”.
Một chỉ tiêu năm 2021: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 6,5 – 7%, tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm trên 30%; thu ngân sách đạt 19.350 tỷ đồng (thu nội địa 16.000 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến trên 32.132 tỷ đồng (chiếm khoảng 30,77%/GRDP). Ngân sách trung ương đầu tư trên địa bàn gần 2.240 tỷ đồng (7%), ngân sách địa phương quản lý hơn 3.882 tỷ đồng (12,1%), FDI khoảng 7.696 tỷ đồng (24%) và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước và nhân dân khoảng 18.315 tỷ đồng (57%).
Không chỉ những dự án trọng điểm vốn cần nhiều nguồn lực đầu tư trong khi nền kinh tế địa phương hạn hẹp đã trở nên “bất khả thi” mà hiện tại, các địa phương cũng thiếu ngân sách cho đầu tư phát triển công nghiệp, và “tham vọng” đầu tư vẫn “đang dậm chân tại chỗ”. Có thể hiểu một khi nguồn lực tài chính địa phương hạn hẹp thì yêu cầu cao nhất là phải phân bố các khoản chi ngân sách hiệu quả, tự chủ khai thác nguồn tài chính hợp lý, tạo ra động lực phát triển cân đối, tạo sức bật cho từng địa phương. Nhưng để thực hiện điều này không hề dễ. Có lẽ phải cần đến một cuộc “cách mạng” từ những người làm chính sách vì “tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó”.
Những dự báo tăng trưởng không khả quan cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ nỗ lực riêng lẻ, kinh tế địa phương phát triển còn phụ thuộc tình hình dịch bệnh toàn cầu, khả năng phục hồi của các nền kinh tế, của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, có thể lạc quan đại dịch rồi sẽ chấm dứt, khó khăn sẽ qua, sẽ mở ra một cuộc tái thiết mới cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế! Một cuộc gặp gỡ với các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý sẽ rộng thêm đường dư luận trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đầy rẫy khó khăn, chưa thể lường định được!
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT: “Kiểm soát đầu tư”
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ khó khăn dưới ảnh hưởng kéo dài của đại dịch, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo. Quảng Nam sẽ đánh giá tác động của dịch bệnh, đưa ra các kịch bản phát triển của từng lĩnh vực, chỉ tiêu kinh tế, ảnh hưởng đến tăng trưởng 2021.
Sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, tăng thu nhập thực tế. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu. Ưu tiên những ngành có lợi thể để tạo ra những sản phẩm thương hiệu, tham gia chuỗi giá trị đa quốc gia, chuyển dịch mạnh cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, tháo gỡ khó khăn đưa các dự án trọng điểm, nhất là vùng Đông vào hoạt động…
Kế hoạch đầu tư công 2021 được xây dựng trong điều kiện ngân sách khó khăn. Các nguồn vượt thu, tăng thu, tiết kiệm chi dự kiến sẽ không đảm bảo như những năm trước. Việc phân bổ vốn sẽ theo thứ tự ưu tiên. Sẽ kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản, bố trí nguồn vốn thanh toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát không để phát sinh nợ mới. Kiểm soát, thẩm định chặt cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư từng dự án và sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo đúng chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư không xử lý triệt để nợ đọng.
Năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện giải ngân trong 1 năm nên buộc rà soát, bố trí sát vốn với khả năng thực hiện của dự án, đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn. Không được hoặc hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn, ảnh hướng đến tổng thể kế hoạch vốn 2021 và kế hoạch trung hạn. Nếu bị trung ương thu hồi vốn không giải ngân hết nhưng không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm! Tăng cường trách nhiệm thanh quyết toán, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước, thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện, giám sát đánh giá đầu tư, kiểm soát chặt vốn tạm ứng, thanh toán theo khối lượng, phương án hoàn ứng.
Không chỉ khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư, công khai, minh bạch, công bằng mà đây là năm đầu tiên thực hiện phân cấp quản lý đầu tư để tạo quyền, sự chủ động cho cấp huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của cấp nào thì cấp đó chủ động huy động nguồn lực triển khai thực hiện quản lý đầu tư.
Có thể nói chưa thể định lượng được tăng trưởng GRDP, chưa thể tính toán, kết con số đầu tư công (vì chờ phân bổ từ Trung ương). Nhưng dự báo lượng vốn đầu tư vào nền kinh tế sẽ gia tăng, có cơ hội và triển vọng!
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính: “Ưu tiên chi theo mức độ quan trọng”
Thu ngân sách năm 2021 có thể “giảm sâu” so với năm 2020. Nguồn thu cân đối ngân sách địa phương chỉ bằng dự toán năm 2017. Trong khi đó, nhu cầu chi đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh rất lớn.
Không ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh. Thay đổi cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư tư nhân, FDI, ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít diện tích đất nhưng giải quyết nhiều lao động và thu ngân sách nhiều nhất.
Quảng Nam đã lường định nền kinh tế sẽ còn khó khăn nên đã đặt dự toán nguồn thu thấp xuống. Thu nội địa Bộ Tài chính giao chỉ 14.500 tỷ đồng; HĐND ấn định 16.000 tỷ đồng. Việc giao dự toán sẽ được tính toán phân bổ cho phù hợp với điều kiện dịch bệnh, nhưng dự báo chắc chắn nguồn thu sẽ đạt/vượt, hướng đến tăng thu nhiều hơn! Thu ngân sách sẽ khả quan chứ không đến nỗi gì.
Một trong những giải pháp điều hành kinh tế sẽ là cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Điều hành chi ngân sách theo tiến độ thu, bám sát dự toán chi. Định kỳ hàng quý đánh giá khả năng thu ngân sách để chủ động điều hành chi. Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để xử lý các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, sắp xếp nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, để điều hành, theo dõi chặt tiến độ thu, chủ động cắt giảm chi tiêu và sử dụng các nguồn vốn khác trong trường hợp thu không đạt dự toán.
Phải quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chi tiêu, kiên quyết không giải ngân, không quyết toán những khoản chi không đúng chế độ, chính sách, không có trong dự toán. Các sở, ngành, địa phương chỉ tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội khi bảo đảm cân đối được nguồn vốn.
Các cơ quan tài chính thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách, tiến độ thu ngân sách và đánh giá các tác động của chính sách thuế… Sẽ giao ban hàng quý về thu thuế, sự phát triển của doanh nghiệp (điều mà trước đây không hề có). Sự phối hợp, kết nối giữa các ngành trong hệ thống tài chính sẽ mạnh mẽ, thiết thực hơn trong việc rà soát tất cả nguồn thu đầu vào đối với các doanh nghiệp, nhất là FDI. Không thể để họ sử dụng nguồn lực tài chính, đất đai, lao động và sự ưu đãi của địa phương nhưng lại đóng góp vào ngân sách quá ít. Hướng đến việc các doanh nghiệp này phải có đóng góp tài chính tương xứng cho địa phương theo những ưu đãi mà họ đã nhận được!
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế: “Chỉ tiêu thu ngân sách không còn quan trọng”
Rủi ro phía trước sẽ còn rất nhiều thứ. Dịch có quay trở lại không, chính sách ưu đãi của Nhà nước có tác động gì vào nền kinh tế... cũng chưa thể lường tính được! Bất lợi năm 2020 sẽ còn kéo dài. Nhưng, không thể nói điều đó sẽ gây khó khăn cho chỉ tiêu thu ngân sách.
Hệ thống du lịch, dịch vụ bị cú sốc lịch sử sẽ khó khăn, không thể có tăng trưởng, Hội An sẽ phải mất vài năm nữa mới có thể hồi phục. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy vài ưu thế và thuận lợi. Các hồ thủy điện đã đầy. Sản xuất điện năng sẽ tốt. Người dân đã thích ứng với Nghị định 100, biết cách sử dụng trong không gian cho phép nên sản lượng và tiêu thụ bia sẽ tăng. Còn các doanh nghiệp công nghiệp không đáng lo ngại. Họ sẽ vẫn phải suy nghĩ cách tồn tại, sống còn bằng việc xoay xở các nguồn đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm mới để duy trì sản xuất, kinh doanh nuôi lao động. Dòng cung ứng sẽ được khắc phục bằng vận tải đường biển.
Muốn có thêm 5 hay 10% số thuế thì bên cạnh các doanh nghiệp duy trì sản xuất phải có thêm nhân tố mới. Đáng tiếc, trong khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhiều thì lại thiếu những nhân tố, cơ sở thu thuế mới. Ngay như đầu tư ở KCN Tam Thăng hoành tráng, doanh số lớn, nhưng hầu hết đã chuyển sang chế xuất nên không thu được gì, trừ mấy đồng thuế thu nhập cá nhân. Thuế xuất khẩu bằng 0%, ưu đãi thu nhập doanh nghiệp đến 13 năm, lấy gì thu thuế?
Sản phẩm gần đây không có gì mới. Cơ sở thuế không nhiều. Muốn nhiều phải tăng lượng doanh nghiệp. Hiện có hơn 8.800 doanh nghiệp, nhưng đã có gần 1.200 chi nhánh ngoài tỉnh. Họ nộp được đồng nào hay đồng nấy, không thể kiểm soát! Thu thuế chưa tương xứng với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Quảng Nam.
Không thể chỉ dựa mãi vào ô tô, bia, thủy điện (bất khả kháng). Cần xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có số thu lớn. Đừng để họ tạm dừng, đóng cửa… không ai hay! Phát triển nhiều doanh nghiệp công nghiệp. Không có sản phẩm mới, thiếu cơ sở thu, lấy gì thu, sẽ khó tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế. Hệ thống chính quyền Quảng Nam có đủ khả năng để làm điều đó. Ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai các chuyên đề tăng cơ sở thu, tiến hành phối hợp chống chuyển giá, thu hồi nợ… vào ngân sách nhà nước.
Năm 2020, đã thu tới 18.000 tỷ đồng nội địa thì con số 16.000 tỷ đồng được ấn định dù có bất lợi đến đâu cũng không khó để đạt kế hoạch. Dự toán thấp hơn cả số thực hiện năm 2020 thì chỉ tiêu thu ngân sách không là vấn đề quan trọng nữa. Ngành thuế sẽ cố gắng thu đạt mức cao nhất có thể để cho những năm sau “dễ thở” để đạt bình quân tăng thu nội địa 10%/năm cho kế hoạch 5 năm, sớm quay trở lại thời “vàng son” của quá khứ (từng thu hơn 19.000 tỷ đồng)
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam: “Sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế”
NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) ngoài việc hạ lãi suất, phải cắt giảm, gọn nhẹ các thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Thông tư 01 về tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch sẽ được sửa đổi, theo hướng thuận lợi hơn, kịp thời hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Đó là những lý do năm 2021, vốn sẽ được khai thông ra nền kinh tế nhiều hơn.
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã và sẽ được triển khai dưới nhiều hình thức. Nếu thuận lợi, sẽ tổ chức diễn đàn (từng khu vực, lĩnh vực), nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để giới ngân hàng tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra phối hợp với các địa phương, TCTD, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc sẽ chỉ đạo các TCTD tự kết nối để hai phía dễ dàng gặp nhau hơn.
Nền kinh tế năm 2021 vẫn chưa hết khó khăn. Hiện huy động vốn tại địa phương thấp hơn cho vay. Dư nợ huy động chỉ đạt 70% trên địa bàn và 30% còn lại từ ngoài Quảng Nam. Nhưng, chắc chắn hệ thống ngân hàng luôn có đủ tiền, sẵn sàng cung ứng, đảm bảo đủ dòng tiền cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng địa phương.
Vốn không thiếu. Vấn đề là doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hay không? Đây là điều quyết định để ngân hàng bơm vốn khi nhìn thấy các phương án đảm bảo nguồn thu, dòng tiền trả nợ cho ngân hàng, thay vì chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo như trước. Có phương án sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính rõ ràng, xếp hạng tín dụng tốt, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận được niềm tin từ ngân hàng, có thể sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn mặt bằng thị trường!
Tín dụng tăng hay không phụ thuộc vào khả năng phục hồi, phát triển của nền kinh tế sớm hay chậm và “sức khỏe” của doanh nghiệp. Nếu thị trường không thể hấp thụ vốn thì làm sao ngân hàng có thể khơi thông vốn vào nền kinh tế được! Ngân hàng luôn bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để cung cấp vốn. Không thể đánh giá được nhu cầu vốn của thị trường nên khó có thể biết chính xác mức tăng trưởng là bao nhiêu. Nhưng tăng trưởng tín dụng mỗi năm luôn được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Song, vẫn luôn phải thận trọng cho dù không hạn chế vốn. Không thể hạ chuẩn cho vay, để tránh những hệ lụy về sau. Chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đúng hướng quan trọng hơn là con số % tăng trưởng nhiều hay ít.
Cần nhất là tạo ra cơ chế, niềm tin tốt hơn để cho kinh doanh của doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng đều đạt được “thực chất”.