Triển vọng thương mại qua cửa khẩu Nam Giang

THÂN VĨNH 26/06/2023 09:46

(ĐS 21/6) - Thông qua các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm, hàng hóa Quảng Nam đã xâm nhập các địa phương biên giới nước bạn Lào, mở ra triển vọng về một thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Quảng Nam.

Việc tham gia hội chợ, diễn đàn quốc tế đã giúp doanh nghiệp Quảng Nam trao đổi, kết nối thương mại với nhiều đối tác Lào, Thái Lan... Ảnh: V.L
Việc tham gia hội chợ, diễn đàn quốc tế đã giúp doanh nghiệp Quảng Nam trao đổi, kết nối thương mại với nhiều đối tác Lào, Thái Lan... Ảnh: V.L

Tăng cường kết nối       

Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam - Lào - Thái Lan tại tỉnh Champasak (Lào) diễn ra từ ngày 8 - 11/4 trở thành sự kiện nổi bật trong hoạt động giao thương giữa Quảng Nam với các tỉnh biên giới Lào và vùng đông bắc Thái Lan năm 2023.

Tham gia sự kiện lần này, đoàn Quảng Nam có 8 doanh nghiệp và hợp tác xã cùng trưng bày, triển lãm tại gian hàng chung Quảng Nam nhằm tạo cơ hội quảng bá các sản phẩm đặc sắc địa phương đến với bạn bè quốc tế, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, hướng đến thúc đẩy kết nối ba nền kinh tế.

Với vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch, dịch vụ giữa Quảng Nam với các địa phương Lào, Thái Lan thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang được đánh giá là khá triển vọng, sáng sủa. Thực tế, từ ngày tái lập tỉnh, quan hệ thương mại đã dần hình thành với nhiều thỏa thuận song phương giữa Quảng Nam và các địa phương Lào, có thể kể đến quan hệ kết nghĩa, hợp tác toàn diện với tỉnh Sê Kông từ năm 1997; ký kết hợp tác về đầu tư thương mại, du lịch, văn hóa và giáo dục với tỉnh Champasak từ năm 2007 và hợp tác về nông nghiệp, thương mại, đầu tư, du lịch, logistics với tỉnh Ubon Ratchathani từ năm 2013.

Mặc dù hoạt động mua bán tại sự kiện chưa nhiều do thời gian ngắn, nhưng diễn đàn vẫn đạt kết quả tích cực khi một số biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa doanh nghiệp Quảng Nam với đối tác nước bạn được ký kết thành công.

Có thể kể đến hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty TNHH Xây dựng thương mại phát triển Lê Huỳnh với 2 doanh nghiệp của tỉnh Sê Kông và một hợp đồng ghi nhớ trao đổi hàng hóa giữa Cơ sở nước mắm Ngọc Lan với một doanh nghiệp tại Pakse, mở ra triển vọng thúc đẩy hơn nữa quá trình giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương hai nước, nhất là tại Sê Kông và Pakse.

Từ nhiều năm nay, trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp Quảng Nam với các địa phương một số nước thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây ngày càng phát triển. Nổi bật, phải kể đến Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây được tổ chức hàng năm tại TP.Đà Nẵng với sự tham gia của khá đông doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Thái Lan, Lào, Myanmar…

Riêng năm 2022, sự kiện đã thu hút hàng chục doanh nghiệp, gian hàng tham gia như Văn phòng Thương vụ - Tổng lãnh sự quán Hoàng Gia Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung Lào như Attapue, Sê Kông, Salavan, Champasak, Savannakhet, Khammouan đã dành sự quan tâm đặc biệt, với số lượng gian hàng vượt trội so với các kỳ hội chợ trước, qua đó cho thấy kết nối cung cầu giữa các nước với miền Trung nói chung cũng như Đà Nẵng, Quảng Nam ngày càng tăng. 

Có thể khẳng định, hợp tác giữa Quảng Nam và các địa phương nước bạn Lào rất tốt và đầy triển vọng, nhất là với Pakse. Trong đó, các diễn đàn, hội chợ được tổ chức thời gian qua là cơ hội quý giá để kết nối, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch giữa Quảng Nam với Lào, kể cả Thái Lan.

Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp Quảng Nam tham gia sâu hơn vào việc kết nối giao thương với các nhà phân phối xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp đến từ tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan), nơi có thế mạnh về chuyển đổi số. Kết quả của việc kết nối này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm hàng hóa Quảng Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường này.

Nhiều điểm nghẽn

Tại Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam - Lào - Thái Lan diễn ra hồi tháng 4/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, thúc đẩy hợp tác thương mại Quảng Nam với các địa phương Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan sẽ giúp sớm hình thành tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang, bởi đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối tỉnh Ubon Rathchathani, vùng Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh Nam Lào với Biển Đông của Việt Nam.

Dù có triển vọng nhưng hoạt dộng thương mại giữa Quảng Nam và các địa phương Lào qua cửa khẩu Nam Giang thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: V.L
Dù có triển vọng nhưng hoạt dộng thương mại giữa Quảng Nam và các địa phương Lào qua cửa khẩu Nam Giang thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: V.L

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, triển vọng kết nối thương mại Quảng Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang là không bàn cãi.

Thời gian qua, bên cạnh hoạt động vận chuyển nông sản của Thaco Chu Lai từ vùng nguyên liệu từ Lào về, việc kết nối du lịch cũng từng bước hình thành. Dù vậy, thách thức đặt ra cũng khá lớn.

Thực tế hiện nay hàng hóa mới chỉ giao thương một chiều, chủ yếu nông sản của Thaco Chu Lai và nguyên vật liệu tại Lào đến các cảng biển Đà Nẵng, Quảng Nam; ngược lại hàng Việt Nam qua Lào không đáng kể.

“Nỗ lực chính trị là có nhưng hiện thực mục tiêu vẫn rất khó khăn. Thậm chí, trong quy hoạch, phát triển vùng hiện nay, Chính phủ không đưa Hành lang kinh tế Đông Tây vào, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị cũng không có hành lang này” - ông Dự nói.

Chưa kể, hạ tầng giao thông khá hạn chế, nhất là 2 tuyến đường 14D, 14E vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, kể cả hạ tầng giao thông phía nước bạn Lào qua cửa khẩu Nam Giang cũng yếu kém.

Ngoài ra, hoạt động trao đổi hàng hóa cũng gặp một số khó khăn như ảnh hưởng dịch COVID-19 ở Lào vẫn còn; hàng hóa xuất nhập cũng gặp ít nhiều khó khăn, nhất là với một số mặt hàng truyền thống như nước mắm, bánh tráng…

Để thúc đẩy giao thương, vấn đề đầu tiên phải từ công tác định hướng quy hoạch, tiếp đến cần khai thông hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang, đây được xem là yếu tố tiên quyết để hoạt động giao thương được đẩy mạnh, kể cả du lịch, khi đó du khách Lào buổi sáng ở Pakse buổi chiều có thể tắm biển ở Hội An.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng thương mại qua cửa khẩu Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO