Năm 2014, bức tranh kinh tế thế giới đan xen những mảng sáng tối khác nhau. Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ có những tia sáng mới.
Năm 2014, Mỹ - nền kinh tế số một thế giới hồi phục nhanh hơn dự kiến. Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố ước tính cuối cùng về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý 3.2014 cho thấy, từ tháng 7 - 9.2015, kinh tế tăng trưởng với tỷ lệ 5% tính theo năm, nhờ sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với nền kinh tế. Theo nhận định của chuyên gia phân tích Brad McMillan thuộc Mạng lưới tài chính Commonwealth thì đây là tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 11 năm và sự phục hồi này mỗi lúc một nhanh. Như vậy, kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 2% năm 2014 và dự báo tiếp tục tăng 2,8% năm 2015 và 3,1% năm 2016. Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ được xem là một trong những cú hích quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Mỹ tạo ra khoảng 200 nghìn lao động năm 2014. |
Hơn nữa, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, trong khi năm 2014, kinh tế khu vực châu Âu tiếp tục vật lộn để tìm kiếm sự hồi phục sau nhiều năm khủng hoảng nợ công thì đến năm 2015, kinh tế khu vực đồng euro sẽ phục hồi ổn định với mức tăng trưởng GDP 1,4%, chủ yếu dựa trên sự tăng trưởng mạnh của các lĩnh vực như đầu tư và xuất nhập khẩu. Điều này tác động tích cực không hề nhỏ cho các nền kinh tế khác của thế giới. Trong khi đó, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc hay Nhật Bản rơi vào suy thoái được xem là mối quan ngại chung của thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga có thể âm 0,7% vào năm 2015, do tác động của đồng ruble mất giá, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nga vừa chi hàng tỷ USD vào tuần trước nhằm can thiệp giữ giá đồng nội tệ này.
Khu vực Đông Á được dự báo có mức tăng trưởng nhanh nhất trong năm tới, đạt khoảng 6%. Còn theo báo cáo Economic Insight: South East Asia hay Tầm nhìn kinh tế: Đông Nam Á (ASEAN), được thực hiện bởi CEBR - Trung tâm Kinh tế và nghiên cứu kinh doanh, một trong những đối tác và là nhà dự báo kinh tế của ICAEW (là thành viên sáng lập của Liên minh kiểm toán toàn cầu) đánh giá: tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam chậm đang là rào cản tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, tăng đầu tư trong nước so với phần còn lại của Đông Nam Á và việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN thúc đẩy các cơ hội giúp cho sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Do đó, bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính, những biến động địa chính trị một số nơi trên toàn cầu hay đại dịch Ebola, các chuyên gia kinh tế dự báo xu thế khả quan về tăng trưởng toàn cầu, sẽ đạt mức 3,1% trong năm 2015 và tăng lên thành 3,3% trong năm 2016.
QUỐC HƯNG