Triển vọng tàu vật liệu mới

NGUYỄN QUANG VIỆT 25/12/2014 09:26

Ngư dân Quảng Nam sẽ sở hữu 14 tàu vỏ thép và 2 tàu composite theo phê duyệt của UBND tỉnh về danh sách đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) đợt 1. Các tàu vật liệu mới này sẽ mở ra triển vọng trong quá trình bám biển của ngư dân.

Bước ngoặt

Ông Trần Công Nho (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) được đóng mới tàu cá bằng vật liệu composite có công suất 800CV thực hiện dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa. Ông Nho là Giám đốc Công ty TNHH Truyền Tin, 1 trong 5 cơ sở đóng tàu được UBND tỉnh công nhận đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất từ 400CV trở lên theo Nghị định 67 nên hơn ai hết, ông hiểu rõ các tính năng ưu việt của loại tàu này. “Tàu vỏ composite nhẹ hơn tàu gỗ nên có thể tiết kiệm được lượng dầu khá lớn khi vận hành mỗi chuyến biển. Ngoài ra, do thiết kế thành những khoang kín nên nếu không may một vị trí nào đó bị thủng thì sẽ dễ khắc phục. Mặt khác, lâu nay sản phẩm ngư dân làm ra thường hao hụt giá trị do hệ thống bảo quản kém nên thường bị thương lái ép giá. Khi sử dụng tàu composite thì khoang chứa hải sản được thiết kế rất kín, giữ được hơi lạnh lâu nên chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn” - ông Nho bộc bạch. Với kinh nghiệm đóng tàu được tích lũy bấy lâu, ông Nho tin rằng thời gian hoàn thành việc đóng mới tàu vỏ composite sẽ chỉ khoảng 3 tháng. Do nhanh hoàn thiện hơn so với tàu vỏ gỗ nên tiết kiệm được rất nhiều công sức và kinh phí khi đóng tàu.

Ngư dân Quảng Nam sẽ bám biển bằng tàu vật liệu mới. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Quảng Nam sẽ bám biển bằng tàu vật liệu mới. Ảnh: N.Q.V

Có được quyết định hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu vỏ thép có công suất 829CV, ông Võ Văn Thuyên (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải, Núi Thành) rất vui mừng. “Bám biển mấy chục năm ròng đến thời điểm này gia đình tôi mới chỉ có được con tàu QNa-94169 công suất 200CV. Sắp tới được đóng mới tàu vỏ thép có công suất lớn hơn gấp 4 lần, tôi tin quá trình bám biển sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, thành công hơn” - ông Thuyên hồ hởi. Theo ông Thuyên, tàu vỏ thép có công suất lớn hơn, ngư lưới cụ hiện đại hơn, lại bảo quản sản phẩm tốt hơn nên hy vọng thu nhập mỗi chuyến biển sẽ tăng lên. “Ngoài tính hiệu quả trong sản xuất, tàu vỏ thép cũng sẽ đương đầu với sóng gió tốt hơn nên những chuyến biển cũng sẽ ít rủi ro, quả là một bước ngoặt mới với gia đình chúng tôi” - ông Thuyên nói.

Tao thuận lợi cho ngư dân

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Khánh, Trưởng phòng Tín dụng (Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Núi Thành) khẳng định, đơn vị sẽ giải ngân kịp thời cho 19 ngư dân huyện Núi Thành được đóng mới tàu cá trong đợt 1 này. Đến thời điểm này, Sở NN&PTNT đã làm việc với các đơn vị tư vấn thiết kế, các cơ sở đóng tàu vỏ thép, vỏ composite cũng như các đơn vị cung ứng máy thủy mới trên phạm vi toàn quốc và cung cấp địa chỉ cụ thể đến ngư dân để họ liên hệ đóng tàu. Các thủ tục đăng ký, đăng kiểm để có thể triển khai đóng mới và hoàn thành con tàu đã được ngành chức năng giới thiệu để ngư dân tiếp cận. Các công đoạn này dù trải qua nhiều bước nhưng không quá phức tạp và có tính liên kết cao để đảm bảo con tàu được hoàn thiện đúng các tiêu chuẩn cần thiết. Đầu tiên, ngư dân phải làm tờ khai được địa phương cấp xã xác nhận, gửi văn bản đến Sở NN&PTNT. Sau khi được ngành thủy sản cấp tỉnh xác nhận, chủ tàu sẽ làm việc với các đơn vị tư vấn thiết kế để lập thiết kế cho con tàu. Cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) sẽ duyệt thiết kế. Sau đó, ngư dân sẽ ký hợp đồng giám sát với cơ quan này để triển khai tuần tự các bước đóng tàu. Sau khi con tàu được hoàn thiện, ngư dân sẽ được cấp các giấy chứng nhận và bước vào giai đoạn sản xuất trên biển. Ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) khẳng định, thời gian xác nhận các bước của hồ sơ sẽ được rút ngắn, giúp ngư dân thuận tiện khi đóng tàu.

Liên quan đến đóng mới tàu cá đợt này, ngư dân có nhiều băn khoăn. Đó là việc giải ngân vốn đối ứng 5% sẽ được tiến hành một lần hay nhiều lần đồng thời với các bước giải ngân của ngân hàng. Máy phát điện theo thiết kế của 5 trong số 21 mẫu tàu vỏ thép chỉ có công suất 150CV, quá thấp so với nhu cầu sản xuất. Các mẫu tàu này mặc định cho riêng mỗi nghề sản xuất, trong khi đó ngư dân cần sản xuất kiêm nghề thì việc sửa chữa thiết kế sẽ được tiến hành thế nào? Công cụ phục vụ sản xuất của ngư dân rất nhiều, ví dụ như các loại neo ở trên tàu dù có giá đến hơn 100 triệu đồng mà không có hóa đơn khi mua hàng thì ngân hàng sẽ giải ngân vốn ra sao? Việc thẩm định giá trị con tàu để ngân hàng giải ngân vốn được tiến hành có sát thực tế không và kinh phí là bao nhiêu, ngân hàng hay ngư dân phải chi trả?... Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Các thắc mắc của ngư dân là hoàn toàn chính đáng. Điều đó cho thấy họ ý thức rất lớn đến việc vay vốn của Nhà nước cũng như sử dụng nguồn vốn của bản thân khi đóng mới mỗi con tàu có giá trị không dưới 10 tỷ đồng. Triển khai Nghị định 67 sẽ được tiến hành tuần tự với mỗi bước đi hợp lý nhất, tạo thuận lợi cho ngư dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, giải quyết thỏa đáng các băn khoăn của ngư dân, giúp họ yên tâm đóng tàu”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng tàu vật liệu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO