(QNO) – Thông qua hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn thế giới, lần đầu tiên mô hình chăn nuôi heo đen tập trung tại Nam Giang đang cho thấy hiệu quả, qua đó không chỉ tạo thu nhập, sinh kế cho người dân mà còn giúp địa phương bảo tồn nguồn gen quý của giống heo đen bản địa.
Hoạt động vào tháng 10/2021, mô hình nuôi heo cỏ (heo đen) địa phương liên kết theo chuỗi giá trị của HTX Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing) được xem là mô hình tiên phong của huyện Nam Giang.
Với đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng (xây dựng chuồng trại, mua con giống...), sau hơn một năm gầy dựng, HTX hiện có gần 120 con heo lớn nhỏ, trở thành nơi cung ứng heo giống và heo thịt chất lượng cao cho khách hàng. Dự kiến sau khoảng 2 năm đi vào ổn định, bình quân mỗi ngày trang trại cung cấp ra thị trường trên 1 tạ heo hơi các loại, với giá bán từ 100 - 150 nghìn đồng/ký (tùy trọng lượng), nguồn thu mang lại rất hiệu quả.
Ông Zơ Râm Đa - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp A Liêng cho biết, mặc dù việc liên kết với các nhà phân phối, siêu thị chưa được HTX tính đến, nhưng với nhu cầu về thịt heo đen như hiện nay nguồn hàng sẽ không bao giờ đủ.
“Thông thường khoảng sau 5 tháng nuôi heo được xuất bán giống hoặc theo thịt thương phẩm nên số lượng không nhiều do đó chúng tôi chưa nghĩ đến việc mở rộng thị trường ra xa hơn” - ông Đa nói.
[VIDEO] - Mô hình chăn nuôi heo đen tập trung của HTX Nông lâm nghiệp A Liêng
Với tập tính bán hoang dã, thả rông nên quá trình nuôi heo đen tương đối đơn giản. Thức ăn chủ yếu là chuối rừng và rau cám. Heo mẹ sau 100 ngày sẽ sinh, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 10 – 15 heo con. Dù vậy, theo ông Đa, nguồn giống vẫn là khâu lo nhất của trang trại nếu muốn mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian đầu, HTX phải đi gom heo trong dân khắp các xã vùng cao trên địa bàn huyện.
Heo đen được xem là một trong những loài động vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi Quảng Nam. Thông thường heo trưởng thành khi đạt trọng lượng khoảng 30kg là thịt ngon nhất.
Tại Nam Giang, năm 2020 một dự án hỗ trợ nuôi heo đen dành cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có trẻ em (khoảng 2.400 người) thuộc 5 xã, thị trấn gồm Thạnh Mỹ, Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ và Chà Vàl đã được triển khai với nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thông qua tổ chức Tầm nhìn thế giới.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện (2020 - 2022) dự án đã giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm heo đen từ khâu chọn giống, phát triển chăn nuôi và đang dần hướng đến việc chế biến thành phẩm có bao bì, nhãn mác đến khâu phân phối và tiêu thụ. Tại xã Tà Pơơ, thịt heo đen đã được chế biến thành phẩm như xông khói, sấy khô… được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định, do giá trị thực chất của con heo rất cao nên đây sẽ là hướng đi hiệu quả nhằm không chỉ giúp người dân giảm nghèo bền vững mà còn hướng đến làm giàu chính đáng dựa trên những lợi thế địa phương.
Hiện tại, ngoài mô hình sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết tại HTX Nông lâm nghiệp A Liêng, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cũng đang dần ổn định với hơn một nghìn con heo các loại, qua đó giúp phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt bảo tồn hiệu quả nguồn gen quý của loài heo bản địa này, hướng đến mục tiêu cao hơn là cung cấp nguồn con giống cho các địa phương toàn tỉnh cũng như tạo lập thêm các mô hình trang trại heo đen khép kín, chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa trong tương lai ở Nam Giang.