Qua nhiều biến động, nghề chụp mực đã trở lại, đem đến hiệu quả sản xuất cao cho ngư dân Quảng Nam, ở cả tuyến lộng lẫn ngư trường xa bờ.
Hiệu quả cao
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh liên tiếp có những chuyến biển bội thu. Nếu như nghề lưới cá hố cho những mẻ lưới đầy ở tuyến bờ thì nghề chụp mực lại cho sản lượng cao ở các tuyến lộng và ngư trường xa bờ. Ngư dân Nguyễn Vĩnh Phát (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-00461 có công suất 90CV, cho biết: “Sau tết, vào ngày mùng 5, chúng tôi khởi hành ra khơi đánh bắt hải sản bằng nghề chụp mực. Chuyến biển khởi hành đầu năm thường cho sản lượng lớn do đây là mùa sinh sôi của cá, mực. Vậy mà chúng tôi cũng bất ngờ vì lượng mực vượt trội thu được của chuyến biển”. Sau 5 ngày đánh bắt, phương tiện anh Phát khai thác được 6 tạ mực, thu khoảng 30 triệu đồng. “Trước đây phương tiện chúng tôi sản xuất trên biển bằng nghề mành đèn và giã cào ở tuyến ven bờ. Thấy nghề giã cào ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi nên tìm cách chuyển nghề. Sau khi học được nghề chụp mực, chúng tôi đã mạnh dạn cải hoán lại tàu cá và chuyển sang đánh bắt bằng nghề mới. Hiệu quả sản xuất cao của nghề này trong thời gian gần đây đã giúp chúng tôi có thêm động lực vươn khơi bám biển” - ông Phát cho biết thêm.
Ngư dân đưa mực vào bờ tiêu thụ. Ảnh: M.ĐỨC |
Theo ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, hiện nay trên địa bàn xã có đến gần 30 phương tiện khai thác hải sản bằng nghề chụp mực. “Rất phấn khởi là ngư dân trên địa bàn đã có được những chuyến chụp mực thu được giá trị kinh tế cao trong thời gian gần đây. Đây không phải là nghề truyền thống của ngư dân địa phương. Nghề này cũng thăng trầm lắm” - ông Giúp nói. Từ đầu những năm 2000, ngư dân xã Tam Tiến đã học được nghề chụp mực sau nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân các tỉnh phía bắc. Học được đã khó, chuyển nghề càng khó hơn. Cái khó thứ nhất là ngư dân chưa dám quyết theo nghề này vì tập quán đánh bắt gần bờ đã quy định cách sản xuất của họ bấy lâu nay, không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Càng khó hơn là ít có ngư dân đủ vốn huy động để cải hoán hoặc đóng mới tàu có công suất lớn, vươn khơi theo nghề này. Vậy rồi, nhờ phương thức hợp vốn của ngư dân lẫn hỗ trợ lãi suất vốn vay của Nhà nước, một số ngư dân đã chuyển sang nghề này. Thời gian trôi qua, nghề này cũng dần dà quen thuộc với ngư dân địa phương, lớn mạnh dần.
Nghề chụp mực cũng dần dần đi vào thói quen sản xuất của ngư dân trên địa bàn huyện Thăng Bình từ hơn 10 năm trở lại đây. Có thể kể đến ông Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu cá QNa-94141 có công suất 90CV. Trần Công Hùng, Trần Văn Liên cùng ở tại thôn Tân An (xã Bình Minh) cũng là những người đi tiên phong theo nghề chụp mực. “Sản xuất tại tuyến lộng nên phí tổn không quá cao như đánh bắt xa bờ. Nghề này cũng dễ bảo quản sản phẩm hơn do thời gian đánh bắt trên biển không quá dài. Thu được hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển kéo dài trong thời gian 10 ngày trở lại nên ngư dân rất phấn khởi theo nghề” - ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết.
Tiếp tục nhân rộng
Theo Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam, hiệu quả sản xuất cao của nghề chụp mực là tín hiệu rất vui, cần tiếp tục nhân rộng nghề này để ngư dân khắp 6 địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh cùng sản xuất. “Hội thảo nhân rộng nghề chụp mực đã được ngành thủy sản Quảng Nam tổ chức tại TP.Hội An cách nay đã 10 năm. Thời điểm đó, nghề này đã cho các kết quả sản xuất thành công bước đầu. Ngư dân ở nhiều địa bàn như Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ cũng đã chuyển sang nghề chụp mực sau hội thảo này. Điều đó rất phù hợp với chủ trương dần chuyển đổi ngư trường đánh bắt xa bờ của Quảng Nam. Bẵng đi một thời gian dài hoạt động với hiệu quả không cao, gần đây nghề này đã trở lại mạnh mẽ hơn” - ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, chụp mực chủ yếu khai thác xa bờ, kể cả tuyến lộng. Nghề này có thể áp dụng cho tàu cá có công suất máy 90CV trở lên. Đây là nghề khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao trong thời gian gần đây. Ưu điểm rõ rệt của nghề này là có ngư trường đánh bắt rộng và thu được nguồn lợi đa dạng, ngoài mực còn có thêm cá nục, cá cơm. Bởi vậy rất nên mở rộng hướng sản xuất cho nghề này, có thể sản xuất chuyên nghề riêng biệt hay sản xuất kiêm nghề với lưới vây, hay lưới kéo, lưới quét đều phù hợp.
Ông Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ 2 chiếc tàu QNa-91345 và QNa-91799, là ngư dân kỳ cựu của nghề chụp mực. Hiện tại, cả 2 chiếc tàu của gia đình ông Kỳ đều khai thác nghề sử dụng phương pháp 4 tăng gông (cần căng lưới) để chụp mực. Ông Kỳ cho rằng, phương pháp này ngày càng được ngư dân hưởng ứng và áp dụng rộng rãi so với các phương pháp sử dụng 2 hoặc 3 tăng gông có ưu thế cách đây vài năm. “Sử dụng 4 tăng gông làm tăng kích thước miệng lưới nên hiển nhiên tăng khả năng thâu tóm hải sản. Sử dụng 4 tăng gông làm cho tàu cân bằng hơn so với 3 tăng gông, đồng thời giúp ngư dân thuận tiện hơn khi thao tác lưới chụp” - ông Kỳ nói. Đến thời điểm này, đa số các tàu cá theo nghề chụp mực của ngư dân Quảng Nam đều trang bị giềng rút chì kết hợp với vòng khuyên để tăng thêm tốc độ chìm của lưới, đồng thời khiến cho lưới chìm sâu hơn. Do đó, khả năng đánh bắt mực cũng tăng lên. Đó là nguyên nhân chính khiến cho nghề chụp mực bội thu trong thời gian gần đây.
NGUYỄN QUANG VIỆT