Triển vọng thị trường khách Ấn Độ

VĨNH LỘC 25/02/2020 16:14

(QNO) - Dự kiến ngày 14.5.2020, Hãng hàng không Vietjet chính thức khai trương đường bay trực tiếp Đà Nẵng - New Dehli (Ấn Độ), tần suất 5 chuyến mỗi tuần. Đây được xem là cơ hội quý giá của ngành du lịch Quảng Nam, đặc biệt trong tình hình các thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Khách Ấn Độ tham quan phố cổ Hội An
Khách Ấn Độ tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: VĨNH LỘC

Thị trường tiềm năng

Với dân số hơn 1,3 tỷ người, mỗi năm khoảng 30 triệu người du lịch ra nước ngoài, Ấn Độ được xem là thị trường khá tiềm năng của du lịch miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Theo phân tích của Tổng cục Du lịch, phần nhiều khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài thuộc đẳng cấp giàu có, thường đi theo nhóm bạn bè hoặc gia đình nên khả năng chi tiêu cao. Ngoài Phú Quốc, Đà Nẵng và Quảng Nam là những nơi thích hợp với khách Ấn Độ vì có biển đẹp, quy hoạch tương đối ngăn nắp, ít tắc nghẽn giao thông, có nhiều khách sạn cao cấp, cơ sở hạ tầng tốt. Riêng Quảng Nam còn có 2 Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, trong đó Mỹ Sơn là thánh tích liên quan đến Hindu giáo nên người Ấn Độ có sự gần gũi nhất định.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2019, khoảng 169 nghìn khách Ấn Độ du lịch đến Việt Nam, đứng tốp 16 thị trường gửi khách đến Viêt Nam. Tốc độ tăng trưởng gần 28%, cao thứ 3 trong số các thị trường khách của du lịch Việt Nam, sau Thái Lan (45,9%) và Đài Loan (29,8%). Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, bình quân đạt 26,7%, từ 65,6 nghìn lượt khách (năm 2015) đã lên đến 169 nghìn lượt (2019).

Ông Cao Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Lữ hành quốc tế Vietnam Travel MART nhìn nhận, Ấn Độ không chỉ là thị trường đông dân mà còn nhiều khả năng tăng trưởng cao nên rất có tiềm năng. Vì vậy, việc mở đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng - New Dehli sẽ thu hút lượng khách hai bên rất lớn.

“Lâu nay khu vực miền Trung chưa có đường bay trực tiếp đi Ấn Độ, trong khi khu vực này, cụ thể là Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế rất phù hợp với du khách Ấn Độ, nhất là cơ sở hạ tầng và ẩm thực - những điều khách Ấn Độ rất quan tâm” - ông Dũng phân tích. Đà Nẵng, Quảng Nam hiện có khoảng 10 nhà hàng Ấn Độ đáp ứng được nhu cầu của khách thị trường này.

Chủ động đón đầu

Thực tế, trong vòng 5 năm trở lại đây, Ấn Độ đã trở thành thị trường được các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng quan tâm với các tour hành hương. Tuy nhiên, việc khai thác còn tương đối hạn chế vì phụ thuộc các đường bay từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đi Ấn Độ. Do đó, việc khai trương đường bay thẳng từ Đà Nẵng đi New Dehli hứa hẹn sẽ giúp việc trao đổi khách thuận tiện hơn rất nhiều.

“Không phải đến khi các thị trường khác sụt giảm mình mới quan tâm Ấn Độ mà thị trường này đã nằm trong kế hoạch phát triển của các địa phương, doanh nghiệp miền Trung từ rất lâu. Nhưng do hạn chế đường bay, nhất là hệ thống dịch vụ phù hợp nên khách Ấn chưa đến nhiều. Bây giờ nếu chúng ta chứng minh được hệ thống dịch vụ phù hợp với thị trường này, khách Ấn sẽ quan tâm. Khi khách có nhu cầu, các hãng hàng không sẽ mở đường bay” - ông Cao Chí Dũng phân tích.

Khu đền tháp Mỹ Sơn được du khách Ấn Độ quan tâm vì liên quan đến văn hóa tôn giáo nước này
Khu đền tháp Mỹ Sơn được du khách Ấn Độ quan tâm vì liên quan đến văn hóa tôn giáo nước này. Ảnh: VĨNH LỘC

Dù vậy, theo ông Phạm Vũ Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, doanh nghiệp Quảng Nam hiện vẫn chưa sẵn sàng đón thị trường khách Ấn Độ. “Đây là thị trường khó tính và có đặc thù riêng, nhất là về ăn uống, tôn giáo, kể cả bố trí khu vực hành lễ tại nơi lưu trú nên Quảng Nam hoàn toàn bị động không có sự chuẩn bị để đón dòng khách này. Do đó, phải tìm hiểu thêm về tập quán chi tiêu, sinh hoạt, nhu cầu ăn uống mua sắm, kể cả vấn đề phục vụ tại các khách sạn..., điều này nhiều doanh nghiệp dè dặt thành ra mất cơ hội, nhất là với khách trung - cao cấp. Ngoài ra, do lâu nay doanh nghiệp Hội An chủ yếu phục vụ dòng khách truyền thống Âu - Mỹ, ít quan tâm đến dòng khách mới nên cũng là hạn chế của Quảng Nam khi tiếp cận dòng khách mới như Ấn Độ” - ông Dũng thừa nhận.

Ông Phạm Vũ Dũng cho biết, sắp tới hiệp hội sẽ nghiên cứu đề xuất với tỉnh làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ, hãng hàng không và một số công ty lữ hành tại Đà Nẵng để tìm hiểu rõ hơn nhu cầu và xu hướng du lịch của khách Ấn Độ nhằm có kế hoạch xúc tiến, kết nối dòng khách này hiệu quả. “Tôi nghĩ khi có cầu, chắc chắn doanh nghiệp Hội An sẽ có những điều chỉnh về dịch vụ phù hợp với thị trường khách này” - ông Dũng nói.

Hướng đến thị trường Ấn Độ không chỉ giúp đa dạng hóa dòng khách, tránh rủi ro khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường mà qua đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ sản phẩm tương xứng. Đặc biệt tăng sức chịu đựng cho ngành du lịch Quảng Nam trước những biến động như hiện nay và sau này.  

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng thị trường khách Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO