Triển vọng nào cho hợp tác công tư du lịch?

QUỐC TUẤN 09/03/2023 08:19

Hợp tác công tư có thể xem là đòn bẩy quan trọng để ngành du lịch tạo đột phá. Nhiều điểm đến, mục tiêu du lịch của địa phương thực sự cần hợp tác công tư thực chất để phát huy tối đa giá trị.

Khu đền tháp Mỹ Sơn đang được nghiên cứu thúc đẩy hợp tác công tư để khai thác hiệu quả. Ảnh: Q.T
Khu đền tháp Mỹ Sơn đang được nghiên cứu thúc đẩy hợp tác công tư để khai thác hiệu quả. Ảnh: Q.T

Tiềm năng bỏ ngỏ

Thống kê năm 2019 cho thấy, lượng khách đến Khu đền tháp Mỹ Sơn chỉ khoảng 420 nghìn lượt và doanh thu đạt 62 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 về số lượt khách và chỉ bằng khoảng 1/5 doanh thu so với Khu phố cổ Hội An.

Nhận thức rõ câu chuyện khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, mà Khu đền tháp Mỹ Sơn là một điển hình, Quảng Nam đang tính toán phương án thúc đẩy hợp tác công tư. Cuối năm 2022, tỉnh đã tổ chức đoàn đi Angkor Wat (Campuchia) để học tập kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường khai thác giá trị di sản một cách bền vững.

Tại một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, trong tương lai Khu đền tháp Mỹ Sơn phải được khai thác theo phương thức xã hội hóa, đấu thầu chọn tư nhân vào quản lý, khai thác di tích gắn với không gian xung quanh dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương, quyền sở hữu vẫn thuộc về chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp sẽ tạo nguồn thu và nguồn thu này sẽ được phân chia với Nhà nước để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích với cơ chế, hợp đồng rõ ràng.

Biển Hà My (Điện Dương, Điện Bàn) nhiều năm qua vẫn chưa có điểm nhấn để thu hút nhiều du khách dù nằm ở vị trí khá đắc địa giữa TP.Đà Nẵng và TP.Hội An. Ảnh: Q.T
Biển Hà My (Điện Dương, Điện Bàn) nhiều năm qua vẫn chưa có điểm nhấn để thu hút nhiều du khách dù nằm ở vị trí khá đắc địa giữa TP.Đà Nẵng và TP.Hội An. Ảnh: Q.T

Về việc thúc đẩy hợp tác công tư ở Khu đền tháp Mỹ Sơn, ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, hiện nay việc cụ thể hóa văn bản pháp luật về hợp tác công tư chưa được chi tiết khu vực công làm gì, khu vực tư làm gì, nên đây là một rào cản.

Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sự quản lý của huyện nên muốn đầu tư gì đều phụ thuộc vào quy định, cơ chế tài chính của Nhà nước. Phạm vi, diện tích quản lý của ban là khá lớn nhưng muốn hợp tác, phát triển dự án gì để phát huy giá trị di sản hầu như cũng vướng cơ chế.

Một số điểm đến khác trên địa bàn tỉnh thực tế cũng đã có khu vực tư, trong đó có cả đối tác quốc tế đặt vấn đề xúc tiến hợp tác công tư, có thể kể đến như địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ) hay các bãi biển của Điện Bàn…

Dù vậy, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 cũng như chưa thống nhất phương án khai thác đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên nên đến nay vẫn chưa có chuyển động gì đáng kể.

Thúc đẩy du lịch xanh

Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), việc hình thành một hội đồng tư vấn du lịch tỉnh cũng giúp thúc đẩy đối thoại và hợp tác công tư cho phát triển du lịch bền vững.

Hội đồng này với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ huy động các nguồn lực trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động quảng bá điểm đến và góp phần tư vấn, đề xuất các chính sách vĩ mô, chương trình kế hoạch phát triển du lịch.

Theo ông Kai Partale - chuyên gia marketing du lịch của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), đã có nhiều điển hình du lịch xanh có hợp tác công - tư thành công trên thế giới.

Có thể kể đến Costa Rica với chương trình “Cấp chứng nhận cho du lịch bền vững”, Iceland với chiến dịch “Cam kết của người Iceland” khuyến khích du khách giảm bớt ảnh hưởng môi trường khi đến đất nước này hoặc Bhutan với chính sách “du lịch tác động thấp” khuyến khích du khách giảm thiểu tác động của họ lên môi trường và cộng đồng địa phương.

“Để đối thoại công tư hiệu quả thì khu vực công và khu vực tư cần cùng thống nhất về tầm nhìn chung và rõ ràng. Phải thiết lập bộ tiêu chí rõ ràng về tính bền vững và cơ chế giám sát để đảm bảo khu vực tư nhân sẽ thực hiện các cam kết của họ. Có cơ chế khuyến khích cho khu vực tư để họ đầu tư vào các cách thực hành và cơ sở hạ tầng cho du lịch bền vững” - ông Kai Partale cho biết.

Hiện nay, quá trình thực hành du lịch xanh ở Quảng Nam vẫn chưa lan tỏa mạnh mẽ. Lượng doanh nghiệp hưởng ứng chưa lớn trong khi nguồn nhân lực vận hành công tác thúc đẩy du lịch xanh cũng còn nhiều hạn chế.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, chính quyền cần tạo cơ chế và bảo trợ để cộng đồng doanh nghiệp tự chủ trong việc thẩm định, cấp chứng nhận du lịch xanh. Đến một lúc nào đó cần trao quyền trao chứng nhận này cho cộng đồng doanh nghiệp tự đánh giá lẫn nhau thì sẽ hiệu quả và lan tỏa hơn, đó cũng là một hình thức thúc đẩy hợp tác công tư.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng nào cho hợp tác công tư du lịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO