Triển vọng rừng gỗ lớn Phước Sơn

MỘC MIÊN 18/03/2022 07:17

Một đề án đang được huyện Phước Sơn thực hiện là quy hoạch trồng rừng gỗ lớn tại hai xã Phước Chánh và Phước Năng.

Khu vực rừng 48 qua hai xã Phước Chánh và Phước Năng. Ảnh: M.MIÊN
Khu vực rừng 48 qua hai xã Phước Chánh và Phước Năng. Ảnh: M.MIÊN

Khu rừng 48 thuộc hai xã Phước Chánh và Phước Năng rộng đến 590ha. Nơi này gần đường giao thông. Kế hoạch huyện đưa ra là sẽ trồng cây gỗ lớn tại đây, dưới tán rừng sẽ trồng dược liệu, rồi khu trồng cây ăn quả; một phần đất còn lại xây dựng khu dân cư cho khoảng 250 hộ, với thiết kế mang hình hài văn hóa Bhnong, đảm bảo diện tích đất ở, sinh hoạt, cây xanh.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, chủ trương trồng rừng gỗ lớn có từ nhiều năm rồi nhưng việc triển khai gặp khó khăn do tư duy ngắn hạn trong làm ăn của người dân: trồng keo có thu nhập nhanh hơn trồng rừng gỗ lớn.

Giống keo con 700 - 900 đồng/cây thì dân mua, nhưng giống cây giổi 2.500 đồng/cây, các cây khác từ 1.500 - 2.000 đồng/cây, Nhà nước hỗ trợ thì dân không mặn mà. Vì thế năm 2021 đã phải trả lại ngân sách 1,4 tỷ đồng. Để thay đổi tư duy này không dễ khi đụng đến thu nhập của người dân.

“Năm nay, huyện hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng mua cây giống, chuyển từ keo sang cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và hoa màu, với quyết tâm thay thế khoảng 30 - 40% diện tích từ keo sang cây gỗ lớn, đi cùng cơ chế hỗ trợ sẽ lớn hơn” - ông Trung nói.

Không dừng lại ở đây, hướng của Phước Sơn là nếu hình thành được vườn cây ăn trái, gỗ lớn ở khu rừng 48 thì sẽ biến nơi đây thành điểm tham gia du lịch sinh thái nhằm tăng thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm. Nếu vùng dược liệu tại đây thực hiện được như mong muốn, thì hy vọng sẽ thành trung tâm mua bán cây giống.

Hiện Phước Sơn đã đầu tư 40 tỷ đồng làm hạ tầng, kết nối một số tuyến đường vào khu tập kết vật liệu; hình thành một khu vườn ươm cây giống dược liệu. Mong muốn của huyện là mời gọi các nhà đầu tư và nghiên cứu khoa học vào chung tay xây dựng.

Việc phát triển rừng gỗ lớn là không thể chần chừ, khi nhìn đâu cũng thấy keo. Tác hại và tiện ích của keo, không phải nhắc lại, nhưng trồng gỗ lớn, đi kèm dược liệu, cây ăn quả là chuyện dài lâu, bền vững. Điều kiện ở Phước Sơn và miền núi Quảng Nam nói chung có nhiều yếu tố thuận lợi để theo đuổi hướng đi này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng rừng gỗ lớn Phước Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO