(QNO) - Chủ động xây dựng các chương trình từ thế mạnh địa phương và sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách, vốn hỗ trợ, huyện Tiên Phước đang từng bước hướng tới sản phẩm du lịch cao cấp “miệt vườn xứ Tiên”. Đặc biệt trong sản phẩm này, người dân chính là chủ thể tham gia và hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch.
Khai thác tiềm năng
Nhận thấy tiềm năng từ vùng đất bán sơn địa với nhiều đặc trưng về thiên nhiên, sản vật, con người nên từ năm 2009, Tiên Phước tập trung quy hoạch những vùng có lợi thế để chỉ đạo, vận động người dân phát triển mô hình kinh tế vườn, trang trại. Liên tiếp 2 nghị quyết của HĐND huyện về hỗ trợ trồng cây ăn quả địa phương gắn với công tác chỉnh trang vườn tược (Nghị quyết 18); tập trung phát triển con vật nuôi bản địa, đặc sản của vùng quê xứ Tiên (Nghị quyết 19) ra đời, đi vào đời sống người dân và thay đổi đáng kể bộ mặt làng quê xứ Tiên.
Theo ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng sau một thời gian, 2 nghị quyết trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương. Năm 2017, huyện xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548 - nay là Đề án 03), được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai thực hiện với mức hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2017 - 2020). Đề án đã triển khai các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư và bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực như cải tạo, chỉnh trang vườn theo hướng xanh - sạch - đẹp tại một số địa phương Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Thọ; thu hút du khách thập phương đến tham quan.
“Trước những tiềm năng và lợi thế đang có, chúng tôi đã đăng ký với UBND tỉnh một sản phẩm du lịch cao cấp mang tên “miệt vườn xứ Tiên” vào khoảng năm 2025. Hiện chúng tôi đang tập trung hỗ trợ cho Tiên Cảnh khoảng 10 mô hình, bao gồm việc xây dựng các homestay, thuê chuyên gia tư vấn cho người dân, tham quan các mô hình hiệu quả ở các địa phương trong nước” - ông Minh cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm để thực hiện Đề án 03 thì UBND tỉnh còn tập trung hỗ trợ để Tiên Phước xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2022. Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Phước cần đề ra các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn xã hội hóa của nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; qua đó cùng nhau đầu tư phát triển, đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển du lịch.
Người dân trực tiếp hưởng lợi
Theo ông Hường Văn Minh, sản phẩm du lịch cao cấp “miệt vườn xứ Tiên” được UBND huyện Tiên Phước kết hợp từ nhiều kết quả, đặc biệt từ chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Cạnh đó, Tiên Phước cũng đang hướng tới việc thu hút nguồn khách gắn bó với Hội An thông qua việc liên kết các tour du lịch.
“Sản phẩm du lịch này sẽ mang một màu sắc riêng của Tiên Phước bởi nó gắn với quyền lợi, đời sống của người dân. Chúng tôi tin tưởng, việc hỗ trợ trực tiếp, động viên người dân tự sắp xếp làm và hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch sẽ mang tính hiệu quả bền vững. Và quan trọng, hiện chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân” - ông Minh nói.
Như ở hộ ông Đặng Sang (thôn Lộc Yên, xã Tiên Cảnh), sau khi nghe vận động và được hỗ trợ gần 30 triệu đồng từ Đề án 03, ông Sang đang tiếp tục chỉnh trang vườn tược, đào ao cá, đầu tư trồng các loại cây bản địa. Ngoài ra, con cháu ông sống liền kề cũng đang xây dựng các homestay để cùng làm du lịch.
“Mô hình còn mới và đang còn dang dở nhiều hạng mục nên khách đến đây chủ yếu vào mùa hè khi các vườn trái cây bắt đầu ra quả. Chỉ có bòn bon, măng cụt hay nước chè xanh nhưng khách rất yêu thích và đến nhiều lần vì họ bảo ở đây mọi thứ đều sạch, cảnh quan trong lành, người dân thân thiện. Tôi nghĩ khi mọi thứ hoàn thiện sẽ phát triển mạnh về nguồn khách, mang lại thu nhập cao cho kinh tế gia đình” - ông Sang nói.
Còn ông Nguyễn Phước Chiến (thôn Lộc Yên) cho rằng: “Trước đây, làm du lịch ở quê là một khái niệm còn rất mơ hồ nhưng dần chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ. Bởi hiện nay, khách đến thì chúng tôi như một hướng dẫn viên, giới thiệu cho du khách từng loại cây trái, món ăn hay hướng dẫn cách trồng cây, chất bờ đá… Tuy rằng thời buổi công nghệ, nếu không biết thông tin hay cách làm có thể lên mạng tìm hiểu nhưng chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ, tư vấn và tập huấn để có thể phục vụ du khách tốt nhất”.