Triển vọng phát triển sâm ba kích tím tại Phước Sơn

MỸ LINH 24/09/2016 16:30

(QNO) - Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, những cây sâm ba kích tím đầu tiên đã thích nghi và sinh trưởng tốt tại Phước Sơn, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân về loại dược liệu quý này.

Cây sâm ba kích tím sinh trưởng, phát triển tốt tại xã Phước Trà, huyện Phước Sơn. Ảnh: MỸ LINH
Cây sâm ba kích tím sinh trưởng, phát triển tốt tại xã Phước Hiệp, Phước Sơn. Ảnh: MỸ LINH

Sinh trưởng tốt

Sau 1 năm trồng thử nghiệm tại xã Phước Hiệp (Phước Sơn), mô hình trồng sâm ba kích tím của anh Nguyễn Duy Thạnh (chủ cơ sở sản xuất Tiên Phong, huyện Thăng Bình) đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Hơn 2.000 cây sâm ba kích tím được trồng theo công nghệ nuôi cấy mô đã sống được trong môi trường tự nhiên nơi đây.

Theo anh Nguyễn Hữu Thành, kỹ thuật viên chăm sóc vườn sâm ba kích, đây là lần đầu tiên được trồng tại xã Phước Hiệp nhưng cây thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. So sánh cây sâm ba kích bản địa tại các huyện miền núi cao như Đông Giang, Tây Giang với loại sâm ba kích tím nuôi theo phương pháp nuôi cấy mô, anh Thành cho biết, cây sâm ba kích bản địa do mọc tự nhiên, khi đem về trồng chưa được thuần hóa nên khả năng sống sót sẽ thấp. Còn với cây sâm ba kích tím được trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô đã được thuần hóa nên năng suất củ cho được sẽ cao hơn so với cây bản địa, nhưng vẫn mang những đặc tính của cây mẹ và giá trị dinh dưỡng vẫn như nhau.

Vườn ươm sâm ba kích tím theo công nghệ nuôi cấy mô. Ảnh: MỸ LINH
Vườn ươm sâm ba kích tím theo công nghệ nuôi cấy mô. Ảnh: MỸ LINH

Hiện, cơ sở anh Thạnh đang trồng thử nghiệm xen canh trong vườn cao su. Với hình thức này sẽ tận dụng được bóng che của cao su. Tuy nhiên, thời gian cây sâm ba kích cho thu hoạch là từ 3 - 4 năm, cũng gần với thời gian cao su cho mủ. Vì vậy cần phải trồng với mật độ phù hợp để rễ cao su không ảnh hưởng đến sự phát triển của sâm ba kích. Nên trồng xen canh sâm ba kích khi cao su khoảng 1 tuổi trở đi.

Trong thời gian đầu trồng thử nghiệm, cơ sở anh Thạnh đã được các chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học Việt Nam về địa phương để hướng dẫn cụ thể kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc theo từng giai đoạn. Anh thường xuyên kiểm tra sự thích nghi, phát triển của cây bằng cách gửi mẫu ra Viện Công nghệ sinh học để kiểm định chất lượng. Với mô hình thử nghiệm này cho thấy tỷ lệ sống sót của cây là 80 - 85%. Hiện cơ sở đang nhân giống bằng phương thức cây mô gần 5.000 cây và dự kiến sẽ đưa ra trồng ngoài tự nhiên trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Duy Thạnh cho hay, bước thử nghiệm đầu tiên theo công nghệ nuôi cấy mô cho thấy cây sâm ba kích thích nghi và phát triển tốt dưới tán cây cao su. Đây là mô hình hoàn toàn mới tại địa phương nên gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, giống, vốn và tâm lý ngại đầu tư của người lao động. Hiện cơ sở của anh đang liên kết với Viện Công nghệ sinh học Việt Nam và Viện Dược liệu Hà Nội, đồng thời liên kết với một số đơn vị tiêu thụ tại Quảng Nam, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Anh mạnh dạn đầu tư giống, bao tiêu đầu ra cho công nhân và hộ nhận khoán.

Triển vọng

Theo đánh giá của Viện Công nghệ sinh học Việt Nam qua 8 tháng trồng ngoài tự nhiên, cây sâm ba kích sinh trưởng phát triển tốt, có sự hình thành nhánh cây mới với trung bình 15 - 18 nhánh/cây và dài 45 - 78cm. Bên cạnh đó, vào thời điểm từ 4 đến 8 tháng, cây ba kích bắt đầu tích tụ hình thành 15 - 58 rễ củ/cây và đường kính rễ củ trung bình đạt 7 - 8mm. 

Sau 12 tháng trồng ngoài tự  nhiên, sâm ba kích tím đã cho củ. Ảnh: MỸ LINH
Sau 12 tháng trồng ngoài tự nhiên, sâm ba kích tím đã cho củ. Ảnh: MỸ LINH

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hường - Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về sâm ba kích, kết quả cho thấy phương thức trồng sâm ba kích tím theo hình thức xen canh và mật độ trồng theo đúng quy trình rất phù hợp tại vùng đất Phước Sơn. Sâm ba kích nuôi cấy mô khi trồng ngoài tự nhiên sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu ra củ từ tháng thứ 8.

Sau từ 3 năm sinh trưởng trong điều kiện chăm sóc đúng quy trình, cây sâm ba kích sẽ tích đủ các hoạt chất và cho thu hoạch. Với mật độ trồng xen canh 4.000 cây/1ha cao su, nếu đảm bảo chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 3 năm, năng suất sẽ đạt từ 8 tấn rễ cũ/1ha. Với năng suất dự kiến 2kg củ tươi/cây, thời gian thu hoạch là 3,5 năm, giá bán bình quân 200 nghìn đồng/kg.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường cũng cho biết thêm, sự phát triển của sâm ba kích tím nuôi cấy mô tại Phước Sơn tương đương so với sự phát triển của sâm ba kích tím nuôi cấy mô tại tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy khẳng định chắc chắn cây sâm ba kích trồng tại Phước Sơn sẽ cho năng suất cao. Và đây sẽ là một trong những cây dược liệu chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Mô hình thử nghiệm trồng xen canh cây sâm ba kích theo công nghệ nuôi cấy mô trên diện tích cao su kiến thiết cơ bản đang phát triển tốt, đem lại niềm tin và hướng đi cho người lao động trong vùng, mở ra triển vọng phát triển kinh tế từ cây dược liệu này cho người dân địa phương.

MỸ LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng phát triển sâm ba kích tím tại Phước Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO