Khi nhiều làng dệt thổ cẩm truyền thống ở vùng cao dần rơi vào tình cảnh bấp bênh do thiếu đầu ra cho sản phẩm, thì ở Za Ra (xã Ta Bhing, Nam Giang) lại mang đến tín hiệu vui cho các nghệ nhân Cơ Tu từ mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đầy triển vọng.
1.Tôi gặp chị Nguyễn Thị Kim Lan, người phụ nữ Cơ Tu có công lớn trong việc đưa sản phẩm dệt thổ cẩm Za Ra đến với du khách trong và ngoài nước, tại một lễ hội vùng cao cách đây ít năm. Dịp đó, không gian làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra được trưng bày triển lãm, phục vụ du khách với nhiều sản phẩm độc đáo, được làm nên từ đôi bàn tay tài hoa của những phụ nữ Cơ Tu bản địa. Chị Lan bây giờ là Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu - Za Ra, tiếp tục có nhiều cống hiến trong việc đổi mới mẫu mã sản phẩm của làng dệt, ngược xuôi tìm đối tác để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm của vùng cao Nam Giang. Chị Lan cho hay, trước đây làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra chỉ phục vụ cho việc tham quan du lịch cũng như hướng đến việc bảo tồn nghề truyền thống. Nhưng từ khi làng nghề được hình thành theo mô hình HTX, với sự giúp sức của chính quyền địa phương và Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR), cùng các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm Za Ra đã thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo cơ hội phát triển kinh tế. “Bây giờ, nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu đã hình thành nên thương hiệu mới, thương hiệu từ chính bàn tay khéo léo của đồng bào với nhiều mẫu mã sản phẩm độc đáo, thu hút du khách tìm mua” - chị Lan nói.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra được bày bán tại lễ hội vùng cao Nam Giang. nh: ALĂNG NGƯỚC |
Có một dạo, do không kiếm được đầu ra, nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu ở làng Za Ra gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm được làm ra từ công sức của đồng bào, dù được đánh giá rất độc đáo nhưng cũng không thể bán ra thị trường, khiến nghề dệt thổ cẩm Za Ra tưởng chừng như rơi vào quên lãng. Chính chị Lan là người đã tìm hướng khôi phục và đưa làng dệt thổ cẩm Za Ra vực dậy lớn mạnh như bây giờ. Từ kinh phí hỗ trợ của FIDR vào năm 2003, chính quyền huyện Nam Giang đã chọn đầu tư cho làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra với mong muốn vừa khôi phục làng nghề, giữ gìn giá trị truyền thống, vừa tìm cách xây dựng Za Ra thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Theo bà Aviết Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ta Bhing, không chỉ còn là sản phẩm dùng để biếu, tặng làm trang phục hay của hồi môn, dệt thổ cẩm Za Ra bây giờ đã trở thành món hàng lưu niệm, đem lại giá trị về kinh tế cho người dân địa phương.
Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đánh giá cao những bước đi mới, rất hiệu quả của HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra, xem đây là tín hiệu vui đầy triển vọng giúp làng nghề truyền thống tại địa phương có cơ hội vực dậy, khôi phục và lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào. Từ đó, nhân rộng mô hình, cũng như tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng “một làng nghề, một sản phẩm”, vừa giúp quảng bá văn hóa truyền thống vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. |
2.Cuối năm 2011, HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra chính thức được thành lập theo hướng đầu tư mở rộng hoạt động dệt và kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm truyền thống kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng với 39 xã viên là đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Sau nhiều năm hoạt động, HTX đã có nhiều tiến bộ trong việc sản xuất và đưa sản phẩm nghề dệt đến với du khách, nhất là đưa sản phẩm xuất ngoại sang các nước Úc, Mỹ, Nhật Bản... Không còn “làm cho vui”, thổ cẩm Za Ra bây giờ đã trở thành sản phẩm kinh tế giúp đồng bào Cơ Tu ở địa phương có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Tại đại hội HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra mới đây, thông tin doanh thu của đơn vị sau 5 năm hơn 850 triệu đồng với hơn 8.000 sản phẩm được sản xuất và gần 6.500 sản phẩm được bán ra thị trường khiến nhiều người trầm trồ. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của HTX được đánh giá ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, luôn được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đây cũng chính là tín hiệu vui, mở ra cơ hội để HTX tiếp tục phát triển, cũng như giải quyết được việc làm cho người dân địa phương, nhất là chị em phụ nữ. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu.
Để mở rộng thị trường, cũng như quảng bá mẫu mã sản phẩm của HTX đến với du khách, tại hầu hết dịp liên hoan, festival làng nghề truyền thống, các phụ nữ Cơ Tu ở làng nghề Za Ra đều sẵn lòng bỏ công việc hàng ngày để góp mặt sản phẩm của mình, phục vụ du khách. Để tạo thêm sức hút, các xã viên HTX vừa giới thiệu quảng bá sản phẩm, vừa trình diễn các công đoạn dệt, khiến nhiều du khách thích thú. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra luôn được nhiều người yêu thích, tìm mua làm các món quà lưu niệm, tặng bạn bè, người thân.
Không chỉ là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương, HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra đang dần khẳng định thương hiệu, vị thế của mình trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Vượt qua những bó buộc xưa cũ, nhiều sản phẩm của HTX bây giờ đã dần được cải tiến với những mẫu mã trông rất đẹp mắt và độc đáo. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thông qua các sản phẩm túi xách, ba lô, túi đựng điện thoại, vật dụng trang trí trong nhà… được biến tấu từ chất liệu vải thổ cẩm truyền thống Cơ Tu. Nhiều mặt hàng dệt thổ cẩm Za Ra đang dần có mặt tại các thành phố lớn trong nước như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… và bắt đầu mở rộng thị trường sang các nước trên thế giới.
ALĂNG NGƯỚC