Kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tăng trưởng mạnh nhất kể từ 4 năm qua là nhận định của Liên hiệp quốc trong báo cáo đánh giá Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2014.
Những điểm sáng hy vọng
Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 sẽ là 3% và tiếp tục tăng 3,3% vào năm 2015 so với con số tăng trưởng 2,1% của năm 2013. Một số điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 là sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế số một thế giới - Mỹ với tỷ lệ tăng trưởng 2,5%, hay sự tăng trưởng mạnh trở lại của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Sự hồi phục ấn tượng của khu vực châu Âu sau hơn 2 năm vật lộn với “bão” tài chính, lần đầu trở lại con số tăng trưởng dương 1,5%. Bên cạnh đó là giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2014, trong đó, chỉ số giá lương thực sẽ giảm khoảng 6% sau khi tăng nhẹ vào cuối năm 2013 do triển vọng nguồn cung cấp thuận lợi. Tương tự, bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Kinh tế của Anh nhận định, chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục tiến triển, khiến xuất khẩu tăng mạnh và sức ép giảm phát cũng dịu đi phần nào cho nền kinh tế lớn này. Theo EIU, phép thử lớn tiếp theo sẽ đến vào tháng 4.2014 khi chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng. Dự báo GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,7% trong năm tới, tương đương mức tăng trưởng trong năm nay. Ngoài ra, Đông Nam Á vẫn là một trong những khu vực nổi bật trong việc hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.
Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ - nền kinh tế số một thế giới, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014. Ảnh: Internet |
Những điểm sáng trên cho phép các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2014 có thể sẽ mang lại sự chuyển biến rất quan trọng, một sự chuyển biến tiến tới kinh tế thế giới ổn định hơn, an toàn và phục hồi bền vững hơn.
Nhiều trở ngại
Tuy nhiên, sự tăng trưởng vẫn có sự khác biệt giữa các nhóm, các khu vực, các nước. WEPS dự báo kinh tế toàn cầu gặp những khó khăn lớn nhất là: các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, trong đó rất nhiều nước đang loay hoay tìm mô hình tăng trưởng; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2014. Hơn nữa, khu vực châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone cho dù đang hồi phục nhưng vẫn có nguy cơ đối mặt với tình trạng đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát tại một số nước và khu vực; hay những trở ngại do thiên tai, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực… có thể đẩy giá cả hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới. Ngoài ra, mức thâm hụt tài khóa đang có xu hướng tăng cao hơn tại hầu hết các nền kinh tế, phản ánh rủi ro khác trong môi trường kinh tế. Trong khi đó, thị trường lao động việc làm sẽ tiếp tục ảm đạm vào năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu được tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo sẽ tiếp tục tăng lên hơn 6% và chạm ngưỡng 205 triệu người năm 2014 (năm 2013 là 202 triệu người).
Do vậy, bên cạnh những điểm sáng kinh tế góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để giữ vững tốc độ phát triển, hạn chế những nguy cơ rủi ro.
QUỐC HƯNG